Năm học mới, thách thức cũ
Là bậc học trực tiếp đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhưng giáo dục đại học (ĐH) đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức để đảm bảo chất lượng.
Học phí tăng
Hiện nay, một trường ĐH công lập đang có tới 3-4 mức học phí tùy thuộc vào chương trình đào tạo đó đã được kiểm định hay chưa, trường tự chủ mức độ nào. Ví dụ, tại ĐH Bách khoa Hà Nội, đối với khóa nhập học năm 2024, học phí các chương trình chuẩn từ 24 - 30 triệu đồng/năm học/sinh viên. Đối với các chương trình chất lượng cao, học phí từ 33 - 42 triệu đồng/năm học, riêng các chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10), Logistics và Quản lí chuỗi cung ứng (EM-E14) có học phí 64 - 67 triệu đồng/năm học.
Chương trình song ngữ bằng tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế (FL2) có học phí 45 triệu đồng/năm học. Các chương trình có chuẩn đầu ra ngoại ngữ khác (chương trình quốc tế) và liên kết đào tạo quốc tế (đối tác nước ngoài cấp bằng) học phí từ 24 - 29 triệu đồng/học kì.
Sinh viên nhập học năm 2024 Ảnh: Nghiêm Huê
Với quy định được xác định học phí sau khi tự chủ và chương trình được kiểm định, hiện nay học phí trường ĐH công lập đang cao hơn nhiều trường ngoài công lập, trái ngược với giai đoạn trước đây.
Theo văn bản của Bộ Nội vụ về việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD&ĐT, hết năm 2025 các đơn vị đào tạo ĐH thuộc Bộ GD&ĐT sẽ đồng loạt thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính từ mức đảm bảo chi thường xuyên trở lên. Như vậy, học phí bậc ĐH không chỉ tăng mỗi năm theo khung quy định mà còn mở rộng phạm vi số trường đủ điều kiện thu học phí cao hơn.
Một trong những bất cập nhất hiện nay đối với giáo dục ĐH, đó là chi phí đào tạo được tính chủ yếu trên học phí, sự đầu tư của nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ gần như không còn. Điều này dẫn đến 2 hệ lụy là, trường ĐH tăng chỉ tiêu và tăng học phí trong khi điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo với những quy định chưa thật chuẩn dẫn đến đầu ra bị thả nổi.
Trước đây, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT từng đưa ra đề xuất chi phí học ĐH một năm tương đương với khoảng nửa năm lương đi làm sau này. Nhưng học phí ĐH hiện nay đã vượt xa cách tính này. Ví dụ lương bác sĩ sau khi tốt nghiệp không thuộc nhóm cao nhất nhưng học phí đang thuộc diện cao nhất trong 7 nhóm ngành đào tạo hiện nay. Nếu trường ĐH đào tạo bác sĩ, Y được tự chủ thì học phí của ngành này còn gấp tới 3 - 4 lần mức lương sau khi bác sĩ tốt nghiệp.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đầu tư cho giáo dục ĐH từ ngân sách nhà nước còn rất thấp và có xu hướng tiếp tục bị cắt giảm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đổi mới hoạt động đào tạo. Việc phân bổ ngân sách còn bất cập, ngân sách phân bổ cho hoạt động đào tạo thấp, không bảo đảm cơ cấu chi cho giáo dục ĐH. |
Chất lượng đi về đâu?
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đánh giá chất lượng đào tạo ĐH năm học 2023 - 2024 đã được nâng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức; trình độ ngoại ngữ, trong đó có trình độ tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Quy mô đào tạo trình độ ĐH tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp... chưa có sức hút đối với người học. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội.
Quy mô tuyển sinh ngày càng phình to, dẫn đến việc cạn nguồn tuyển, có hiện tượng “vơ bèo vạt tép”. Khoảng cách chất lượng giữa các trường ĐH đang đặt ra thách thức đối với cơ quan quản lí cũng như với người học.
Hiện nay, chất lượng giáo dục ĐH được Bộ GD&ĐT đánh giá dựa trên các tiêu chí chính như kiểm định, sinh viên có việc làm, xếp hạng quốc tế. Nhưng những tiêu chí này đang thực sự có vấn đề. Thậm chí có trung tâm kiểm định còn bị Thanh tra Bộ GD&ĐT “thổi còi” yêu cầu xem xét trách nhiệm khi trường được công nhận kiểm định bị thanh tra phát hiện nhiều sai phạm.
Về tiêu chí xếp hạng cũng gây ra nhiều tranh cãi khi những trường được xếp hạng quốc tế lại có uy tín không cao ở Việt Nam. GS.TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam chỉ ra rằng thực trạng liêm chính khoa học ở Việt Nam thật sự nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, không chỉ cá nhân mà còn có cả trường ĐH vi phạm liêm chính khoa học bởi có tiêu chí xếp hạng không thực sự khách quan, tạo cơ hội để không ít trường ĐH lợi dụng.
Vừa trở lại TPHCM sau những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, nhiều phụ huynh đã vội vã đưa con đến nhà sách, siêu thị, cửa hàng văn phòng phẩm mua dụng cụ học tập trước khi vào năm học mới.
Nguồn: [Link nguồn]