Năm 2019: Các trường đại học “tốp trên” tuyển sinh như thế nào?
Kỳ tuyển sinh năm 2019, nhiều trường đại học “tốp trên” ngoài mở thêm các ngành đào tạo, các trường còn mở rộng thêm các đối tượng tuyển sinh.
Trường ĐH Ngoại thương vừa công bố phương thức tuyển sinh năm 2019, trường dự kiến tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2019 với tổng chỉ tiêu là 3.850 thí sinh, giữ ổn định so với năm 2018. Trong đó, tại cơ sở Hà Nội là 2.750, tại cơ sở TP.HCM là 950 và tại cơ sở Quảng Ninh là 150.
Trường tuyển sinh theo 4 phương thức, gồm: xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập 3 năm THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019; xét tuyển thẳng.
Với phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, về cơ bản không thay đổi so với phương thức xét tuyển của năm 2018. Năm 2019, dự kiến trường sẽ bổ sung tổ hợp xét tuyển D01 cho ngành ngôn ngữ Pháp, chuyên ngành Tiếng Pháp Thương mại.
Nhiều trường đại học đã sớm công bố phương thức tuyển sinh năm 2019. Ảnh minh họa: Q.Anh
Còn tại ĐH Kinh tế Quốc dân, chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy 2019 là 5.650 chỉ tiêu, tăng 150 chỉ tiêu so với năm 2018. Năm nay, trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển sinh. Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, điểm trúng tuyển được tính theo ngành/chương trình, không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển.
Phương thức xét tuyển kết hợp (tuyển thẳng), hồ sơ dự tuyển sẽ được nhận tại trường từ ngày 2/5 đến 15/7, áp dụng cho 2 đối tượng: Đó là, thí sinh đã tham gia vòng thi tuần cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” trên VTV và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của 3 môn bất kỳ (trong đó có môn Toán) đạt từ 18 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên).
Tiếp theo là đối tượng thí sinh có Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày 22/6/2019) đạt IELTS 6.5 trở lên hoặc TOEFT ITP 550 trở lên hoặc TOEFL iBT 90 trở lên và có tổng điểm thi THPT quốc gia năm 2019 của môn Toán và 1 môn bất kỳ (trừ môn Tiếng Anh) đạt từ 14 điểm trở lên (gồm cả điểm ưu tiên).
Năm 2019, ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển sinh thêm 7 chương trình mới học bằng tiếng Anh. Có 9 tổ hợp được nhà trường áp dụng xét tuyển sinh năm 2019 cho 47 ngành/chương trình trong mùa tuyển sinh 2019.
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng vừa chính thức công bố thời gian và phương thức tuyển sinh dự kiến năm học 2019 - 2020. Theo đó, tổng chỉ tiêu vào các trường, khoa thành viên năm tới là 9.000. ĐH Quốc gia Hà Nội xét tuyển các đối tượng gồm: Thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge (Anh) có kết quả 3 môn phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo tương ứng.
ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ xét tuyển hai đợt: Đợt 1 dự kiến từ ngày 10 – 31/7 với các thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và từ ngày 10/7 - 31/8 đối với thí sinh sử dụng phương thức khác. Còn đợt 2, xét tuyển dự kiến từ ngày 13/8.
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã công bố phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2019, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh của các đơn vị thành viên là hơn 16.000 thí sinh. Thực hiện tuyển sinh bằng các phương thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM dành cho các đối tượng là học sinh các trường chuyên, năng khiếu, thuộc các trường đại học tỉnh, thành trên toàn quốc. Học sinh nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất trong các năm từ 2015 đến 2018.
Xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Xét tuyển trên kết quả các kỳ thi quốc tế. Thí sinh có chứng chỉ quốc tế như SAT, ACT, BI, A-level... đạt danh hiệu học sinh giỏi trong các năm ở THPT và có hạnh kiểm tốt.
Theo phương án tuyển sinh trường ĐHQG Hà Nội năm 2019 sẽ áp dụng hình thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy...