Nam sinh lớp 6 đạt 920 điểm TOEIC
TP HCM - Nguyễn Nam Long, học sinh lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đạt điểm TOIEC 920/990 và đặt mục tiêu đạt điểm tuyệt đối sau hai năm nữa.
Long kể việc thi chứng chỉ TOEIC xuất phát từ lời cá cược của hai bố con. Bố em tin khả năng tiếng Anh của mình tốt hơn con trai nhưng Long cho rằng có thể "chấp" bố 50 điểm. Nhận lời thách đấu, hai bố con cùng tham gia khóa thi ngày 6/2. Kết quả, Long đạt tổng điểm 920, trong đó kỹ năng Nghe đạt 485/495 và điểm thi Đọc là 435/495. Người bố đạt tổng điểm 840.
"Kết quả này không quá bất ngờ vì con cũng đoán mình có thể đạt khoảng 900 điểm", Long nói.
Hiện, mức điểm phổ biến mà nhiều đại học trên thế giới yêu cầu với sinh viên quốc tế là 550-750 trở lên. Còn ở Việt Nam, chuẩn đầu ra với sinh viên đại học dao động 450-700, tùy trường.
Nam Long và phiếu kết quả thi TOEIC ngày 6/2. Ảnh: Gia đình cung cấp
Nam sinh lớp 6 nói trước khi thi TOEIC, em chỉ xem qua cấu trúc, dạng đề chứ không ôn luyện. Lý do là Long sử dụng ngôn ngữ này hàng ngày, có thể diễn đạt mọi thứ dễ dàng bằng tiếng Anh một cách tự nhiên.
Ngoài thời gian học trên lớp và nói chuyện với gia đình, Long đều dùng tiếng Anh, chẳng hạn khi trao đổi với bạn bè vào giờ ra chơi hay lúc tập thể thao. Em còn xem các video về dạy lập trình, thế giới đó đây, khoa học vũ trụ trên Youtube và xem phim trên Netflix, cũng bằng tiếng Anh.
"Giỏi tiếng Anh giúp con đọc, xem mọi tài liệu, video, phim ảnh, ca nhạc một cách dễ dàng. Đó là lý do con thích ngôn ngữ này", nam sinh nói, đặt mục tiêu đạt điểm tuyệt đối TOEIC sau hai năm nữa.
Chia sẻ kỹ hơn, ông Nguyễn Bình Nam, 40 tuổi, cho biết con trai được tiếp xúc với tiếng Anh từ khoảng 2 tuổi, khi bắt đầu đi nhà trẻ. Hàng tuần, ở trường có hai tiết cho trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ.
Từ 4 đến 6 tuổi, Long và ba người bạn gần nhà theo học một giáo viên người Mỹ. Sau khi giáo viên về nước, gia đình đưa Long đi học ở một trung tâm ngoại ngữ trong một năm nhưng không hiệu quả. Đến năm lớp 2, Long có 3-4 tháng học với giáo viên người Philippines rồi dừng hẳn.
Theo ông, Nam Long nói nhiều, rất hoạt ngôn và chịu khó giao tiếp, nói tiếng Anh. Đây là một lợi thế khi học ngoại ngữ. Mặt khác, Long có trí nhớ tốt. Ông Nam kể con từng đọc một bộ truyện 60 tập và khoe thuộc lòng cả bộ. Khi người bố thử rút một tập bất kỳ, đọc một đoạn thì Long có thể nói được câu tiếp theo.
"Khả năng tiếng Anh của con tốt nhưng không phải điều gì quá thần kỳ. Con có trí nhớ tốt và được gia đình quan tâm, đưa ra lộ trình học tập từ sớm, cộng với những thuận lợi trong môi trường, bạn bè xung quanh", ông Nam nhìn nhận.
Long đam mê và tự học lập trình. Ảnh: Gia đình cung cấp
Ông Nam cho biết thêm con trai rất mê lập trình game, từ lúc 6 tuổi.
"Gần đây, Long muốn thử sức thiết kế game nên xin được chơi game nhiều hơn, tôi đồng ý cho con chơi game hai tiếng mỗi ngày vì kết quả học tập của con vẫn ổn", ông nói.
Học kỳ I vừa qua, Long đạt điểm trung bình 9,2. Ngoài Toán và các môn khoa học tự nhiên là thế mạnh, Long cũng học tốt Lịch sử, Địa lý, một phần vì được cùng gia đình đi du lịch nhiều nơi. Qua mỗi địa điểm, nam sinh được bố mẹ giới thiệu và gợi ý tìm hiểu lịch sử, địa lý ở đó.
Người bố khẳng định gia đình muốn con được tự do phát triển, không đặt nặng thành tích học tập, chỉ cần không xếp ở nhóm cuối lớp. Ông xác định điều quan trọng nhất là bố mẹ dành thời gian để thực sự chơi, trò chuyện cùng con, thay vì canh chừng.
"Trí thông minh của mỗi đứa trẻ có thể khác nhau nhưng nếu được bố mẹ và những người xung quanh khích lệ, đồng hành đúng cách thì đều phát triển tốt", ông bố chia sẻ.
Người học nên học theo trình tự cơ bản đến nâng cao, lấy ví dụ đi kèm, sử dụng sơ đồ tư duy… để nhớ ngữ pháp tiếng Anh lâu hơn.
Nguồn: [Link nguồn]