Nếu bắt gặp con gái vào tuổi teen vào khách sạn, cha mẹ nên phản ứng thế nào?
Theo chuyên gia, sự dò hỏi của người mẹ về các vấn đề tế nhị (điều mà người mẹ đang lo lắng) có thể vô tình khiến trẻ hiểu rằng bản thân không được tin tưởng.
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các đau lòng như: Trẻ vị thành niên tự tử, trẻ vị thành niên bị xâm hại hoặc yêu sớm, thậm chí, một số trẻ còn có xu hướng thích người đồng giới. Vậy làm thế nào để cha mẹ có thể dạy con, giúp con thoát khỏi những cám dỗ, áp lực trong học tập, cuộc sống, các chuyên gia sẽ tư vấn cha mẹ qua tuyến bài "Kỹ năng sống tuổi vị thành niên". |
Bài 3: Nếu bắt gặp con gái tuổi teen vào khách sạn, cha mẹ nên phản ứng thế nào?
TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (BV Nhi Trung ương) chia sẻ về một tình huống, người mẹ bắt gặp con gái trong độ tuổi vị thành niên (15 tuổi) vào nhà nghỉ nhưng không biết nên xử trí ra sao.
Theo chuyên gia, trường hợp này, nếu cha mẹ dò hỏi về các vấn đề tế nhị (điều mà người mẹ đang lo lắng) có thể vô tình khiến trẻ hiểu rằng bản thân không được tin tưởng. Sẽ rất khó để khuyên trẻ bất cứ điều gì khi chúng ta chưa thật sự hiểu tình huống, đặc biệt trong tình huống chúng ta vẫn còn có những nghi hoặc về sự thành thật của con mình.
(Ảnh minh họa).
Có thể trẻ đã nói đúng và mẹ đã lo lắng thái quá khi chưa đặt niềm tin vào con gái mình. Ngược lại, cũng có thể trẻ lựa chọn chưa nói hết câu chuyện với mẹ vì sợ phải đối diện với những phản ứng tiêu cực của bố mẹ.
“Trong tình huống này, điều mà tôi có thể gợi ý cho bà mẹ là thay vì tìm cách để khuyên bảo trẻ như một người đi trước, cha mẹ hãy cố gắng lùi lại đi cùng con, đồng hành cùng con như vai trò của người bạn. Tôi tin khi cha mẹ có sự lắng nghe, cởi mở, không áp đặt, trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ hơn. Kinh nghiệm khi ngồi tại phòng khám của chúng tôi cho thấy, phần lớn trẻ thu mình, khép kín và ngại chia sẻ với phụ huynh, luôn có những sự phàn nàn về việc “người lớn trong gia đình thiếu sự lắng nghe”/ “bố mẹ chỉ muốn cháu làm theo ý bố mẹ””, bác sĩ Đỗ Minh Loan cho biết.
Theo TS.BS. Đỗ Minh Loan, khi bắt đầu bước vào lứa tuổi vị thành niên, trẻ có những thay đổi rất lớn về thể chất và tâm sinh lý. Ở độ tuổi này, trẻ đang trong quá trình phát triển độc lập và giảm bớt sự phụ thuộc vào cha mẹ. Trong khi con trẻ đang ngày một trưởng thành hơn thì nhiều phụ huynh vẫn giữ phong cách giáo dục với con như giáo dục một đứa trẻ, đó là sự bao bọc hoặc quá áp đặt.
Những điều này có thể vô tình tạo cho trẻ cảm giác bị kìm kẹp, cảm giác mình vẫn chưa lớn. Điều đó khiến trẻ cảm thấy khó chịu, dễ bị cáu gắt, ức chế hoặc thậm chí luôn làm trái lại những yêu cầu của người lớn.
Đặc biệt, nếu sự kìm kẹp, bao bọc ấy tồn tại trong một thời gian dài, gây ức chế tâm lý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ, lối sống của trẻ. Thậm chí, trẻ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng mà người lớn không thể ngờ tới. Vì thế, người lớn hãy lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu trẻ. Ngay cả việc trẻ vào nhà nghỉ cùng với bạn khác giới cũng phải nhẹ nhàng, tìm hiểu cặn kẽ mọi chuyện, không nên dồn ép, áp đặt hay cấm đoán trẻ.
Trong trường hợp cha mẹ đã rất cố gắng nhưng hiệu quả không như mong đợi, có thể tìm đến các chuyên gia để được tư vấn thay vì quát mắng, đánh chửi con.
Bố mẹ khi phát hiện con yêu đương, xem phim sex cũng không nên cấm đoán, áp đặt suy nghĩ của mình với trẻ, mà nên khuyên bảo con từ từ.
Nguồn: [Link nguồn]