Nam sinh khuyết tật bán 3 tạ thóc đi thi trường báo

Mất một bên chân từ nhỏ, đi lại khó khăn nhưng chàng trai quê ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn khát khao được đến trường. Kỳ thi đại học, mẹ nam sinh này đã phải bán 3 tạ thóc lấy tiền đưa con đi thi.

Đó là hoàn cảnh của thí sinh Nguyễn Văn Thắng (SN 1996), ở xã Thủy Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ngay từ thủa lọt lòng, Thắng đã thiếu một bên chân. Trong suốt 12 năm học, Thắng đều phải nhờ người thân đưa đi, đón về. Chiếc nạng gỗ là bạn đồng hành của Thắng trong suốt thời gian đi học.

Mất một bên chân ngay từ lúc lọt lòng

Chúng tôi gặp mẹ của Thắng, bà Đoàn Thị Tuyết (38 tuổi) ở ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Dáng người gầy gò, nước da ngăm đen, bà cho biết, lúc sinh Thắng ra, một bên chân của Thắng phát triển không bình thường. Nó nhỏ hơn chân còn lại và quặp vào bên trong rồi dần dần teo lại. Gia đình đã đưa Thắng lên Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám thì được bác sĩ cho biết em bị khuyết tật bẩm sinh, khó chữa trị. Trở về nhà, bố mẹ Thắng thấy ai mách ở đâu điều trị tốt, gia đình lại đưa Thắng đi khám, chữa trị nhưng rồi đều không có kết quả.

“Có nhiều lúc tôi cảm thấy có tội với con. Người ta đẻ con ra thì lành lặn, còn tôi đẻ con thiếu hụt một chân. Con bị thế thì mặc cảm với bản thân, còn tôi thì thấy đau đớn bội phần”, bà Tuyết xúc động nói.

Nam sinh khuyết tật bán 3 tạ thóc đi thi trường báo - 1

Suốt 12 năm học Thắng đều phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Khi di chuyển Thắng cũng phải dùng thêm nạng.

Kể từ lúc nhỏ đến lớn, mọi sinh hoạt ăn uống, tắm giặt hằng ngày của Thắng đều do mẹ chăm sóc. Năm 7 tuổi, Thắng thích đến trường, gia đình đã xin cho Thắng vào trường tiểu học ở gần nhà. Lên cấp 2, Thắng học cách nhà 3 km. Cấp 3 Thắng học trường THPT Xuân Mai, cách nhà 6km. Thời học cấp 2, Thắng đều được giấy khen học sinh xuất sắc, tiên tiến. Nhưng đến cấp 3, sức khỏe yếu, việc học bị ảnh hưởng, Thắng chỉ đạt học lực trung bình.

Suốt 12 năm học, ngày nắng cũng như ngày mưa bố mẹ Thắng đều luân phiên đưa em đến trường. Những lúc bận, gia đình lại nhờ người thân trong gia đình đưa đón Thắng.

“Khổ nhất là lúc Thắng 1 tuổi, em thường xuyên ốm đau. Có tối gần lúc đi ngủ, Thắng bị sốt, khó thở. Gia đình tôi lại phải huy động người thân đưa Thắng lên cấp cứu ở bệnh viện thị trấn Xuân Mai. Hôm đó, tôi lại phải thức trắng đến sáng ngồi trông con”, bà Tuyết kể.

Theo bà Tuyết, ở thôn Xuân Sen nhà nào cũng làm nông nghiệp. Nhà bà cũng trồng hơn 1 mẫu ruộng và tăng gia nuôi thêm con gà, con cá. Hằng ngày, bố Thắng chạy xe ôm ở thị xã Xuân Mai, đồng thời kiêm luôn việc đưa đón Thắng đi học. Nhà có ba anh chị em, Thắng là anh cả trong gia đình, sau Thắng là em gái học lớp 6 và em trai 2 tuổi.

Bán 3 tạ thóc đưa con đi thi đại học

Gần đến ngày Thắng đi thi đại học, do bận công việc nên bố Thắng phải ở nhà. Thắng được mẹ đưa đi thi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền mặt, bà Tuyết đã phải bán 3 tạ thóc lấy tiền làm lộ phí.

“Ở quê tôi làm nông nghiệp, không buôn bán gì nên gần như không ai có nhiều tiền mặt. Tôi xoay xở mãi không mượn được tiền nên đành phải bán 3 tạ thóc, được 2,1 triệu đồng đưa con đi thi. Khi Thắng đi thi, bà con hàng xóm cũng chỉ động viên tinh thần chứ không giúp đỡ được gì nhiều”, bà Tuyết cho hay.

Nam sinh khuyết tật bán 3 tạ thóc đi thi trường báo - 2

Mẹ của Thắng, bà Đoàn Thị Tuyết (38 tuổi) phải bán 3 tạ thóc lấy tiền cho con đi thi đại học

Chúng tôi đang ngồi trò chuyện với bà Tuyết thì đúng lúc Thắng ở ngoài về. Hình ảnh nam sinh dáng người nhỏ bé, đi lại đều phải nhờ sự hỗ trợ của chiếc nạng gỗ khiến chúng tôi không khỏi động lòng. Vẻ lạc quan, Thắng cho hay, kỳ thi tốt nghiệp vừa qua Thắng được 22,5 điểm, trong đó môn Sử đạt điểm cao nhất 8 điểm.

Trước lúc đăng ký hồ sơ thi đại học, Thắng thấy bạn trong lớp học khối C, đăng ký vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền nên Thắng cũng đăng ký theo. Chỉ vì Thắng nghĩ đơn giản hai đứa cùng quê khi đi thi còn hỗ trợ nhau. Khi đậu vào trường sẽ giúp đỡ nhau học tập.

“Em đăng ký vào ngành Báo chí đa phương tiện. Tuy em có tình cảm và thích trở thành nhà báo nhưng với đôi chân hiện tại của em thế thì chắc sẽ rất khó. Nhưng em cũng không vì thế mà mất tinh thần, mục tiêu của em là phải đỗ vào đại học. Sau khi học xong, có kiến thức, bằng tốt nghiệp em sẽ nhờ thầy cô, bạn bè hướng dẫn để tìm một công việc thích hợp nhất. Thậm chí có thể là công việc trái ngành”, Thắng tâm sự.

Nói về ước muốn của mình, Thắng nói: “Em cũng mong muốn mình có đủ hai chân như bạn bè cùng trang lứa. Em có thể tự do cắp sách đến trường mà không phải nhờ sự trợ giúp của người thân, bạn bè. Em cũng có nghe mẹ kể, nếu mà lắp chân giả chắc phải hết hơn 200 triệu. Số tiền này với một gia đình làm nông  nghiệp như nhà em thì quả là quá xa vời”.

Chia tay chúng tôi, ánh mắt của bà Tuyết đượm buồn. Nhìn đứa con khuyết tật, bà ước mong: “Giờ gia đình tôi chỉ mong con đỗ đạt vào trường. Dù gia đình có phải chịu khó khăn, đi vay mượn tiền cho con ăn học chúng tôi cũng cam lòng. Nếu được học đại học, con tôi có tấm bằng đi xin việc, chắc chắn tương lai sẽ xán lạn hơn”.

Bạn muốn nhận đáp án thi Đại Học 2014 của mình làm đúng hay sai sau khi hết giờ thi? Để nhận ngay đáp án, soạn tin:

DADH Mãkhối Mãmôn Mãđề gửi 8702 
Mã môn: TOAN, LY, HOA, SINH ,VAN, SU, DIA, ANH, NGA, PHAP, TRUNG,NHAT, DUC 
Mã đề: là mã đề thi của thí sinh, nếu là môn thi tự luận thì không cần có mã đề 
VD: Bạn vừa thi xong môn Lý khối A mã đề thi số 123, bạn muốn biết đáp án mã đề này hãy soạn: 

DADH A LY 123 gửi 8702 
Xem hướng dẫn chi tiết BẤM ĐÂY!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN