Muốn sau này con cái ngoan ngoãn, hiểu chuyện, cha mẹ cần tuân thủ 3 nguyên tắc bắt buộc
Khi con cái còn nhỏ, việc sớm đưa ra các nguyên tắc sẽ rèn con vào lề thói đúng đắn, cha mẹ sẽ nhàn hơn khi dạy dỗ con sau này.
Có một người mẹ than phiền rằng, đứa con trai 6 tuổi của mình thường bị giáo viên phê bình vì thích đánh bạn và cướp đồ chơi trong lớp. Cô bất lực nói: “Thằng bé chẳng chịu nghe lời mẹ nói. Những quy tắc tôi đặt ra nó chẳng nghe theo. Tôi hy vọng khi nó lớn lên sẽ biết suy nghĩ hơn”.
Nhiều bậc cha mẹ cũng có suy nghĩ như vậy, khi thấy con cái mình không nghe lời, họ cho rằng vì chúng còn bé và hy vọng khi lớn lên sẽ hiểu chuyện và ngoan ngoãn hơn. Tuy nhiên, giáo dục con người cũng giống như việc trồng cây, cây non khi còn nhỏ mới dễ uốn cong, một khi đã cứng cáp thì rất khó để uốn theo ý mình được.
Trên thực tế cho thấy, trẻ dưới 6 tuổi rất dễ tuân thủ các quy tắc. Việc giúp trẻ hình thành ý thức về các quy tắc, tuân thủ các quy định, có hành vi chuẩn mực rất quan trọng đối với sự hình thành và phát triển tính cách sau này của trẻ.
Cha mẹ thường than phiền rằng, họ đặt ra các nguyên tắc nhưng nó không hiệu quả đối với con cái. Vấn đề mấu chốt ở đây chính là tính nhất quán, đó là tiền đề của việc thiết lập các nguyên tắc.
Muốn con nghe lời, cha mẹ cần tuân thủ một số nguyên tắc. (Ảnh minh họa)
Sau đây là 3 nguyên tắc bắt buộc cha mẹ cần tuân thủ nếu muốn nuôi dạy con cái trở nên ngoan ngoãn, biết nghe lời:
1. Nhất quán từ hành động cho tới lời nói
Một số cha mẹ rất cưng chiều con cái, để mặc bọn trẻ muốn làm gì thì làm. Khi đi ra ngoài, họ lại yêu cầu con cái phải ngoan ngoãn, lễ phép, vâng lời người lớn. Cách dạy dỗ con cái của họ có một sự tương phản lớn giữa ở nhà và bên ngoài.
Chỉ bằng cách nhất quán từ trong ra ngoài, trẻ mới có thể chấp nhận và tuân theo các quy tắc.
Ví dụ, một đứa trẻ thường xuyên đánh người nhà nhưng mọi người ít khi ngăn cản, thỉnh thoảng nếu thấy quá đáng mới la mắng con một chút. Vì không được cha mẹ nhắc nhở nên trẻ nghĩ rằng, mình có thể đánh và giành giật đồ chơi từ người khác.
2. Cả gia đình cùng thống nhất cách dạy dỗ con
Khi đưa ra các quy tắc, điều đáng sợ nhất là có sự mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình. Chẳng hạn như, bạn đặt ra quy tắc “mỗi ngày con chỉ được xem video 15 phút sau khi viết bài xong”, nhưng ông bà lại thoải mái đưa điện thoại cho trẻ xem tới tận 1 tiếng.
Nếu không có sự thống nhất các quy tắc trong gia đình, trẻ khó lòng tuân theo những gì cha mẹ đặt ra.
Một khi các quy tắc đã được thiết lập, điều đó cần được tất cả các thành viên trong gia đình tuân theo. Bạn không thể yêu cầu con mình đừng chửi thề, cư xử văn minh, trong khi cha mẹ hoặc ông bà lại hay chửi thề. Bạn yêu cầu con mình không nói dối nhưng lại thản nhiên lừa dối con hết lần này tới lần khác.
3. Thái độ nghiêm khắc khi tuân thủ các quy tắc
Đằng sau những đứa trẻ ngỗ nghịch là những bậc cha mẹ sống vô kỷ luật. Một khi đặt ra các quy tắc, thái độ của cha mẹ cần trước sau như một, không nên thay đổi chỉ trong một sớm một chiều.
Dù trẻ có nói gì hay khóc nhiều tới đâu, cha mẹ cũng phải cương quyết tỏ thái độ “chúng ta đã thống nhất quy tắc đó rồi, con cần phải tuân theo”. Hãy để trẻ hiểu rằng, những đòi hỏi vô lý của mình sẽ không được thỏa mãn, dần dần chúng sẽ nhận ra cái nào được phép và không được phép.
Khi đặt ra các nguyên tắc, cha mẹ chỉ cần duy trì tính nhất quán, trẻ mới không cảm thấy bối rối, hiểu được ranh giới và các tình huống áp dụng của quy tắc.
Đây là một đức tính tốt và cũng là thói quen cực kỳ quan trọng đối với một đứa trẻ.
Nguồn: [Link nguồn]