Ngành học nào ra trường dễ kiếm việc làm?

Sự kiện: Giáo dục

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là hết thời hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022. Theo các chuyên gia, bên cạnh các yếu tố như lực học, kết quả thi, điểm chuẩn trúng tuyển vào trường, năng lực, sở trường của thí sinh thì cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng là một tiêu chí quan trọng mà thí sinh cần tham khảo trước khi đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố kết quả khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học trong hai năm 2020 và 2021. Theo kết quả khảo sát này, trong năm 2021, các lĩnh vực sinh viên được doanh nghiệp săn đón, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức cao gồm: Dịch vụ vận tải (89,2%), nghệ thuật (85,4%), thú y (85,2%), kiến trúc và xây dựng (79,6%); sản xuất và chế biến (79,5%); Toán và thống kê (77,7%); Sức khoẻ (76,7%); Nông lâm và thuỷ sản (75,8%); Khoa học và sự sống (75,8%). Các nhóm ngành có tỷ lệ việc làm trung bình gồm: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (74,5%); Nhân văn (74,7%); Kỹ thuật (74,1%); Công nghệ kỹ thuật (73,4%); Máy tính và công nghệ thông tin (73,6%); Khoa học xã hội và hành vi (69,2%); Kinh doanh và quản lý (68,8%); Pháp luật (64,9%). Nhóm ngành sinh viên ra trường có tỷ lệ việc làm còn thấp gồm: Môi trường và bảo vệ môi trường (59,9%); Dịch vụ xã hội (56,3%)… Còn theo số liệu thống kê năm 2020, nhóm ngành nghệ thuật, thú y, máy tính và công nghệ thông tin là 3 ngành có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất. Như vậy, trong cả 2 năm 2020 và 2021, thú y và nghệ thuật đều nằm trong top 3 lĩnh vực sinh viên tốt nghiệp dễ kiếm việc làm.

Lựa chọn các ngành học đáp ứng tốt nhu cầu xã hội sẽ hạn chế được tình trạng sinh viên không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Ảnh minh họa

Lựa chọn các ngành học đáp ứng tốt nhu cầu xã hội sẽ hạn chế được tình trạng sinh viên không kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Ảnh minh họa

Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT cho biết: Thống kê của năm 2020, có 10 lĩnh vực, ngành đào tạo có số lượng sinh viên tốt nghiệp từ 10.000 trở lên là: Kinh doanh và quản lý 60.000; Sức khỏe 22.000; Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên 21.000; Công nghệ kỹ thuật 19.000; Nhân văn 16.500; Khối kỹ thuật 14.400; Khoa học xã hội và hành vi 13.900; Kiến trúc và xây dựng 12.000; Máy tính và công nghệ thông tin 11.900; Pháp luật 11.800. Trong khi đó, các lĩnh vực mà tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức cao là dịch vụ vận tải, nghệ thuật và thú y. Tuy nhiên, nhìn chung, các ngành này đều có số lượng sinh viên tốt nghiệp còn rất thấp, chỉ dao động từ vài trăm đến hơn 1.000 sinh viên. Đơn cử như năm 2020, ngành thú y chỉ có 114 sinh viên tốt nghiệp, năm 2021 là 715. Nhóm dịch vụ vận tải năm 2021 cũng chỉ có khoảng 1.338 sinh viên tốt nghiệp. “Do số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành như thú y, nghệ thuật và dịch vụ vận tải rất ít nên tỷ lệ có việc làm cao sau khi ra trường cũng là điều dễ hiểu”-ông Linh phân tích.

Lưu ý thêm với các thí sinh, Ông Bùi Văn Linh cho rằng: Thông thường những ngành học có ít sinh viên theo học, những ngành mới bao giờ cũng được xã hội đón nhận vì nó đáp ứng ngay sự khan hiếm về nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong giai đoạn đầu, các sinh viên tốt nghiệp ngành ít người học hoặc ngành học mới khá thuận lợi về việc làm, chế độ thu nhập vì lượng đào tạo ra còn ít, thiếu. Tuy nhiên, nếu các trường đại học cùng đua nhau mở ngành giống nhau, thì chỉ sau thời gian ngắn sẽ xuất hiện hiện tượng bão hòa, lâu hơn đó sẽ là giai đoạn dư thừa nguồn nhân lực đào tạo ra khiến sinh viên tốt nghiệp khó xin được việc làm hơn.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng khuyên thí sinh cần phân biệt ngành hot và ngành dễ kiếm việc làm sau khi ra trường. Theo ông Điền, các ngành công nghệ thông tin và tự động hóa hiện vẫn là những ngành có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nghề trong những năm tới nhưng không phải vì thế mà "dễ xin việc" hơn bởi các ngành này luôn có độ cạnh tranh cao cả về số lượng người học lẫn yêu cầu chất lượng. Tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, có những ngành xã hội chưa coi là hot nhưng sinh viên năm thứ 4 ra trường lại luôn được doanh nghiệp săn đón. Chẳng hạn như ngành kỹ thuật luyện kim, kỹ thuật môi trường, công nghệ thực phẩm…

Dự báo thêm về nhu cầu nhân lực trong những năm tới, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, các ngành có nhu cầu lớn trong tương lai vẫn là công nghệ thông tin, tự động hoá, cơ điện tử, giao thông vận tải, cơ khí, ôtô, điều khiển tự động hóa, du lịch, ngôn ngữ, y học. Trong đó, Công nghệ thông tin là ngành học được Chính phủ ưu tiên đào tạo đặc thù, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mỗi năm, Việt Nam cần tới 80.000 nhân lực ngành công nghệ thông tin, tuy nhiên, thị trường chỉ đáp ứng được khoảng 32.000 sinh viên trong một năm. Bên cạnh đó, mục tiêu của Việt Nam giai đoạn 2030-2045 sẽ trở thành nước phát triển.

Để hiện thực hóa điều này, trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng cơ sở như giao thông, cảng biển, do đó các ngành về kỹ thuật liên quan đến hệ thống giao thông, cảng biển cũng sẽ có nhu cầu rất lớn. Ngoài ra, hiện có một số ngành học dù tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm chưa cao song đây lại là những ngành học được dự báo sẽ có nhu cầu xã hội lớn trong những năm tới. Chẳng hạn như ngành công tác xã hội, Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội. Đến giai đoạn 2025 - 2030, tỷ lệ này đạt 90%.

Nguồn: [Link nguồn]

Học phí các trường khối kinh tế thế nào, điểm chuẩn sẽ biến động ra sao?

Mức học phí tại các trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính,... năm 2022 -2023 dao động ở mức từ 15 triệu đồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Thanh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN