Ngạc nhiên với những cha mẹ là người thầy hiền trí
Khi cha mẹ là những người thầy hiền trí thì con cái đi đúng đường, có thái độ tốt hành xử với cuộc đời.
Xưa có Mạnh Tử (là nhà triết gia Nho giáo Trung Quốc, được coi là ông tổ thứ hai của Nho giáo, được hậu thế tôn làm "Á thánh Mạnh Tử" chỉ đứng sau Khổng Tử) được mẹ nuôi nấng ở ngôi làng nhỏ gần khu nghĩa địa nên hay cùng trẻ nhỏ trong làng chơi trò "đám tang".
Mẹ Mạnh Tử lo con không thể trở thành một đứa trẻ giỏi giang, nên chuyển nhà đến khu chợ mua bán cho tiện làm ăn sinh sống. Nhưng ở đó Mạnh Tử sớm học được cách cân, đong, đo, đếm với sự ồn ã tiếng mặc cả, cãi cọ, chửi mắng nhau… Mẹ ông lại quyết định chuyển nhà đến gần một ngôi trường. Từ đó Mạnh Tử sống học những khuôn mẫu lễ giáo, học hành chăm chỉ... và mẹ ông đã yên tâm vì tìm được chỗ ở tốt cho con mình.
Nhờ được tiếp xúc với các nhà học giả, gần thầy hiền trí, bạn tốt nên Mạnh Tử đã tạo được tiền đề vững chắc để trở thành học giả nổi tiếng. Chuyện xưa cho thấy việc thay đổi môi trường sống bên ngoài cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến tính cách của một đứa trẻ.
Cha mẹ là những người thầy đầu tiên cho con
Gần đây trên mạng xã hội và đời thường câu "thầy hiền trí" hay được nhiều người nói tới. Hiền nghĩa là có lòng vị tha, sống biết vì người khác, không ích kỷ, tham danh. Trí là có hiểu biết sâu sắc, thông minh. Thầy – chính là người có khả năng và sẵn lòng hướng dẫn người khác.
Theo ông Trần Việt Quân (Cố vấn hệ thống trường Liên cấp Tuệ Đức, Sáng lập viên CLB Dạy con nên người, Giảng viên đào tạo Bách Khoa Education) thì ai cũng có người thầy đầu tiên ngay từ khi sinh ra – đó là cha mẹ dạy những bước đi đầu đời, những lời nói bập bẹ, cách đứng lên từ những cú ngã đầu tiên... Nhưng trên hành trình làm cha mẹ nhiều người chưa ý thức được việc "mình là người thầy đầu tiên của con" ngay từ khi con bập bẹ, chập chững tiếp xúc, khám phá với thế giới này thông qua sự chỉ dẫn của bố mẹ.
Vậy cha mẹ cần chuẩn bị gì để tự tin trở thành thầy hiền trí của con?
Một đứa trẻ dù có được dạy tốt như thế nào cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng nếu không có được nền tảng giáo dục tốt từ gia đình. Cha mẹ muốn trở thành vị thầy hiền trí phải có đạo đức (hiền) và có trí tuệ (trí), nếu không có hai điều này thì chưa xứng đáng làm thầy. Người thầy có trí tuệ mà kém đạo đức cũng rất nguy hiểm vì dễ đưa học trò đến những sai lầm.
Thầy - Sách - Bạn cực kỳ quan trọng giúp con phát triển
Ngoài "tầm sư học đạo", cha mẹ cần định hướng cho cuộc sống của con mình bằng có 3 báu vật bên trong gồm Trí tuệ – Đạo đức và Nghị lực. Đồng thời có phương án "kiểm soát" môi trường 3 báu vật bên ngoài để giúp con thay đổi, gồm:
Chọn bạn mà chơi: Môi trường xung quanh - nhất là những người thường tiếp xúc có ảnh hưởng rất lớn tới con trẻ. Vì vậy cha mẹ hay quan sát và tìm môi trường có những người bạn tốt cho con – đó là điều thiết yếu dạy con trở thành người bạn tốt.
Chọn thầy mà học: Cha mẹ hãy lắng nghe những lý tưởng sống, những mơ ước, ý nghĩa cuộc sống của con mình. Khi hiểu con thật sự mong muốn điều gì thì mới mong tìm đúng thầy cho con. Khi người học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện.
Chọn sách mà đọc: Rèn cho con trẻ thói quen đọc sách rất quan trọng để giúp con có khả năng tự học. Cha mẹ cần dành thời gian để chọn sách có chất lượng cho mình và con cái cùng đọc. Tránh chọn những cuốn sách khơi dậy lòng tham. Hãy chọn những cuốn sách đọc giúp bình an, thông suốt, biết đủ, mạnh mẽ, vị tha với người, với đời, với chính mình.
Hình thức nghe sách nói cũng rất hiệu quả, quan trọng nhất là đọc sách thường xuyên.
Thầy - Sách - Bạn là 3 yếu tố bên ngoài cực kỳ quan trọng giúp con phát triển, nhưng cha mẹ mới là người thầy tốt nhất cho con trẻ trong gia đình. Có câu "muốn con trẻ trở thành người như thế nào, cha mẹ hãy trở thành người đó trước", vì vậy cha mẹ phải biết sống đúng đắn để làm gương cho con noi theo.
Ngày nay nhiều bậc cha mẹ mải mê lo kế sinh nhai, kiếm tiền mà bỏ bê việc giáo dục con cái. Cha mẹ cần hiểu là việc giáo dục tốt trong gia đình chính là nền tảng để con trẻ bước vào xã hội. Đầu tư có lãi nhất chính là đầu tư vào giáo dục con trẻ, cũng là khoản đầu tư cần sự kiên nhẫn nhất. Cha mẹ là người thầy tuy chỉ cho ý kiến (chứ không thể đưa ra quyết định cho cuộc đời cho con), nhưng cha mẹ là người thầy hiền trí sẽ dẫn lối giúp con trẻ đi vào con đường đúng đắn, có thái độ cho phù hợp để lớn lên hành xử với cuộc đời.
Nếu cha mẹ vẫn còn băn khoăn, mất định hướng hãy đến với các lớp học đánh thức ý nghĩa cuộc đời để tìm cho mình những hướng đi, lời giải, tìm người thầy cho cuộc đời mình và con trẻ.
Cảm thấy bất lực trước việc con trai vì bố nuông chiều mà mải chơi, quên học, chị Hân đã nghĩ ra cách thay đổi cả...
Nguồn: [Link nguồn]