Năm học 2022-2023: Hà Nội nhiều phương thức tuyển sinh vào lớp 10
Ngoài hệ thống trường công lập tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi tuyển vào lớp 10 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, các trường chất lượng cao, trường ngoài công lập đã đa dạng hoá phương thức tuyển sinh. Đặc biệt, một số trường có chế độ tuyển thẳng, cộng điểm chứng chỉ tiếng Anh cho học sinh lớp 9.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học này toàn TP có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng 19.000 so với năm ngoái). Thực hiện phân luồng học sinh sau THCS, sẽ chỉ có khoảng 77.000 em (60%) vào tiếp THPT công lập, 27.000 em (21%) học sinh tuyển vào các trường tư thục, 10% tuyển vào các trung tâm GDNN- GDTX và chỉ có 9% em đi học nghề.
Sẽ có khoảng 77.000 học sinh lớp 9 vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học tới.
Khác với năm trước, năm nay vì lí do dịch bệnh, Hà Nội đã thống nhất phương án sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bằng 3 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thay vì 4 bài như năm ngoái. Đến nay, Sở GD&ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể cho kỳ thi tuy nhiên, các trường THCS tăng tốc ôn tập 3 môn chuẩn bị cho kỳ thi dự kiến sẽ tổ chức trong khoảng từ 10-20/6.
Hằng năm, học sinh, phụ huynh có con thi tuyển sinh vào lớp 10 phải “chạy đua” để giành được suất học ở ngôi trường mong muốn. Do đó, khi có con học lớp 7-8, nhiều phụ huynh đã bắt đầu cho con học ôn các môn để chuẩn bị kỳ thi, bằng mọi giá phải giành được suất học trường công.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông từng nói, việc phân luồng học sinh sau khi học hết THCS là rất đúng, nhiều nước đã áp dụng. Khi học hết lớp 9, học sinh, phụ huynh đánh giá năng lực, sở thích của con để có thể xác định ngã rẽ như đi học nghề hay học tiếp. Việc lựa chọn học nghề từ sớm sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc của học sinh, gia đình tuy nhiên trên thực tế phụ huynh vẫn muốn bằng mọi giá cho con vào trường THPT công lập rồi tính tiếp. “Do đó, hằng năm, chỉ có từ 5-10% học sinh lớp 9 lựa chọn học nghề là tỉ lệ rất nhỏ. Cũng chính vì nhu cầu, định hướng của phụ huynh, học sinh phải học tiếp THPT nên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 mới gây áp lực cho học sinh”, bà Hằng nói.
Chị Nguyễn Thị Hải Linh, có con năm nay học lớp 8, Trường THCS Đô Thị Việt Hưng cho biết năm nay đã thấy con học rất vất vả. Ngoài chương trình nhà trường, con đã phải học thêm các môn cơ bản để làm bước đệm cho năm sau. Học trực tuyến cả ngày "dính" mặt vào màn hình máy tính khiến con tăng độ cận, người lờ đờ, mệt mỏi. Không muốn con chịu áp lực vì kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm tới, gia đình dự tính sẽ xin chuyển sang một trường ngoài công lập. Tuy nhiên, không phải ai cũng có suy nghĩ như chị Linh vì lí do điều kiện kinh tế hoặc kỳ vọng vào khả năng của con.
Hiệu trưởng 1 Trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) thông tin, trước kỳ thi tuyển sinh, giáo viên sẽ tư vấn cho học sinh, phụ huynh về lựa chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực các em. Hơn ai hết, giáo viên là người đồng hành với các em trong suốt năm học lại có kinh nghiệm qua từng năm nên đánh giá sát nhất. Tuy nhiên, thực tế là nhiều phụ huynh lại đặt kỳ vọng lên con lớn hơn so với năng lực, muốn con đỗ vào trường có mức điểm tuyển sinh cao gây áp lực cho con.
Nhiều phương thức tuyển sinh
Thời điểm này, một số trường THPT ngoài công lập, công lập chất lượng cao cũng đã công bố phương thức tuyển sinh cho năm học 2022-2023. Trong đó, một số trường sẽ tuyển sinh theo kết quả kỳ thi chung của sở, một số trường kết hợp thi tuyển và xét tuyển, đa số các trường còn lại sẽ ưu tiên xét tuyển học bạ đến hết học kỳ I lớp 9.
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, năm nay sẽ tuyển sinh toàn quốc với 300 chỉ tiêu lớp 10 bằng điểm xét tuyển học bạ và điểm từ kết quả thi tuyển của Sở GD&ĐT. Điều kiện dự tuyển với học sinh xét tuyển thông qua học bạ là học sinh phải được xếp loại hạnh kiểm tốt, học lực khá trở lên ở tất cả các năm THCS. Cách tính điểm xét tuyển qua học bạ gồm điểm học lực cộng điểm bộ môn và điểm cộng ưu tiên. Trong đó, điểm học lực mỗi năm ở khối THCS đạt giỏi được tính 5 điểm, khá được tính 4 điểm. Điểm bộ môn, trung bình 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cả 4 năm THCS, riêng lớp 9 lấy điểm học kỳ I.
Đặc biệt, trường này công bố sẽ cộng điểm cho học sinh đạt các giải thưởng văn hoá, khoa học kỹ thuật, trong danh mục các cuộc thi do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT các tỉnh/ TP tổ chức. Ngoài ra, học sinh đạt giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ, thể thao cũng được cộng từ 1-5 điểm. Học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ như: IELTS, TOEFL ITP, iBT… cũng sẽ được cộng điểm tương ứng từ 2-10 điểm.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cũng sẽ tuyển sinh lớp 10 bằng 2 phương thức xét tuyển và thi tuyển. Trong đó, những học sinh đang học lớp 9 sẽ được tuyển thẳng lên lớp 10 và căn cứ điểm thi tuyển của kỳ thi chung do Hà Nội tổ chức để xác định điểm chuẩn.
Hay như Trường THPT Đoàn Thị Điểm ngoài tuyển sinh theo kết quả kỳ thi chung của Sở GD&ĐT cũng dành chỉ tiêu để tuyển thẳng và xét tuyển bằng học bạ. Trong đó, học sinh được tuyển thẳng phải là học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, TP, quốc gia, có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên. Học sinh xét tuyển học bạ tính điểm cộng kết quả học tập, hạnh kiểm theo từng năm.
Trong phương thức tuyển sinh, Hà Nội yêu cầu các trường ngoài công lập, trường chất lượng cao đều phải công bố mức học phí để phụ huynh tham khảo, lựa chọn.
5 Trường THPT chuyên, chất lượng cao thuộc top đầu Hà Nội vừa công bố chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023.
Nguồn: [Link nguồn]