“Nếu giáo viên không ứng xử văn minh được với học sinh, xin đừng ngồi trên bục giảng”

Sự kiện: Giáo dục

Đó là ý kiến của TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội sau khi xảy ra hàng loạt những hành vi phản cảm của giáo viên với học sinh trong thời gian vừa qua.

Vừa qua trên mạng xã hội xôn xao trước clip hơn 1 phút, ghi lại hình ảnh một cô giáo tiểu học ngồi chấm bài rồi ném từng quyển tập của học sinh xuống nền gạch. Khi mỗi cuốn tập được ném xuống, từng học sinh đi lên để nhận về. Bước đầu, sự việc trên được xác định xảy ra ở một trường tiểu học tại Bạc Liêu.

Trước đó, sự việc cô Trần Thị Minh Châu giáo viên trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM, người từng 3 tháng liền lên lớp nhưng không giảng bài, lại tiếp tục bị đình chỉ vì một số hành vi phản sư phạm.

Cách đây không lâu, năm 2018, tại Hải Phòng một cô giáo của trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP.Hải Phòng) ép học sinh uống nước giặt giẻ lau cũng gây phẫn nộ trong dư luân.

Chấm bài xong, cô giáo ném tập học sinh xuống đất. Ảnh cắt ra từ clip

Chấm bài xong, cô giáo ném tập học sinh xuống đất. Ảnh cắt ra từ clip

Trao đổi với PV về những hành vi này của giáo viên, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội nói: Lâu nay xã hội lên án gay gắt việc giáo viên dùng bạo lực với học trò, tuy nhiên hết lần này đến lần khác, sự việc vẫn xảy ra. Giáo viên không thể bí quá là làm theo bản năng, bột phát được. Các cô giáo có hành vi như vậy chứng tỏ năng lực sư phạm ứng xử với học trò rất kém.

“Đây là hành động ảnh hưởng đến tư cách, hình ảnh nhà giáo. Nếu giáo viên không ứng xử văn minh được với học sinh, xin đừng ngồi trên bục giảng”, TS.Nguyễn Tùng Lâm nói.

Đối với những giáo viên có hành động bất thường, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, phải xem lại sức khỏe tâm thần của cô giáo. Là giáo viên mà không vượt qua tâm lý bực tức thì không thể đứng trên bục giảng được.

Khi nào xử lý xong về vấn đề sức khỏe tâm thần của giáo viên mới nên cho họ đứng lớp.

“Bài học cao nhất đối với giáo viên có hành vi bạo lực với học sinh là không nên dạy học. Những người có tính cách, thói quen xấu không tự thay đổi mình được, chỉ có làm việc với máy móc chứ không thể tiếp xúc với con người”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Về mặt tâm lý, TS Lâm phân tích, người chịu tổn thương nhất là học sinh bị đánh. Nếu em có tính cách nhút nhát sau sự việc này em dễ sống thu mình, sợ hãi giáo viên và các bạn, rất dễ dẫn đến trầm cảm. Còn ngược lại, học sinh có cá tính, em dễ nổi xung lên để đối phó với tất cả các bạn, giáo viên khác. Bởi em không được giáo dục bằng tình yêu thương, lòng bao dung mà chính bạo lực. Còn tất cả học sinh trong lớp chịu sự giáo dục của cô giáo này, dùng hình thức bạo lực để xử học sinh mỗi lần vi phạm cũng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.

Các em sẽ học cách xử lý vấn đề bằng bạo lực. Đặc biệt là những học sinh cá tính sẽ dùng bạo lực để trấn áp bạn khi gặp mâu thuẫn trong cuộc sống. Đó là hệ luỵ lớn nhất, bởi lâu nay giáo viên vẫn luôn là hình mẫu lý tưởng trong mắt học sinh, cô luôn đúng.

Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay, có tình trạng một số giáo viên, nhất là trường công có lối giáo dục quyền uy, thầy cô là nhất, thành tích của trường là nhất mà không vì niềm vui, nhân cách của học sinh.

Do đó, TS Lâm đề nghị các trường phải tập huấn về giá trị sống và kỹ năng sống cho giáo viên. Bởi nếu giáo viên ứng xử không tốt với trẻ sẽ tạo tính cách xấu, làm thui chột đức tính tốt đẹp vốn có của trẻ.

Mặt khác, trong nhà trường phải có buổi sinh hoạt tập thể, trao đổi để chia sẻ những bí quyết để dạy học sinh hiệu quả nhất.

Bức xúc việc giáo viên chấm bài xong rồi ném tập HS xuống đất

Sự việc cô giáo ném tập học sinh xuống đây gây bức xúc trong dư luận bước đầu được xác định xảy ra ở một trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN