Năm học mới: Trĩu nặng tiền trường

Theo Luật Giáo dục, học sinh tiểu học được miễn hoàn toàn học phí, nhưng nhiều phụ huynh nói họ phải chịu gánh nặng tiền trường lớn nhất.

Chưa khai giảng đã phải chi tiền triệu

Anh Th. có hai con học Trường Tiểu học Thành Công A (quận Ba Đình, Hà Nội), một cháu học lớp lớn, một cháu năm nay vào lớp 1. Từ 1/8, cả hai cháu đều phải đi học hè, mỗi tuần 4 ngày (2 buổi/ngày), từ thứ Hai đến thứ Năm.

Cả tiền bán trú và tiền học, anh phải đóng cho mỗi con trên 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo anh Th., số tiền đó không nhằm nhò gì so với các khoản mà anh phải đóng cho cháu thứ hai.

“Tôi xin học cho con diện trái tuyến với tổng chi phí chạy trường là 900 USD. Khoảng giữa tháng 7 vừa rồi, trường gọi những phụ huynh có đơn học trái tuyến, trong đó có tôi đến làm thủ tục nhập học. Trong khi làm thủ tục, một cán bộ tuyển sinh thông báo, trường cần sự ủng hộ của phụ huynh để nâng cấp xây dựng cơ sở vật chất. Dù cán bộ đó nhấn mạnh đây là khoản tự nguyện nhưng mức tối thiểu là 1,5 triệu đồng, ai có điều kiện thì đóng hơn”, anh Th. kể.

Năm học mới: Trĩu nặng tiền trường - 1

Trẻ oằn lưng cõng đồ dùng học tập, phụ huynh oằn lưng lo tiền trường. Ảnh:Xuân Phú

Chuẩn bị vào năm học mới, trường tổ chức cho từng lớp khối 1 họp phụ huynh. Trong buổi họp, giáo viên cùng một vị phụ huynh là đại diện lâm thời (do cô giáo chỉ định) phổ biến dự kiến xây dựng mô hình lớp học tương tác, phải đầu tư máy điều hòa, máy chiếu, bảng tương tác với mức thu dự kiến khoảng 3 triệu đồng/phụ huynh.

Mỗi phụ huynh được phát đơn rồi điền vào, sau đó đóng tiền luôn. Anh Th. lo lắng: “Chưa khai giảng mà nhà tôi đã tốn 8 triệu đồng cho hai đứa.

Rồi sẽ tiếp tục tốn kém nữa vì có rất nhiều khoản mọi năm thu mà năm nay vẫn chưa triển khai thu. Khoản quỹ phụ huynh chắc dễ lên đến tiền triệu, nếu không, bét ra cũng dăm bảy trăm ngàn đồng/học kỳ”.

Rộ mốt lớp học tương tác

Nhiều năm trước, các trường đua nhau sắm máy chiếu. Mốt bây giờ là lớp học tương tác với mức đầu tư thiết bị lên đến hàng trăm triệu đồng/lớp.

Năm ngoái, một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân, Hà Nội kêu gọi đóng góp của phụ huynh để đầu tư mỗi khối 1-2 lớp học tương tác với chi phí 135 triệu đồng/bộ. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, với danh mục thiết bị mà trường kê ra, chỉ khoảng 70 - 80 triệu đồng/bộ.

Năm nay, để tránh sự soi mói của phụ huynh, nhiều trường chỉ thông báo mức giá chung cho một bộ thiết bị, từ đó chia ra suất đóng góp của từng phụ huynh.

Một phụ huynh trường Tiểu học T.T (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Theo thông báo của nhà trường, nếu cho con tham gia lớp học tương tác, mỗi cháu đóng khoảng 5 triệu đồng. Nhà trường trấn an phụ huynh bằng cách nhấn mạnh thiết bị này sẽ được dùng trong 5 năm học nên mỗi năm phụ huynh chỉ mất 1 triệu đồng”.

Nhiều phụ huynh cho biết, nhà trường tuy không ép phụ huynh nhưng vẫn thành ra ép.

“Sau khi phân lớp, họ thông báo lớp sẽ theo mô hình tương tác. Ai đồng ý thì đóng tiền. Ai không đồng ý thì trường sẽ chuyển sang lớp khác. Đang mừng vì con được vào lớp có cô tốt nên tâm lý phụ huynh nói chung là tặc lưỡi đóng tiền vì sợ con bị chuyển vào lớp mà giáo viên dạy không tốt”, một phụ huynh học sinh lớp 1C nói.

Trường T.T là một trong những trường triển khai mô hình lớp học tương tác thuộc diện mạnh tay. Nếu như các trường khác chỉ rón rén triển khai mỗi năm 1-2 lớp thì Trường T.T triển khai hàng loạt.

Năm học mới: Trĩu nặng tiền trường - 2
Chị công nhân Mai Thị Út méo mặt lo cho con trai vào lớp 1.

Theo thông báo ban đầu của nhà trường, các khối 1 sẽ triển khai 3 lớp/khối. Nhưng theo nhiều phụ huynh, số lớp tham gia mô hình tương tác của trường nhiều hơn so với dự kiến.

“Chúng tôi tự hỏi, phải chăng vì được chi % nên nhà trường làm mạnh? Nếu tính bình quân tiền hoa hồng là 10% thì với mô hình lớp học tương tác này nhà trường thu về không dưới 100 triệu”, một phụ huynh tính toán.

Trao đổi với PV, ông Trần Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, sẽ yêu cầu phòng GD&ĐT các quận, huyện kiểm tra các nơi đã tổ chức việc thu góp.

“Tôi không hiểu vì sao nhiều trường lại phải vận động phụ huynh đóng góp để đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục. Về cơ bản, ngân sách thành phố đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các trường”, ông Độ nói.

Bên hành lang cuộc họp giao ban với 29 quận/huyện toàn thành phố sáng 23/8, ông Đỗ Đình Hồng, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, cho biết, chỉ trong một vài ngày tới, thành phố sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về việc thu chi trong nhà trường.

“Một khi chưa có hướng dẫn thì không một cơ sở giáo dục nào được phép triển khai việc thu góp. Nếu cơ sở nào đã tổ chức thu là làm sai”, ông Hồng nói.

Trong cuộc họp, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định các lãnh đạo UBND quận/huyện phải chịu trách nhiệm về hoạt động giáo dục trên địa bàn mình quản lý, trong đó có vấn đề thu chi.

Nhọc nhằn và xoay xở

Để con có ngày tựu trường như các bạn bè khác, phụ huynh nghèo ở nhiều địa phương lại phải gồng gánh thêm những nỗi lo.

Để có đầy đủ sách vở, đồng phục cho con trai Nguyễn Duy Phước bước vào lớp 1, chị Mai Thị Út, 35 tuổi ở xóm trọ 34/10 khu phố Đông Nhì, phường Lái Thiêu (huyện Thuận An, Bình Dương), phải sắm dần từ tháng 6.

“Sắm một lần tiền đâu mà kham cho nổi. Tui phải mua từ từ, lúc mấy cuốn vở, lúc bộ áo quần. Hôm qua nhận tiền tăng ca, mua được cái cặp 120 ngàn đồng, tà tà từ tháng 6 đến giờ mới tạm đủ cho con vào lớp 1”, chị Út chia sẻ.

“Ở đây cái gì cũng đắt đỏ. Nuôi ăn học một đứa đã bạc mặt rồi, thêm một đứa đi học là chịu không thấu đâu”, anh Nguyễn Văn Siêng, chồng chị Út, than thở.

“Tiền học phí đầu năm 800 ngàn, tiền ăn trưa 740 ngàn. Chưa kể các khoản thu khác. Mà tụi tui công nhân tan ca 7 giờ tối, làm sao đón cháu được. Vậy là phải nộp thêm 400 ngàn nhờ cô giáo giữ cháu hộ. Mà nghe nói chưa chắc đã xin được. Sơ sơ cũng mất nguyên một tháng lương thợ may của “tui rồi”, chị Út nhẩm tính. Chị Nguyễn Thị Sáu, công nhân công ty Copal ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM một mình nuôi con 6 năm nay do chồng mất sớm. Chưa kịp mừng vì con vào lớp 1 Trường Tiểu học Huỳnh Tấn Phát, mới đây chị Sáu nhận được giấy báo đóng tiền trường cho con với gần 10 hạng mục phải đóng. “Mới tính sơ sơ hết 3 triệu đồng rồi, trong khi lương công nhân tụi tui có tăng ca cũng chỉ hơn 2 triệu/tháng”, chị Sáu nói.

Gia đình khó khăn, trước mỗi kỳ con vào học, chị Thái Thị Lan, ở quận 4, TPHCM, thường ra khu chợ sỉ tập vở, dụng cụ học sinh trên đường Phùng Hưng, quận 5 để sắm đồ cho con.

Giá cả tăng 10-15%, gia đình có 2 con đi học nên chị Lan quyết định tìm hàng bình ổn giá để giảm bớt chi phí.

“Đầu năm học phải lo tất tần tật dụng cụ học tập cho con, cái gì cũng tăng nhưng lương hai vợ chồng chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng nên tôi phải săn hàng bình ổn mua cho con. Giảm được đồng nào hay đồng ấy”, chị cho biết.

Anh Văn Tài, công nhân ở khu Công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), cho biết, không có tiền để cho con vào học lớp 1 trường chính quy, nên mới đây phải gửi con tới các lớp học tình thương, mong cháu học được chữ nào hay chữ đó.

Bà Tuyết, chủ xóm trọ đồng thời cũng là người mở lớp học tình thương ở phường Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương), cho biết: “Cứ vào đầu năm học mới là tất cả các gia đình công nhân có con em đến trường đều xin nợ tiền phòng. Người ít thì một tháng, có nhà xin nợ 3 tháng”.

Năm học mới: Trĩu nặng tiền trường - 3
Em Thạch Thị Ly đi bán vé số để kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới.

Để có thêm tiền phụ giúp gia đình trang trải đầu năm học, nhiều em nhỏ phải đi bán vé số, đánh giày, lượm ve chai… suốt cả mùa hè. Em Thạch Thị Ly (8 tuổi, quê Sóc Trăng) đi bán vé số hơn 2 tháng nay.

Mỗi ngày, em kiếm được hơn 30.000 đồng, tất cả đều đưa cho mẹ. “Con thích được đi học nên dù đi bán vé số có vất vả một chút nhưng lại có tiền mua sách vở”, bé Ly nói.

Trường học thu phí quản nhiệm

Sóc Trăng (TP) - Trường THCS&THPT Lê Hồng Phong (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) ngoài thu tiền học phí thu theo quy định, còn thu tiền điện, nước, vệ sinh và một loại phí rất lạ: phí quản nhiệm.

Tiền điện, nước, vệ sinh mỗi học sinh đóng 4.000 đồng/tháng. Còn phí quản nhiệm chỉ thu với học sinh lớp 12, mỗi học sinh đóng 120.000 đồng/năm học. Theo giải thích của giáo viên, phí quản nhiệm là để sử dụng vào công tác quản lý học sinh (?).

Hiệu trưởng Phạm Ngọc Phụng cho rằng “phí quản nhiệm đã được phụ huynh học sinh đồng ý”. Nhưng nhiều phụ huynh học sinh nói, nhà trường đã đặt ra nên phải theo. Còn các khoản thu khác, Hiệu trưởng Phụng “mong muốn phụ huynh học sinh chia sẻ vì kinh phí eo hẹp”.

Tuấn Ngọc


Tra cứu điểm thi, điểm chuẩn nhanh nhất tại diemthi.24h.com.vn

Bạn muốn là người biết Điểm Chuẩn ĐH-CĐ 2012 Nhanh nhất, chính xác nhất! Hãy soạn tin:

DC MÃTRƯỜNG NĂM gửi đến 8502

Ví Dụ: Để tra điểm chuẩn năm 2012 của trường ĐH Kinh tế quốc dân soạn tin:
DC KHA gửi đến số 8502, để tra điểm chuẩn năm 2011 soạn DC KHA 2011 gửi đến số 8502.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Hiên - Lê Nguyễn- Quang Minh (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN