Muốn con học giỏi, cha mẹ nên rèn cho bé 5 thói quen này
Để con cái đạt được những thành tích hơn người sau này, chắc chắn không thể tách rời những thói quen tốt được rèn luyện từ sớm.
Ye Shengtao là một nhà giáo dục nổi tiếng ở Trung Quốc từng nói rằng: “Cách giáo dục hiệu quả nhất là để trẻ hình thành những thói quen tốt”.
Học sinh trong cùng một lớp, được dạy bởi cùng một giáo viên, môi trường học tập giống nhau, tại sao giữa các em lại có người học giỏi, người học kém? Điều này trên thực tế liên quan đến những thói quen trong học tập của mỗi học sinh.
Vì thế, nếu cha mẹ muốn con mình trở nên giỏi giang, ngay từ lúc tiểu học nên rèn luyện cho trẻ 5 thói quen sau. Nó không chỉ giúp trẻ tự giác trong học tập mà còn giúp cha mẹ không phải lo lắng nhiều cho con mình sau này.
1. Xây dựng thói quen tự kỷ luật
Để một đứa trẻ có tính tự giác, điều này không chỉ đòi hỏi cha mẹ phải nghiêm khắc, đặt ra những quy tắc bắt buộc mà còn cần phải làm gương cho con cái noi theo.
Ví dụ, sau khi trẻ đi học tiểu học, cha mẹ có thể từ từ rèn luyện cho con những thói quen như tự sắp xếp sách vở, thu dọn bàn học, dọn dẹp bát đĩa sau khi ăn xong.
Ngay cả khi trẻ chưa bao giờ làm, cha mẹ cũng đừng nghĩ rằng con cái còn nhỏ mà làm thay. Ban đầu, có lẽ trẻ sẽ miễn cưỡng làm nhưng lâu dần sẽ hình thành thói quen.
2. Sống văn minh, biết lịch sự
Văn minh, lịch sự là phẩm chất cơ bản của con người, nếu không làm được điều này chắc chắn sẽ bị người khác coi thường.
Có một người mẹ dắt theo con nhỏ đi dự tiệc. Khi ăn, trẻ liên tục gắp những món mình thích, người mẹ bên cạnh không những không ngăn cản mà còn giúp con mình gắp thật nhiều đồ ăn. Những người cùng bàn cau mày nhưng người mẹ không quan tâm mà chỉ cười nói: “Người lớn chấp làm gì trẻ nhỏ, nó thích ăn thì cứ để nó ăn”.
Trong cuộc sống, không khó để nhận thấy có nhiều cha mẹ chiều chuộng con cái như vậy, điều này khiến đứa trẻ trở nên vô phép vô tắc sau này.
Vì lợi ích của con mình, ngay từ nhỏ trẻ cần được dạy dỗ các phép tắc xã giao cơ bản. Trước tiên, cha mẹ nên dạy con cách chào hỏi người lớn, sau đó là văn hóa trên bàn ăn.
3. Phát triển thói quen đọc sách
Mặc dù việc đi học có thể không phải là việc cả đời, nhưng việc đọc sách có thể đi cùng chúng ta suốt đời. Có câu nói, không có giới hạn cho việc học, nếu ngừng phát triển bản thân, chúng ta dễ dàng bị xã hội đào thải rất nhanh.
Rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ không chỉ giúp chúng tích lũy được nhiều kiến thức theo thời gian, mà còn giúp trẻ không lãng phí tuổi trẻ của mình.
Để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, cha mẹ không nên ép con đọc sách một cách mù quáng mà nên làm gương trước tiên. Ban đầu, cha mẹ có thể kể chuyện cho con cái nghe trước khi ngủ, dần dần điều này sẽ kích thích trẻ có thói quen đọc sách.
4. Phát triển sở thích
Khi trẻ có một sở thích liên quan tới âm nhạc, hội họa, thể thao… nó sẽ là một thú vui đồng hành cùng trẻ trong suốt cuộc đời. Những sở thích này không chỉ khiến trẻ có thêm niềm vui trong cuộc sống mà còn giúp nâng cao thể lực, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh.
Khi trẻ có sở thích và thú vui riêng, cha mẹ nên ủng hộ con mình, tạo điều kiện cho con theo đuổi lâu dài.
5. Rèn thói quen tập trung
Một đứa trẻ dù thông minh đến đâu nhưng nếu trong lớp luôn lơ là, không tập trung vào việc học sẽ khó đạt được điểm cao. Hầu hết những người thành công trong sự nghiệp sau này đều là người có khả năng tập trung cao. Nếu muốn cải thiện khả năng tập trung cho con cái, thời điểm trẻ học tiểu học sẽ là lý tưởng nhất.
Điều đầu tiên cha mẹ nên làm là không nên làm phiền con cái khi chúng đang tập trung vào một thứ gì đó. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể thường xuyên cùng con làm những việc hỗ trợ sự tập trung như chơi xếp hình, đọc sách…
Nguồn: [Link nguồn]
Người cha có vai trò rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của con cái và của cả gia đình.