Mua thiết bị cho trường học quá đắt

Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ mua khoảng 80 bộ âm thanh di động (gồm ampli, loa, micro để trong một hộp) cho các trường tiểu học phục vụ sinh hoạt tập thể, với giá 49 triệu đồng một bộ. Giá này đắt hơn ở thị trường nhiều lần.

Mua thiết bị cho trường học quá đắt - 1

Ông Phi đưa đĩa vào bộ âm thanh di động. Ảnh: Hà Vy.

Chất lượng hạn chế

Tổng phụ trách đội của trường tiểu học thị trấn Cờ Đỏ 2 (Cờ Đỏ, Cần Thơ) Nguyễn Văn Phi loay hoay đưa đĩa vào ampli và mở nhưng ampli báo lỗi không phát ra tiếng. Ông lấy đĩa khác đưa vào cũng không được. Còn mở micro thì âm thanh phát ra tốt. “Cái này hư không dám nhờ thợ sửa, mà phải báo Sở GD&ĐT để cho người xuống kiểm tra”, ông Phi nói. Bộ âm thanh ghi mã số MA – 705 hiệu MIPRO của Đài Loan.

Ông Phi kể: “Lúc mới nhận về thì hoạt động tốt. Tuy nhiên, từ hôm 2/11, chào cờ đầu tuần, đưa vào đĩa hát quốc ca được nửa bài thì máy dừng lại, không hát nữa”. Ông cho biết, bộ âm thanh được Sở GD&ĐT cấp đầu năm 2014, mới sử dụng trên 30 lần, chủ yếu là sinh hoạt ngoại khóa, phục vụ công tác đoàn, đội và dã ngoại. Nếu sạc đầy pin, có thể sử dụng cả ngày. “Trước đây, chưa có bộ âm thanh di động, hoạt động nhóm hay ngoài trời nói chuyện to học sinh mới nghe được. Còn có bộ âm thanh di động thì nói nhẹ nhàng nghe vẫn rõ và dễ tập hợp học sinh”, ông Phi nói.

Ở quận Ninh Kiều, Hiệu trưởng trường tiểu học Ngô Quyền, cô Đinh Thị Thảo, cho biết trường nhận bộ âm thanh trong năm học 2014 - 2015, đến nay sử dụng hơn chục lần, cho hoạt động nhóm, ngoại khóa. Trường còn hỗ trợ cho Đoàn phường mượn để sinh hoạt ngoài trời.

Đánh giá về chất lượng, ông Đàm Thanh Vũ là cán bộ phụ trách cơ sở vật chất và thiết bị của Phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ nói “có hạn chế”. Đó là, nếu đặt 2 bộ âm thanh ở 2 phòng cạnh nhau và mở cùng lúc thì chúng hút tần số của nhau, phòng bên này nói phòng kia cũng nghe. Ở quận Ninh Kiều, bà Phó trưởng Phòng GD&ĐT Quách Thị Thu Hương cũng cho rằng âm thanh không chuẩn, phạm vi lan tỏa ít nên chủ yếu phục vụ hoạt động nhóm.

Đắt đỏ

Phó phòng Hương cho biết, quận được Sở GD&ĐT cấp 12 bộ, gồm 5 bộ cấp năm 2013 và 7 bộ cấp năm 2015. Còn ở huyện Cờ Đỏ, theo ông Vũ, trong 3 năm trở lại đây được cấp 14 bộ cho các trường tiểu học.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Minh Lợi nói với phóng viên Tiền Phong: “Việc này đã triển khai nhiều năm nay theo yêu cầu của một số trường tiểu học. Hiện nay, Sở chưa cấp đồng loạt trong toàn ngành”. Về số lượng, qua khảo sát ở huyện Cờ Đỏ đã cấp cho gần 61% số trường tiểu học, còn ở Ninh Kiều đã được cấp gần 55% số trường tiểu học. Theo một cán bộ của Sở GD&ĐT, tổng số đã cấp khoảng 80 bộ.

Một bộ âm thanh được sở cấp xuống có giá 49.000.000 đồng, trong lúc, ở thị trường, bộ âm thanh di động có mã số và nhãn hiệu tương tự được chào giá là 10.900.000 đồng, đã bao gồm VAT 10%.

Việc đấu thầu cụ thể như thế nào, Phó giám đốc Lợi không cho biết cụ thể mà bảo “nên tìm hiểu ở các trường tiểu học”. Ở các trường tiểu học cũng như các phòng GD&ĐT, chỉ cho biết được Sở GD&ĐT cấp xuống, một bộ giá 49.000.000 đồng nên thường gọi là “bộ 49”.

Một bộ âm thanh được sở cấp xuống có giá 49.000.000 đồng, trong lúc, ở thị trường, bộ âm thanh di động có mã số và nhãn hiệu tương tự được chào giá là 10.900.000 đồng, đã bao gồm VAT 10%. Còn ở trường tiểu học Thuận An, phường Thuận An (Thốt Nốt) đang sử dụng bộ âm thanh di động do một phụ huynh học sinh tặng, tương tự như của Sở GD&ĐT cấp nhưng với giá rẻ hơn nhiều. Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Mai kể, bộ âm thanh nói trên được tặng đầu năm học 2015 - 2016, hàng Việt Nam, giá chỉ khoảng 3 triệu đồng. “Do trường đang xây dựng nên từ đầu năm đến nay mới sử dụng 2 lần, âm thanh tốt”, Phó hiệu trưởng Mai nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Vy (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN