Ngành kỹ thuật, kinh tế tuyển tổ hợp Văn, Sử, Địa: Cơ hội hay “bẫy” thí sinh?

Năm nay, nhiều trường ĐH phía Nam thông báo tuyển các tổ hợp các môn xã hội vào nhiều ngành học kỹ thuật như chế tạo máy, công nghệ thông tin, kế toán, quản trị kinh doanh.

Ngành kỹ thuật, kinh tế tuyển tổ hợp Văn, Sử, Địa: Cơ hội hay “bẫy” thí sinh? - 1

Nhiều phương án tuyển sinh khác lạ

Theo phương án tuyển sinh mà Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai công bố, nhiều ngành xét tuyển cả tổ hợp môn Văn, Sử, Địa và Văn, Sử, GDCD như: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật xây dựng.

Không những vậy, các ngành khối kinh tế đặc thù như Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh cũng tuyển luôn các tổ hợp này. Trong khi nếu nhìn vào chương trình đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ và kinh tế, có thể thấy khối kiến thức cơ bản liên quan rất nhiều đến các môn tự nhiên, tính toán.

Bên cạnh đó, ở nhóm ngành sức khỏe của trường này cũng có sự điều chỉnh môn xét tuyển theo hướng sử dụng nhiều môn thuộc khối xã hội. Như ngành kỹ thuật xét nghiệm y học năm nay có xét thêm tổ hợp: Văn, Sinh, Sử và Toán, Văn, Anh.

Tương tự, Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng tuyển tổ hợp khối C cho các ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Bất động sản.

Trường ĐH Bình Dương tuyển tổ hợp Văn, Sử, Địa cho các ngành đòi hỏi tính toán nhiều như: Kế toán, Tài chính ngân hàng.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển tổ hợp Văn, Sử, Địa cho các ngành kinh tế như Kinh doanh quốc tế, Marketing và các ngành quản trị, truyền thông đa phương tiện, kể cả ngành tiếng Anh.

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM sử dụng tổ hợp Văn, Sử, Địa và Văn, Sử, Giáo dục công dân để tuyển sinh các ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng.

Cũng trong năm nay, nhiều trường đưa ra xét tuyển một số tổ hợp khá lạ chưa từng có trong lịch sử như tuyển sinh các tổ hợp không có năng khiếu cho các ngành Kiến trúc, Thiết kế. Như Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ở hai ngành Kiến trúc và Thiết kế nội thất, bên cạnh các tổ hợp có môn năng khiếu còn tuyển sinh các tổ hợp Toán, Lý, Hóa và Toán, Văn, Anh.

Trường ĐH Thủ Dầu Một cũng tuyển sinh ngành Kiến trúc bằng 2 tổ hợp Toán, Văn, Khoa học tự nhiên và Toán, Lý, Hóa bên cạnh 2 tổ hợp truyền thống gồm Toán, Lý, Vẽ mỹ thuật và Toán, Văn, Vẽ mỹ thuật.

Cơ hội hay “bẫy” thí sinh?

Theo lãnh đạo một số trường, việc áp dụng thêm những tổ hợp này là cơ hội cho thí sinh nhóm ngành xã hội có thêm điều kiện xét tuyển. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết, đối với hai ngành Kiến trúc và Thiết kế nội thất, nhà trường vẫn duy trì 2 tổ hợp môn xét tuyển truyền thống có chứa môn vẽ song song với thử nghiệm các tổ hợp mới.

Điều này nhằm tạo điều kiện cho những thí sinh không thực sự có năng khiếu vẽ nhưng có khả năng cảm nhận cái đẹp, có ý tưởng, tư duy sáng tạo tốt, thích ứng được với công nghệ vẫn có thể theo học các ngành thuộc khối kiến trúc quy hoạch. Nếu sinh viên có tư duy sáng tạo, cộng với tư duy logic thì chắc chắn vẫn học được ngành này.

Tương tự, đối với ngành như Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế lại xét tuyển tổ hợp khối C, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng những ngành này cũng đòi hỏi người học sau này ra trường phải viết nhiều. Nên những người học các môn khoa học xã hội sẽ viết tốt hơn những người học tự nhiên.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng việc mở rộng tổ hợp xét tuyển là quyền của các trường để tăng nguồn tuyển, thêm cơ hội chọn ngành cho người học. Tuy nhiên, việc xác định tổ hợp xét tuyển có phần lạm dụng như vậy sẽ có tác động tiêu cực đối với người học.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng, nếu tổ hợp xét tuyển quá chênh lệch với chương trình đào tạo, môn xét tuyển trái hoàn toàn hoặc không có môn trọng tâm của chương trình đào tạo là điều đáng lo. Điều này sẽ khiến cho việc giảng dạy khó khăn do người học không cùng khối kiến thức cơ bản đào tạo dẫn đến gặp trở ngại rất lớn trong việc tiếp nhận kiến thức. Đồng thời, không chỉ bản thân các em mà nhà trường cũng bị ảnh hưởng do nguy cơ bỏ học của sinh viên rất cao.

Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, việc các trường tuyển sinh bằng tổ hợp "lạ" bất chấp sự không liên quan đến ngành học sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của thí sinh. Việc chọn tổ hợp không phù hợp với chương trình đào tạo sẽ khiến sinh viên khó theo được trong các năm học tiếp theo. Đó là một trong những nguyên nhân khiến lượng sinh viên bị đuổi học ngày càng nhiều do nợ môn, nợ tín chỉ, bỏ tiết…

Trước những thông tin này, Bộ GDĐT cho biết, các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào.

Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Quy trình xác định tổ hợp cho các ngành thường do hội đồng khoa học đào tạo hoặc hội đồng tuyển sinh tham mưu... Và nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo.

Trường đại học đầu tiên công bố ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào năm 2018

ĐH Y Hải Phòng vừa công bố chỉ tiêu dự kiến cũng như ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào năm 2018. Theo đó, trường có 1.100...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương (Infonet)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN