Muốn não bộ trẻ phát triển tốt, đừng bỏ qua 4 cách rèn luyện này
Não bộ của một đứa trẻ nếu được bố mẹ rèn luyện và kích thích từ sớm sẽ có tác dụng tốt trong việc cải thiện IQ.
Một số người tin rằng, những đứa trẻ có IQ cao thường dễ dàng đạt thành tích tốt trong học tập. Nhưng cũng có những người khác lại nghĩ “lấy cần cù bù thông minh”, trẻ vẫn sẽ học giỏi như bao người khác.
Thế nhưng trên thực tế, còn có một khả năng khác để thay đổi tương lai của con cái mình đó chính là cải thiện chức năng điều hành của não.
Năm 2011, Adele Diamond - giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học British Columbia, Canada đã hoàn thành một dự án nghiên cứu kéo dài 32 năm liên quan tới hàng nghìn đứa trẻ.
Bản tóm tắt nghiên cứu của giáo sư Adele như sau:
Nếu trẻ từ 3 – 11 tuổi có chức năng điều hành não kém, 30 năm sau (loại trừ yếu tố IQ, giới tính, tầng lớp xã hội…) chúng sẽ có sức khỏe kém, thu nhập thấp, tỷ lệ phạm tội cao so với những đứa trẻ có chức năng điều hành của não mạnh.
Các nghiên cứu khác về trẻ mẫu giáo cũng phát hiện ra rằng, tương lai trẻ có tiềm năng hay không phụ thuộc vào chức năng điều hành của não được phát triển tốt khi chúng còn nhỏ chứ không phải phụ thuộc vào IQ.
Chức năng điều hành của não là gì?
Chức năng điều hành không phải là một chức năng riêng lẻ của não, nó là một thuật ngữ chỉ sự kết hợp của một nhóm các khả năng như tự kiểm soát, tập trung, ghi nhớ, xử lý linh hoạt… Chức năng này bắt đầu phát triển trong năm đầu tiên tính từ lúc em bé mới sinh ra và dần dần hoàn thiện.
Nếu chức năng điều hành của não phát triển sớm, tương lai của trẻ càng thuận lợi.
Làm thế nào để trau dồi chức năng điều hành của não ở trẻ em?
Các chuyên gia giáo dục thường nhấn mạnh rằng, trẻ em học thông qua việc vui chơi và chức năng điều hành của não cũng có thể dần hoàn thiện. Sau đây là 4 cách bố mẹ có thể giúp con mình:
1. Kể chuyện
Nếu bạn muốn cải thiện chức năng điều hành não bộ cho con mình, tốt nhất nên kể chuyện thay vì để trẻ tự đọc sách. Đọc sách là phương pháp hiệu quả để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và phát triển trí tuệ của trẻ. Nhưng ngoài việc trẻ tự đọc sách, bố mẹ nên kể chuyện cho trẻ nghe nhiều hơn.
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi trẻ nghe thông tin chúng sẽ nhớ lâu và chú ý nội dung chi tiết hơn. Khi không có hình ảnh, mọi sự tập trung sẽ đổ dồn vào đôi tai để nắm bắt thông tin.
Tất nhiên, bạn không cần giới hạn việc kể chuyện xoay quanh sách vở. Bạn có thể kể cho con mình nghe những gì đã xảy ra trong một ngày của mình, trải nghiệm thời thơ ấu, dự định tương lai… Việc bố mẹ và con cái thường xuyên kể chuyện cho nhau nghe như thế này có tác dụng rất tốt cho sự phát triển của não bộ trẻ.
2. Nâng cao độ khó trò chơi
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, khi bố mẹ và con cái chơi trò chơi cùng với nhau thường xuyên có thể cải thiện chức năng điều hành của não.
Sau khi chơi một trò chơi nào đó quen thuộc, bạn có thể tăng dần độ khó hoặc thay đổi luật chơi. Theo cách này, trẻ sẽ cần sử dụng chất xám nhiều hơn để giành chiến thắng.
Ví dụ, khi cho trẻ chơi trò nghe và làm theo hành động. Bạn nói từ “đứng” trẻ sẽ đứng, bạn nói từ “ngồi” trẻ sẽ ngồi. Sau khi trẻ quen với nhịp điệu và các hành động thì thay đổi quy luật chơi, ngồi khi nói “đứng” và đứng khi nói “ngồi”. Với cách làm này, trò chơi không chỉ trở nên thú vị mà còn có thể rèn luyện phản xạ não của trẻ.
3. Đi trên vạch kẻ
Đây là một trong những phương pháp giáo dục Montessori, cho trẻ đi dọc theo vạch kẻ và bước đi trên vạch.
Trò chơi này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng cân bằng, kiểm soát cơ thể một cách tự chủ…, nhìn chung sẽ thúc đẩy sự phát triển chức năng điều hành của não bộ.
Hoạt động này tuy đơn giản đối với người lớn nhưng lại không hề dễ dàng đối với trẻ nhỏ. Vì vậy, bạn nên hướng dẫn con mình từng chút một, bắt đầu từ việc đặt gót chân lên vạch, đi luân phiên bằng cả 2 chân. Ban đầu, trẻ chỉ cần đi dọc theo vạch kẻ, sau khi thành thạo sẽ tăng độ khó dần như theo nhịp điệu âm nhạc, đặt sách trên đầu, mang cốc nước trên tay…
4. Đặt tên
Trò chơi này đặc biệt thích hợp khi trẻ đang đi ô tô cùng bố mẹ hoặc đi bộ. Chẳng hạn như đặt tên cho những chiếc xe đang đi ngoài đường. Trò chơi này sẽ là một bài kiểm tra trí nhớ, khả năng tập trung, có tác dụng rèn luyện rất tốt cho chức năng điều hành của não bộ.
Nguồn: [Link nguồn]
Những câu nói này không chỉ gây tổn thương tâm lý con cái mà còn để lại nhiều hậu quả tiêu cực khác.