'Mùng 3 tết Thầy'

Dân gian có câu: “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy” nhằm nhắc nhớ con cháu, học trò đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của người Việt Nam.

Theo quan niệm dân gian, "mùng một tết Cha", con cháu tập trung, tựu tề về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi chúc Tết, mừng thọ ông bà nhà nội. "Mùng hai tết mẹ" có nghĩa con cháu tập trung, tựu tề về từ đường bên họ ngoại cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi chúc Tết, mừng thọ ông bà nhà ngoại.

'Mùng 3 tết Thầy' - 1

Con cháu chúc mừng ông bà ngày Tết. Ảnh minh họa.

Riêng "mùng ba tết thầy" là nhắc nhớ truyền thống tôn sư trọng đạo với ý nghĩa "Bán tự vi sư, nhất tự vi sư" (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Tôn vinh người Thầy đã truyền chữ, dạy nghề...cho học trò để thành danh, thành tài, ra sức giúp dân cứu đời...

'Mùng 3 tết Thầy' - 2

Cả gia đình đi Tết Thầy. Ảnh minh họa

Sau khi chúc Tết Cha, Mẹ, người học trò ghi nhớ công ơn người Thầy đã giáo dục, rèn luyện, cho người học trò con chữ, kiến thức để "cứu nhân độ thế"... Cho nên vào mùng ba người học trò "trả nghĩa" ơn thầy phải đến chúc tết, mừng thọ thầy. Và người Thầy trong quan niệm Nho giáo rất quan trọng: "Quân- Sư - Phụ", có nghĩa trước là Vua, thứ đến là Thầy sau mới là Cha. Người Thầy xếp trên cả vai trò của người Cha.

'Mùng 3 tết Thầy' - 3

Người Việt Nam ngoài ngày 20-11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh sự nghiệp "trồng người" của nhựng thầy, cô đã dạy dỗ, truyền nghề còn có phong tục rất hay là "mùng ba tết thầy". Ảnh minh họa.

Từ xưa đến nay, đạo lý ấy được truyền đời và vị trí người Thầy luôn đặt lên cao: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy".

Tiến sĩ Phạm Văn Đấu - nguyên giảng viên Khoa Khoa học xã hội (ĐH Hồng Đức) cho biết: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” là câu nói bao hàm rất nhiều ý nghĩa, phản ánh đời sống tâm lý của người Việt xưa, nhưng cần được hiểu ở nhiều góc độ khác nhau. Phàm là người, trước hết phải biết ơn những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng mình. Trong tâm thức của người Việt, cha - mẹ thì mỗi người chỉ có một, nhưng người thầy thì có nhiều. Do đó chữ “thầy” ở đây cần phải được hiểu theo nghĩa rộng. 

Ngoài người thầy dạy chữ, truyền đạt tri thức, thì còn có người thầy truyền nghề, truyền cho chúng ta đạo đức, lối sống, cách ứng xử, cũng là những người mà chúng ta phải biết ơn, trân trọng”.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ trên ANTV: "Câu tục ngữ nhắc đến 3 nhân vật quan trọng nhất đối với mỗi con người đó là cha, mẹ, thầy cô giáo. Mỗi người đều phải đến chúc tết thăm hỏi những người trên đặc biệt cha, mẹ và thầy. Câu thành ngữ ấy cũng nói đến phong tục rất là đẹp của dân tộc ta, đó là sự kính trọng, quan tâm, chăm sóc đối với những người trên trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam".

'Mùng 3 tết Thầy' - 4

Nhà nghiên cứu phong tục Toan Ánh trong cuốn Các thú tiêu khiển Việt Nam đã viết: Sáng ngày mồng một Tết, sau khi lễ gia tiên, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ.

Lúc này, ông bà, cha mẹ ăn mặc chỉnh tề ngồi ở giữa nhà, thường các nhà sang trọng có kê sập chân quỳ thì các cụ an tọa ở nơi sập. Con cháu ăn mặc quần áo đẹp, chúc Tết ông bà rồi chúc Tết cha mẹ mạnh khỏe, bình an, nếu buôn bán thì đắc tài sai lộc.

'Mùng 3 tết Thầy' - 5

Ông bà cha mẹ sung sướng hân hoan đón nhận lời chúc Tết của con cháu, cầu chúc cho con cháu mạnh khỏe, học hành tấn tới được lên lớp hoạc thi đỗ.

Cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục, còn dạy dỗ cho nên người hữu dụng chính là thầy học của mình, do đó ngày mùng 3 thì học trò đồng môn rủ nhau đến viếng thầy (dạy chữ hoặc dạy nghề). Họ mang theo lễ vật để tỏ chút lòng. Thầy trò làm thơ, nói chuyện văn chương hoặc trao đổi chuyện làm ăn, nghề nghiệp rất vui vẻ, bổ ích.

Do mọi việc xã giao, chúc tụng đều tập trung cho kịp trong ba ngày Tết, nếu để “ra ngoài ngày” (tức từ mùng 4 trở đi) sẽ giảm mất ý nghĩa, nhất là về mặt tình cảm, tôn kính quý trọng, cho nên người ta cũng sắp xếp có người trực ở nhà vừa không để trống vắng lạnh lẽo, vừa cũng để tiếp khách. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NT (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN