Nét đẹp ngày "Tết thầy"

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Mỗi năm Tết đến, mọi người lại truyền tai nhau câu “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Đó như lời nhắc nhở nên biết ơn cha mẹ và thầy cô giáo.

Đều đặn mỗi năm, cứ vào ngày mùng 3 Tết, nhóm bạn trẻ từng học Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP HCM), lại nhắn tin hẹn nhau đi chúc Tết thầy cô giáo. Tuy đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định nhưng Anh Thi (28 tuổi) vẫn luôn dành thời gian sang nhà cô giáo chủ nhiệm lớp 12 để chúc Tết.

"Ban đầu nhóm có 10 người, sau này còn khoảng 3-4 người thôi. Có người đã lập gia đình, Tết phải về quê của vợ/chồng, có người đã định cư nước ngoài. Tuy vậy, lớp vẫn cố gắng giữ truyền thống đến nhà thầy cô thăm hỏi sức khỏe dịp đầu năm" – Thi cho biết.

Tú Nghi - sinh viên Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: "Em biết ơn thầy cô giáo cũ, nhất là những giáo viên dạy cấp 3. "Tết thầy" là dịp để bọn em thể hiện lòng biết ơn với thầy cô, đây cũng là dịp để mọi người gặp nhau và ôn lại những kỷ niệm thời đi học".

Tin nhắn chúc tết ngày mùng 3 Tết của cựu học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP HCM)

Tin nhắn chúc tết ngày mùng 3 Tết của cựu học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn, TP HCM)

Theo phong tục, mùng 1 là ngày con cháu trong nhà sẽ tề tựu đông đủ bên nhà nội để chúc Tết ông bà, thăm hỏi họ hàng và nhận lì xì; ngày mùng 2 sẽ về Tết nhà ngoại và ngày mùng 3 sẽ đến chúc Tết, mừng tuổi và tri ân người thầy cô giáo.

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu - cựu giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), cho biết cách đây khoảng 10- 20 năm, học trò cũ và mới đều có thói quen sẽ về thăm giáo viên vào ngày mùng 3 Tết. Cô trò tâm tình, chúc Tết nhau, kể cho nhau nghe những công việc đời thường. Vừa ăn hạt dưa, vừa chuyện trò rôm rả, ngày Tết trở thành ngày hội ngộ của nhiều lứa học trò.

Cô Hồng Châu (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh kỷ niệm cùng học trò vào sáng mùng 3 Tết Giáp Thìn

Cô Hồng Châu (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh kỷ niệm cùng học trò vào sáng mùng 3 Tết Giáp Thìn

Từ sáng sớm, anh Nguyễn Đỗ Phương đã đến nhà thăm và chúc Tết cô giáo của mình

Từ sáng sớm, anh Nguyễn Đỗ Phương đã đến nhà thăm và chúc Tết cô giáo của mình

"Những năm gần đây, ngày Tết có phần khác lạ và hiện đại hơn. Với sự phát triển của công nghệ, cô vui vì đã kết nối được với các em đang sinh sống và học tập ở nước ngoài, các em làm việc ở xa TP HCM. Thông qua những dòng tin nhắn, những cuộc gọi video, cô cảm thấy không có gì hạnh phúc bằng việc thấy học trò của mình trưởng thành, là người tử tế và luôn nhớ đến thầy cô" – cô Châu bày tỏ.

Xúc động ngày họp mặt đầu xuân

Trong mùa xuân này, Trường THPT Lê Quý Đôn còn tổ chức chương trình họp mặt với chủ đề "Tìm về tổ ấm 2024" để chúc Tết quý thầy cô từng công tác tại trường và giao lưu cựu học sinh qua các thế hệ.

"Nhà trường đã tất bật dọn dẹp, trang hoàng cảnh quan, chuẩn bị đón mừng sự trở về của gần 80 gương mặt thầy cô thân thương. Chương trình diễn ra với sự phối hợp của nhà trường và Ban liên lạc cựu giáo chức, cựu học sinh trường. Tất cả cùng cất lên "tiếng gọi đàn", gọi mọi người họp mặt dịp Tết đến xuân về" - cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết.

Nét đẹp ngày "Tết thầy" - 4

Nét đẹp ngày "Tết thầy" - 5

Nét đẹp ngày "Tết thầy" - 6

Buổi họp mặt đầu xuân chính là món quà ý nghĩa dành cho các thầy cô giáo từng công tác tại trường THPT Lê Quý Đôn

Buổi họp mặt đầu xuân chính là món quà ý nghĩa dành cho các thầy cô giáo từng công tác tại trường THPT Lê Quý Đôn

Em Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm, cựu học sinh khóa 2020 - 2023 quay trở lại trường, chia sẻ: "Chương trình mang lại cho tất cả thành viên Trường THPT Lê Quý Đôn cảm giác rất thân thương. Tuy đã rời mái trường nhưng khi trở lại em vẫn cảm thấy đây là một gia đình ấm áp".

Anh Lại Thế Tiến - cựu học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn khóa 1981 - 1984, cho biết còn một số thầy cô tuổi cao sức yếu không về họp mặt đầu năm, nhóm cựu học sinh sẽ trực tiếp đến nhà để chúc Tết, mừng tuổi thầy cô.

Giây phút chụp ảnh "đại gia đình" Trường THPT Lê Quý Đôn khiến mọi người xúc động. Hội đồng sư phạm nhiều thế hệ lần đầu tiên đứng chung một sân khấu, chung một khung hình. Đội nhiếp ảnh gia đông đảo chính là học sinh và cựu học sinh.

Vừa xem ảnh, cô Châu vừa mỉm cười nói: "Dịp Xuân này, những thầy cô lại có thêm kỷ niệm thật đẹp".

Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam với đa dạng các phong tục tập quán. Phong tục tập quán Việt Nam là một nét đẹp văn hóa, cần được bảo tồn và phát huy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huế Xuân ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN