Năm 2018, nới rộng xét tuyển đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định từ kỳ tuyển sinh năm 2018 sẽ không còn điểm sàn. Vì vậy, nhiều trường ĐH vừa công bố đề án tuyển sinh theo hướng mở rộng điều kiện xét tuyển.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, xác nhận năm 2018, ĐHQG TP HCM sẽ tổ chức kỳ kiểm tra năng lực để tuyển sinh cùng với các hình thức tuyển sinh khác như năm 2017.
Kiểm tra năng lực cơ bản
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng - ĐHQG TP HCM, cho biết kỳ thi kiểm tra năng lực mà ĐHQG TP HCM sẽ tổ chức trong năm 2018 là kết quả của "Đề án xây dựng và tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh ĐH-CĐ tại ĐHQG TP HCM", được xây dựng từ năm 2016.
Khác với cách tiếp cận của kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh, như năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực tư duy logic, năng lực phân tích, tổng hợp giải quyết vấn đề. Các năng lực này được đánh giá thông qua một bài thi tổng hợp gồm 100 câu trắc nghiệm, với thời gian làm bài 150 phút. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản để đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề của thí sinh chứ không đánh giá khả năng học thuộc.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2017 để xét tuyển vào ĐH. Ảnh: Hoàng Triều
Trường ĐH Quốc tế (thành viên ĐHQG TP HCM) dành 35% chỉ tiêu để xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực cùng với các hình thức xét tuyển khác như xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; xét tuyển thẳng học sinh giỏi của các trường THPT chuyên, năng khiếu. Bên cạnh đó, trường dùng thêm kết quả kỳ kiểm tra năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức để xét tuyển. Các trường còn lại của ĐHQG TP HCM sẽ dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức. Tất nhiên, không phải tất cả các ngành của các trường thành viên đều sử dụng kết quả này để xét tuyển.
GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, cho hay năm nay trường vẫn duy trì kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển cùng với kết quả thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, trường đang trong quá trình rà soát lại mối liên hệ giữa điểm học bạ THPT và kết quả kiểm tra năng lực của các thí sinh 2 năm trước nhằm đánh giá tác động của phương án tuyển sinh riêng để xác định tỉ trọng phù hợp.
Mở rộng điều kiện xét tuyển
Nếu như năm 2017, Trường ĐH Tài chính Marketing tuyển thẳng học sinh giỏi trường, chuyên, năng khiếu thì năm 2018, trường mở rộng đối tượng tuyển thẳng dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT đối với học sinh các trường THPT trên toàn quốc có đủ 3 năm học THPT đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing, cho biết kỳ tuyển sinh 2018 trường dành chừng 25% chỉ tiêu để tuyển thẳng. Kỳ thi THPT quốc gia hằng năm vẫn chọn những thí sinh có điểm thi cao nhất để xét tuyển thì trường chọn phương án chọn học sinh giỏi 3 năm để tuyển thẳng vẫn hợp lý. Trường vẫn tin tưởng vào việc đánh giá học lực học sinh của các trường THPT.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, thông tin rằng khác với những năm trước là dùng mức điểm chung cho hầu hết các ngành, sau chương trình đại cương mới phân theo ngành, chuyên ngành tùy theo điều kiện thì năm nay trường sẽ áp dụng mức điểm trúng tuyển riêng cho từng ngành, chuyên ngành để sinh viên theo suốt ngay từ đầu khóa học.
Ngoài ra, các trường cũng mở rất nhiều ngành mới tuyển sinh trong năm 2018. TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, nói rằng năm 2018 trường có thêm chuyên ngành sư phạm tiếng Anh tiểu học (bậc ĐH). Ông Sơn cho hay trường vẫn tiếp tục tuyển sinh theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018. Còn trong năm 2018 Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm có ngành mới là khoa học chế biến món ăn. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) cũng đổi tên ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thành ngành du lịch.
TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, thông tin năm 2018, trường sẽ có thêm 6 ngành gồm thiết kế đồ họa, kiến trúc, quản lý xây dựng, năng lượng tái tạo, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, sư phạm công nghệ.
Trường ĐH Kiến trúc TP HCM đã được Bộ GD-ĐT cấp phép tuyển sinh thêm 2 ngành mới trong năm 2018 gồm: mỹ thuật đô thị và quản lý xây dựng. Trường ĐH Quốc tế dự kiến mở thêm 3 ngành: khoa học dữ liệu, kỹ thuật hóa học và kỹ thuật cơ khí.
Tăng thêm 105 ngành mới Theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ ĐH gồm 23 lĩnh vực được Bộ GD-ĐT ban hành chính thức có hiệu lực từ năm 2018, danh mục ngành đào tạo ĐH sẽ có sự xuất hiện của 105 ngành mới so với danh mục năm 2010. Cụ thể, theo danh mục vừa ban hành sẽ có 366 ngành đào tạo, các ngành mới mở tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: An ninh quốc phòng, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, khoa học xã hội và hành vi. Năm 2018, những ngành mới, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chính thức có tên trong danh mục này. Ở khối ngành du lịch, nhiều ngành học lần đầu có mã ngành riêng như du lịch, an toàn thông tin, tổ chức và quản lý y tế, du lịch, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, quản lý đô thị và công trình… Ngành đào tạo giáo viên lần đầu tiên có rất nhiều ngành mới, như có một loạt các ngành đào tạo sư phạm các tiếng dân tộc như tiếng Khmer, Jrai, X’đăng..., bên cạnh các ngành sư phạm ngoại ngữ truyền thống khác. Đặc biệt, từ năm 2018, các trường sư phạm còn có thêm ngành sư phạm khoa học tự nhiên. Khối ngành ngôn ngữ cũng có nhiều ngành mới xuất hiện như ngôn ngữ Chăm, ngôn ngữ Khmer, ngôn ngữ Ả Rập… L.ANH |
Một số trường vừa công bố phương án tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2018. Theo đó, các trường dự kiến bổ sung phương thức xét...