Nên để các trường 'tự đứng' bằng đôi chân mình

“Ðể tạo động lực đổi mới giáo dục Ðại học, cách hiệu quả nhất là chỉ nên duy trì một số trường đại học công “tinh hoa”, số còn lại nên cổ phần hóa, để các trường tự đứng bằng đôi chân của mình”- TS Lê Ðắc Sơn, Chủ tịch HÐQT Trường ÐH Ðại Nam chia sẻ với PV Tiền Phong về câu chuyện giáo dục đầu Xuân-Bính Thân 2016.

Nên để các trường 'tự đứng' bằng đôi chân mình - 1

 TS Lê Ðắc Sơn.

Thi, tuyển sinh còn rối

Theo TS Sơn, trong hàng chục năm qua, Việt Nam vẫn loay hoay quanh chuyện tuyển sinh thế nào và qua mỗi kỳ đều đánh giá “hoàn thành tốt”. Thế nhưng, vấn đề nhiều người nhìn thấy là chất lượng đào tạo ÐH không đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Thực tế, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu thí sinh thi vào các trường ÐH, CÐ trong cả nước. Ðể lấp đầy chỉ tiêu đặt ra, các trường chủ động đưa ra số điểm đầu vào. Có trường lấy 28-29 điểm, nhưng có nơi chỉ 12-14 điểm. Với mục tiêu “lấp đầy” đó, liệu các trường có sàng lọc được chất lượng thí sinh? Ðiều này, những trường tốp trên có làm được, còn lại, kể cả trường công, lẫn tư đều cố hạ điểm để “lấp đầy” chỉ tiêu.

Do vậy, kỳ thi không phải là mấu chốt quyết định được chất lượng đào tạo ÐH. Còn nếu kỳ vọng điều đó, cứ quanh quẩn với việc thi cử  chẳng khác gì đi đánh địch mà đánh vào “đồn không địch”.

Kỳ tuyển sinh vừa qua, có sự bất cập trong khâu nộp- rút hồ sơ ở các trường, có nơi rơi vào tình trạng như “ong vỡ tổ”. Có trường hợp còn thuê cả xe cấp cứu để đi rút, nộp hồ sơ cho nhanh. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

“Nếu các vị hiệu trưởng thao thức, mất ngủ vì lo sinh viên trường mình tốt nghiệp xong thế nào? Có đáp ứng được nhu cầu xã hội không? Từ đó, có biện pháp đào tạo phù hợp hơn, sát thực tế hơn, tình hình thất nghiệp sẽ cải thiện hơn nhiều” 

TS Lê Ðắc Sơn 

Tôi cho rằng, giữa kỳ thi ÐH, CÐ và tốt nghiệp THPT có mục tiêu khác nhau. Việc thi chung, phải lồng ghép kiến thức làm sao cho vừa phù hợp để phân loại thí sinh có số điểm đỗ tốt nghiệp, rồi đỗ ÐH theo những mức khác nhau là rất rối. Dẫn tới, hiện tượng thí sinh nộp hồ sơ ồ ạt vào trường tốp trên, khi không đủ điểm đỗ, thí sinh, phụ huynh chạy đi, chạy lại rút hồ sơ nộp trường điểm thấp hơn. Ðiều này, vô tình đẩy các em vào việc học không đúng ngành nghề mình lựa chọn.

Kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi như một cuộc marathon. Hơn 1 triệu kết quả đạt, đủ tiêu chuẩn, rồi đổ dồn vào xét tuyển các trường. Khi trường tốp trên đã “no”, lại “xóc đều” dồn xuống trường tốp dưới. Cuối cùng vẫn hơn 600.000 chỉ tiêu “sàng đi sàng lại” được cho vào đào tạo ÐH, CÐ. Do vậy, lấy kì thi là khâu đột phá là phương án rối, và khi thi xong, các nhà giáo dục lại lo đi gỡ rối.

Tôi vẫn nghiêng về cách làm như ở nước ngoài, nên tổ chức một kỳ thi kết thúc THPT riêng. Kỳ thi sau đó, giao cho các trường ÐH, CÐ chủ động tuyển sinh.

Nên để các trường 'tự đứng' bằng đôi chân mình - 2

 Sinh viên trường ÐH Ðại Nam đang được đào tạo theo các chương trình bám sát nhu cầu của nhà tuyển dụng.

“Thừa thầy thiếu thợ” đến bao giờ?

Thưa ông, mới đây, Bộ LÐ-TB&XH công bố khoảng 225 nghìn cử nhân, kỹ sư ra trường không tìm được việc làm. Ông nghĩ  gì về con số này, và nhìn nhận cách đào tạo trong các trường ÐH hiện nay?

Ðể sinh viên ra trường, kể cả thạc sỹ, tiến sỹ kiếm được việc phù hợp ngay là không dễ. Ở đây, chưa nói đến chuyện tiêu cực, ở góc độ nhà tuyển dụng, họ chỉ tuyển người có năng lực, làm được việc chứ không phải tấm bằng. Như vậy, vấn đề then chốt nằm ở chỗ quy trình, công nghệ đào tạo, chứ không hẳn vì đầu vào tuyển sinh. Quy trình đào tạo phụ thuộc 3 nhân tố quyết định chất lượng.

Thứ nhất, bản thân người học phải xác định được học để cho chính mình. Hiện nay nhiều sinh viên lười học, ỷ lại gia đình, lo “chạy” điểm, thuê học hộ, thi hộ, rồi sao chép luận văn cốt có tấm bằng…Học như thế, khó có việc làm không có gì ngạc nhiên.

Thứ hai là quy trình, kết cấu nội dung chương trình đào tạo. Phần đông các trường ÐH ở nước ta chậm thay đổi, nặng về dạy hàn lâm với kiến thức xa rời thực tiễn...Thế nên, nhiều cử nhân, thạc sĩ “bằng đỏ”, thậm chí thủ khoa cũng không thuyết phục được các nhà tuyển dụng.

Thứ ba là chất lượng đội ngũ giảng viên ÐH, phần đông còn yếu kiến thức thực tiễn, không có thời gian và tâm huyết xây dựng bài giảng hay vì thiếu động lực. Còn có tâm lý việc học là của trò, dạy của thầy…

Từ góc độ những nhà quản lý, nếu các vị hiệu trưởng thao thức, mất ngủ vì lo sinh viên trường mình tốt nghiệp xong thế nào? Có đáp ứng được nhu cầu xã hội không? Từ đó, có biện pháp đào tạo phù hợp hơn, sát thực tế hơn, tình hình thất nghiệp sẽ cải thiện hơn nhiều.

Và để tạo động lực đó, cách hiệu quả nhất là chỉ nên duy trì một số trường đại học công “tinh hoa”, số còn lại nên cổ phần hóa, để các trường tự đứng bằng đôi chân của mình.

Rõ ràng, chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” cũ mà vẫn mới. Vậy theo ông, đâu là giải pháp để gỡ rối “nút thắt” này?

Thực trạng buồn ở nước ta là “thiếu thợ”. Nhiều người có tư tưởng, bằng mọi giá phải vào ÐH vì đây là con đường duy nhất để thành công, và nói không với học nghề. Thế nên, doanh nghiệp tìm một kỹ sư hay thạc sỹ rất dễ, nhưng kiếm một thợ  bậc 7 là khó.

Ðể gỡ tình trạng trên, cần có chính sách rẽ hướng, phân luồng nguồn lao động ở các giai đoạn học tập. Cách phân luồng tốt nhất là dùng cơ chế tài chính, phân phối nguồn lực đầu tư theo từng cấp học để định hướng nghề nghiệp cho người trẻ.

Chẳng hạn, khi học xong cấp 2, Nhà nước có những chính sách khuyến khích các em học trung cấp nghề miễn phí, vừa cấp học bổng, chỗ ăn ở. Các em sẽ biết được khả năng, điều kiện của mình để lựa chọn. Rồi đến cấp 3, Nhà nước lại có những chính sách tương tự để học sinh có thể chọn học CÐ nghề, kiếm công việc phù hợp với bản thân. Khi lên học CÐ, ÐH, thạc sỹ, Nhà nước chỉ hỗ trợ những sinh viên, học viên xuất sắc, còn lại, phải tự túc kinh phí học tập.

Dạy và học gắn liền với thực tiễn

Là người từng đi qua môi trường giáo dục, doanh nghiệp trong và ngoài nước, ông đã áp dụng về quy trình quản lý giáo dục thế nào, giúp sinh viên có thể tự tin kiếm việc làm khi tốt nghiệp?

Các trường hiện nay đều xây dựng chuẩn đầu ra để đánh giá năng lực sinh viên, đó là việc cần thiết, nhưng cách làm đang lúng túng. Theo tôi, việc đó tốt nhất để người trực tiếp sử dụng lao động đánh giá.

Ðể giúp sinh viên ra trường có thể tự tin kiếm được làm, ở ÐH Ðại Nam, chúng tôi mời những người tuyển dụng, doanh nghiệp về giảng dạy trực tiếp cho sinh viên, với những chuyên đề sát thực, trao đổi và định hướng cho sinh viên về công việc, tìm cơ hội việc làm.

So với các trường, có lẽ chúng tôi đang đi ngược. Nghĩa là, nhà trường liên kết cùng với doanh nghiệp, xem họ cần cái gì, sinh viên cần được đào tạo kỹ năng ra sao… Từ đó, chúng tôi xây dựng chương trình đào tạo, làm sao, trong quá trình học, sinh viên sẽ tiệm cận được yêu cầu của doanh nghiệp, và cơ hội có việc làm tại các doanh nghiệp đó sau khi ra trường sẽ rất cao.

Ở Việt Nam, số đông vẫn còn suy nghĩ, định kiến với trường tư, nhưng đó chỉ là cách nhìn kiểu truyền thống, không theo quy luật phát triển của giáo dục, của xã hội. Ở Mỹ, Nhật, Pháp,  Anh… trường tư là hệ thống giáo dục cốt lõi và thu hút được nhiều học sinh giỏi. Vì vậy chúng tôi sẽ chứng minh cho xã hội thấy, bằng phương pháp đào tạo gắn liền với thực tiễn, sự nỗ lực của người học, trách nhiệm của thầy cô giảng dạy, sẽ cho “ra lò” những lứa sinh viên có kỹ năng, và biết việc để làm.

Thưa ông, cách thức đào tạo là một nhẽ, nhưng động lực chính vẫn là sinh viên. Ông có lời khuyên gì đến họ?

Ðúng thế. Ở ÐH Ðại Nam, các em phải có tư duy học cho mình, còn thầy phải dạy kiến thức cập nhật của đời sống, phù hợp với ngành các em theo học. Hãy xác định học tập là nghiêm túc, chịu khó, ngoài học trên giảng đường, hãy học từ cuộc sống xung quanh, qua internet… Ðầu tư cho học tập không phải là bỏ một khoản tiền để mua tấm bằng, mà đó là đầu tư cho tương lai, cho sự thành công của bản thân mỗi người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nam Khánh - Quang Lộc (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN