Nếu không ứng xử văn minh được với học sinh, xin đừng đứng trên bục giảng

Sự kiện: Giáo dục

Vì lương tâm, đạo đức nghề nghiệp không cho phép giáo viên làm ngơ trước lỗi lầm của học trò. Tuy nhiên, giáo viên duy trì lối giáo dục quyền uy, áp đặt là không thể chấp nhận được.

LTS: Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về vụ một nữ sinh nghi tự tử do bị phạt oan tại trường THPT Vĩnh Xương, tỉnh An Giang.

Được biết, trước đó, nữ sinh này đã bị nhà trường kỷ luật bằng hình thức nêu tên dưới cờ vì vi phạm vi phạm điều lệ trường THPT năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, nữ sinh này không nhận lỗi và bị nhà trường cấm túc trong vòng 2 tuần kể từ 1/12 đến 12/12. Từ đó dẫn đến sự việc nữ sinh viết thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử vào ngày 30/11/2020. Rất may, nữ sinh đã được cấp cứu kịp thời.

Qua sự việc này, nhiều ý kiến cho rằng, cách ứng xử của một số giáo viên đang có những hạn chế, gây ra hệ luỵ khiến học sinh bị tổn thương. Không những thế, những ứng xử sai của giáo viên sẽ khiến nhiều người hiểu không đúng về vai trò của người thầy, thậm chí có những phản ứng tiêu cực từ học sinh, phụ huynh, xã hội.

Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài "Giáo viên nên ứng xử với học sinh thế nào cho đúng?" với chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục đồng thời là Chủ tịch Hội đồng giáo dục, đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), người đã cảm hóa được hàng ngàn học sinh ngỗ ngược.

Bài 1: Nếu không ứng xử văn minh được với học sinh, xin đừng ngồi trên bục giảng

Sở GD-ĐT An Giang vừa vào cuộc, xử lý, quy trách nhiệm bước đầu đối với Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc nữ sinh trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) nghi tự tử vì bị phạt.

Trước đó, ngày 27/11, thầy Nguyễn Việt Hùm, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương, đã ký thông báo về việc học sinh vi phạm điều lệ Trường THPT năm học 2020-2021, trong đó có nội dung em Y. sai phạm khi “phản ánh không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo”. Em còn sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học.

Nữ sinh nghi tự tử vì bị bêu tên trước cờ. (Ảnh: PLO).

Nữ sinh nghi tự tử vì bị bêu tên trước cờ. (Ảnh: PLO).

Qua cuộc họp, nhà trường xét thấy gia đình em Y. đã nhận ra những sai sót của con và hứa dạy dỗ, điều chỉnh học sinh. Tuy nhiên, Y. vẫn chưa nhận rõ lỗi của mình. Vì vậy, Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng hai tuần. Thậm chí, trường buộc em Y. từ ngày 1 đến 12-12 phải có mặt tại trường từ 6 giờ 30 đến 6 giờ 50 để các cô giáo luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và lao động.

Hiện sự việc đang khiến dư luận quan tâm. Nhiều phụ huynh không đồng quan điểm với giáo viên trong việc dùng hình phạt để giáo dục học sinh.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, dù thế nào thì giáo viên cũng không nên làm ngơ trước các hành vi sai trái của trò. Vì lương tâm, đạo đức nghề nghiệp không cho phép chúng ta làm như thế. Tuy nhiên, nếu giáo viên duy trì lối giáo dục quyền uy, áp đặt là không thể chấp nhận được.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội

“Giáo viên không thể bí quá là làm theo bản năng, bộc phát được. Các thầy cô có hành vi như vậy chứng tỏ năng lực sư phạm ứng xử với học trò rất kém. Đây là hành động ảnh hưởng đến tư cách, hình ảnh nhà giáo. Nếu giáo viên không ứng xử văn minh được với học sinh, xin đừng đứng trên bục giảng. Những người có tính cách, thói quen xấu không tự thay đổi mình được, chỉ có làm việc với máy móc chứ không thể tiếp xúc với con người”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, lâu nay, khẩu hiệu của ngành giáo dục luôn hô 'Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm' nhưng đó mới chỉ là lời hô hào chưa trở thành hành động đối với thầy cô, cán bộ nhà trường.

Do đó, trong trường học, muốn dân chủ, trước hết học sinh phải được tôn trọng, hiểu được quyền học sinh. Trong giáo dục, thầy cô không nên ban ơn với học sinh mà phải giúp học sinh nhận thức được đúng, sai.

Ngoài ra, TS.Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, việc thầy cô vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm quy chế của ngành giáo dục cần phải lên án, kỷ luật.

Thầy Lâm cũng nêu một thực tế, hiện nay, nhiều giáo viên, nhất là người trẻ đang lúng túng trong việc xử lý các tình huống bất ngờ trong lớp học, bởi họ không được trang bị kiến thức để xử lý những vấn đề này, dẫn đến bị phụ huynh, học sinh phản ứng ngược.

TS Lâm lấy ví dụ về trường hợp cách đây không lâu, thầy tổng phụ trách trường THCS Khương Thượng (Hà Nội) bị thôi việc vì tát học sinh do học sinh nói hỗn. Đây là một tình huống bất ngờ. Khi thầy và trò có mâu thuẫn, tuyệt đối người thầy không được nóng giận mà có hành vi bạo lực, kể cả bằng lời nói. Hành động này vừa không đúng với đạo đức nhà giáo, vừa vi phạm luật pháp.

Thời gian qua, nhiều giáo viên áp dụng hình thức phạt bằng tát gây bức xúc dư luận. Ảnh: Gia đình & Xã hội. 

Thời gian qua, nhiều giáo viên áp dụng hình thức phạt bằng tát gây bức xúc dư luận. Ảnh: Gia đình & Xã hội. 

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nếu là giáo viên có kinh nghiệm, họ sẽ bình tĩnh lắng nghe và chia sẻ với học sinh. Có thể mềm mỏng nói rằng, thầy ghi nhận sự không bằng lòng của các em, sau đó đưa câu chuyện này ra làm đề tài để cả lớp thảo luận. Chắc chắn sẽ có những học sinh lên án hành vi thiếu tôn trọng thầy cô của học sinh đó. Lúc này, người thầy biến câu chuyện của mình thành vấn đề để học sinh tự giải quyết với nhau. Như vậy, thầy đã cảm hóa được học trò.

Qua những sự việc này, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất, Bộ GDĐT nên có những quy định cụ thể, như quy tắc ứng xử trong môi trường sư phạm, chế tài xử phạt học sinh, hay các cẩm nang về nghề để giáo viên có thêm kỹ năng.

Ông cũng khuyên giáo viên nên tôn trọng học trò, chấp nhận cả ưu và nhược điểm của chúng; Cho phép học trò lựa chọn những hình thức giáo dục phù hợp; Không vội vàng kỷ luật học sinh; Luôn giải quyết vấn đề một cách khách quan nhất.

Vụ nữ sinh lớp 10 uống thuốc tự tử ở An Giang: Đình chỉ công tác hiệu trưởng

Do để xảy ra vụ nữ sinh lớp 10 "uống thuốc tự tử" vì cho rằng bị giáo viên “xử ép” ở trường mình quản...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN