Muốn đổi môn tự chọn, phải vất vả học thêm

Sự kiện: Giáo dục

Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh lớp 10 đổi môn học tự chọn phải chờ đến hết năm học và phải có bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới. Các giáo viên, nhà quản lí giáo dục cho rằng, quy định này khiến học sinh phải vất vả học thêm.

Năm nay là năm đầu tiên học sinh lớp 10 áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới. Khác với trước đó, chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Ngoài ra, mỗi học sinh sẽ chọn 4 trong 9 môn học: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ công, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Học sinh lớp 10 năm nay muốn đổi môn học phải đợi kết thúc năm học

Học sinh lớp 10 năm nay muốn đổi môn học phải đợi kết thúc năm học

Sau một học kì, các trường THPT ở các địa phương cho biết, nhiều học sinh đã có ý kiến về việc đổi môn học lựa chọn vì lí do đã chọn sai hoặc năng lực không đáp ứng… Nhưng, quản lí các trường học rất lúng túng vì trước đó trong hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục trung học năm 2022-2023 của Bộ GD&ĐT chỉ vỏn vẹn câu: “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD&ĐT”.

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Đống Đa (Hà Nội) nói rằng, người đứng đầu nhà trường đã nghiên cứu rất kỹ hướng dẫn nhưng không biết sẽ phải quyết định thế nào vì liên quan đến ô điểm cuối kì, cuối năm các môn cũng như học sinh bị hổng kiến thức môn học thì bù đắp thế nào?

Sẽ phải học thêm

Trước nhiều ý kiến của các trường THPT, Sở GD&ĐT, hôm qua (10/1), Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn tạm thời việc chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp trung học phổ thông, trong đó yêu cầu học sinh giữ ổn định các môn đã chọn cho đến hết lớp 12. “Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi được thực hiện vào cuối năm học để bảo đảm thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, quy định về kiểm tra, đánh giá và thời gian để học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng” Bộ GD&ĐT nêu.

Cho phép học sinh chuyển môn học nhưng Bộ GD&ĐT yêu cầu học sinh phải viết bản cam kết tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới, cụm chuyên đề học tập mới ở lớp học trước đó để đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo. Nhà trường có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, đồng thời tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự học của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học để bảo đảm cho học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học ở lớp học tiếp theo.

Đây có thể coi là yêu cầu làm khó học sinh bởi các em chọn sai môn học của năm nay sẽ phải tự học kiến thức môn học sẽ đổi đáp ứng được yêu cầu cần đạt trong đợt kiểm tra, đánh giá của nhà trường.

“Thời điểm này, thầy cô, học sinh rất nóng lòng, mong mỏi quy chế, phương thức thi tốt nghiệp THPT 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới để có định hướng, kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp. Bộ GD&ĐT chậm ban hành quy chế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí học sinh”

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội)

Ông Nguyễn Văn Thuần, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), cho biết, trước mắt nhà trường sẽ tuyên truyền để học sinh học theo các khối đã chọn. Tuy nhiên, đến hết năm học, học sinh nào có nguyện vọng đổi, nhà trường sẽ tạo điều kiện để các em được đổi nhằm phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp của học sinh và gia đình. Về việc bổ trợ kiến thức môn học mới, ông Thuần cho biết: “Trong hè, nhà trường sẽ sắp xếp kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức môn học mới cho học sinh nhưng việc này cũng khó khăn vì phụ thuộc vào sự đồng thuận của giáo viên. Chưa kể, khi học ngoài chương trình, học sinh sẽ phải nộp thêm kinh phí”.

Theo ông Thuần, những năm trước, trong quá trình học sẽ có khoảng 15% học sinh đổi khối vì nhận ra năng lực không phù hợp. Tuy nhiên, với chương trình hiện hành học sinh học tất cả các môn, có đầu điểm kiểm tra, đánh giá nên không phải bổ sung kiến thức. Hiện nay, học sinh, phụ huynh và cả giáo viên đang rất mông lung vì học trong trạng thái chờ phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 nhằm có định hướng ôn tập.

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội), ông Lê Xuân Trung, nói rằng, học sinh muốn đổi môn tự chọn sẽ phải vất vả nhiều hơn khi phải học thêm kiến thức môn trước đây không chọn. Điều may mắn là mỗi em sẽ chỉ đổi tối đa 1-2 môn tự chọn, do đó không ảnh hưởng quá nhiều kiến thức thi tốt nghiệp về sau. Tuy nhiên, chắc chắn học sinh sẽ phải đi học thêm để bù đắp kiến thức.

Bộ GD&ĐT: Học sinh được đổi môn tự chọn vào cuối năm học

Văn bản hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập cấp THPT do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vừa ký khẳng định, trong trường hợp cần thiết,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN