Muốn học ngành máy tính ĐH Bách khoa Hà Nội, phải đạt 10 điểm mỗi môn
Nếu ra khỏi phòng thi, các em chắc chắn mỗi môn đều đạt 10 điểm thì hãy suy nghĩ đến việc đăng ký ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong tư vấn, dự báo mức điểm chuẩn trong năm 2021.
PGS. Nguyễn Phong Điền thông tin, nhà trường đang tập trung 3 lĩnh vực chính của ngành CNTT gồm các chuyên ngành: Khoa học máy tính; Kỹ thuật máy tính; Công nghệ thông tin truyền thống. Chuyên ngành thứ ba mang tính ứng dụng hơn hai chuyên ngành còn lại.
Cuộc cách mạng 4.0 đang len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Công nghệ thông tin được coi là giải pháp căn bản, là chìa khóa để chuyển đổi số trong thời gian tới. Chính vì vậy, sức nóng của ngành vẫn giảm. Dự báo trong vòng 5 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 1 triệu nhân lực cho ngành CNTT.
"Nếu ra khỏi phòng thi, các em chắc chắn mỗi môn đều đạt 10 điểm thì hãy suy nghĩ đến việc đăng ký ngành Khoa học máy tính. Còn nếu mỗi môn chỉ đạt từ 8 điểm thì chỉ có thể đỗ vào những ngành khác của ĐH Bách khoa Hà Nội. Do đó, thí sinh phải cân bằng giữa mong muốn của mình với năng lực thực sự để có sự lựa chọn phù hợp", PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhắn nhủ.
Đối với những thí sinh có ý định lựa chọn ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS. Nguyễn Phong Điền thẳng thắn chỉ ra hai vấn đề mà các em cần phải “đối mặt”. Đó là cả đầu vào, đầu ra đều khó. PGS.TS Điều cho hay mỗi năm trường có khoảng 700 - 800 sinh viên rời khỏi hệ thống do không đáp ứng được yêu cầu.
Trong đó, có 70 - 80% các em sa đà vào game online, không có mục tiêu, định hướng rõ ràng cho việc học. Trong quá trình học tập, có sự phân hóa, đào thải quyết liệt.
"Học ĐH là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của sinh viên. Hiện nay các trường không chỉ quan tâm đến kiến thức, mà còn rất chú trọng đến thái độ học tập, các kỹ năng... Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này, các em có thể bị buộc thôi học', PGS. Điền nhắn nhủ.
Điểm chuẩn dự kiến của chuyên ngành Khoa học máy tính của trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay ở mức cao ngất như trên là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Năm 2020, điểm chuẩn ngành này cao nhất trường và cũng cao nhất trong tất cả các trường ĐH là 29,04 điểm. Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay tương đương năm 2020. Trong khi đó, năm nay, chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT của trường ĐH Bách khoa Hà Nội giảm xuống. Trường lại có thêm một phương thức xét tuyển độc lập để thí sinh lựa chọn là bài thi đánh giá tư duy. Từ những lý do này, điểm chuẩn năm nay chắc chắn sẽ đội lên so với năm trước.
Theo thông báo của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Kỳ thi được tổ chức sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại các địa điểm: Trường ĐHBK (Hà Nội), Trường ĐH Vinh (Nghệ An ) và Trường ĐH Hàng Hải (Hải Phòng).
Ngày thi được dự kiến là 15/7. Nhà trường tổ chức sơ tuyển thí sinh đăng ký tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy. Cụ thể, xét theo điểm trung bình 6 học kỳ THPT của tổng các môn theo tổ hợp lựa chọn: Toán – Lý – Hóa; Toán – Hóa – Sinh; Toán – Anh (tương ứng với tự chọn 1, 2, 3), quy về thang điểm 30. Nguyên tắc: Xét từ cao xuống thấp cho đến khi đạt số lượng sơ tuyển.
Những thí sinh vượt qua sơ tuyển sẽ dự kỳ thi đánh giá tư duy dự kiến diễn ra vào ngày 15/7. Các em sẽ làm bài trong 180 phút, với hai phần bắt buộc và tự chọn.
Nội dung bài thi tổ hợp (phần bắt buộc) gồm 2 phần: Toán (thi theo hình thức trắc nghiệm và tự luận) và đọc hiểu (thi theo hình thức trắc nghiệm), với nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, đánh giá kỹ năng đọc nhanh và hiểu đúng, năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản.
Phần tự chọn, thí sinh thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thí sinh chọn 1 trong 3 phần:
Tự chọn 1: Lý – Hóa đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành lấy tổ hợp BK1;
Tự chọn 2: Hóa – Sinh đối với thí sinh đăng ký xét tuyển nhóm ngành lấy tổ hợp BK2;
Tự chọn 3: Tiếng Anh đối với thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành lấy tổ hợp BK3.
Nội dung Bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo.
Năm 2021 là năm thứ 2 trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy để tuyển sinh đại học. Với tổng chỉ tiêu dự kiến hơn 7.400, nhà trường sẽ dành 30-40% chỉ tiêu để tuyển sinh theo kết quả kỳ thi này.
Trường ĐH Xây dựng, trường ĐH Mỏ địa chất đã thông báo sẽ sử dụng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh.
Nguồn: [Link nguồn]
Trường Đại học Y Hà Nội thông tin dự kiến những điểm mới về chỉ tiêu, phương thức, đào tạo, học phí của nhà trường...