'Mùa' bội thu khoe giấy khen

Sự kiện: Giáo dục

Thời điểm này, các bậc phụ huynh rầm rập khoe thành tích của con trên mạng xã hội, tạo nên một “mùa” bội thu giấy khen. Nhiều người cho đó là việc “vui cả làng”. Tuy nhiên, một vị giáo sư trường đại học danh tiếng nhắn nhủ: “Mặt trái của niềm tự hào và kỳ vọng của các bậc phụ huynh là gây áp lực lớn cho con mình”.

Loạt giấy khen một cô bé tiểu học nhận được

Loạt giấy khen một cô bé tiểu học nhận được

Không khoe lại lo con bị thiệt

Diễn viên Hoàng Yến chia sẻ: “Ngắm mùa giấy khen trên Facebook tôi như được vui lây. Bố mẹ, nhất là các mẹ đi đâu cũng thích khoe con, nói về con hoài cả ngày không chán. Tôi không dám phán xét việc khoe thành tích của con là hay hay dở, chỉ nghĩ rất đáng yêu”. Hoàng Yến tự nhận mình “nghiện” con: “Con gái của tôi nói, tôi là người mê con nhất trên đời. Nhưng con ngoan, con giỏi không mê thì mê cái gì?”. Chị không chỉ chăm khoe những tấm hình gợi cảm trên mạng xã hội mà còn tích cực khoe con. Mới đây, con gái út 6 tuổi của Hoàng Yến tham gia một vai phụ trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Cuộc đời vẫn đẹp sao”. Chị hãnh diện về điều này nên nhiệt tình giới thiệu về vai diễn của gái út trên mạng xã hội và trên truyền thông: “Vai của bé Mầm (nickname cô út) rất ngắn nhưng tôi đầu tư mấy chục triệu váy vóc áo quần cho con đi quay phim”, chị hào hứng “bật mí”.

Bức ảnh con gái út được Hoàng Yến đăng trên Zalo

Bức ảnh con gái út được Hoàng Yến đăng trên Zalo

Khoe vai diễn trên phim đã đành, Hoàng Yến còn khoe những hình ảnh con gái được hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Hồ (Hà Nội) trao “bằng tốt nghiệp”. Với Hoàng Yến cũng như không ít mẹ, mạng xã hội Zalo, Facebook… cũng giống như cuốn nhật ký ghi lại hành trình nuôi dạy con. Một số bậc phụ huynh vốn không định khoe con nhưng trước sự kích thích của mạng xã hội phủ đầy giấy khen, họ cũng “tung” thành tích của con mình: “Không khoe con mình thì người ta lại nghĩ con mình kém cỏi”, một phụ huynh giấu tên cho biết.

Dù đa phần phụ nữ đều “nghiện” con, nhưng có những người lại không thích chia sẻ bất cứ hình ảnh hay thông tin gì về con trên mạng xã hội. Họ không lung lay quan điểm khi chứng kiến mùa bội thu giấy khen trong thế giới ảo. Một cán bộ của Trường Đại học Văn hoá (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi không thích đăng bất cứ thứ gì liên quan đến con cái”. Chị Minh Huyền, cán bộ Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, thận trọng khi đăng hình ảnh, thông tin về con trên mạng xã hội: “Các con đều được học an toàn mạng. Năm nào cũng học 1-2 buổi, phụ huynh được dự 1 buổi. Trên tường, ngay cổng trường của con, có rất nhiều hình ảnh tuyên truyền về an toàn, an ninh mạng. Hôm nào đi đón con tôi cũng nhìn thấy”. Bà Tô Nga, mẹ của nữ sinh người Tày giành học bổng toàn phần Mỹ, gần 300.000 USD, cũng không có thói quen khoe giấy khen của con trên mạng xã hội: “Chỉ vì tôi không thích. Nhưng tôi cũng không phê phán nếu phụ huynh khác có nhu cầu này. Chỉ có điều, trước khi khoe thành tích của con, các bậc phụ huynh nên hỏi ý kiến của các con, xem các con có muốn hay không?”, bà nói.

Mẹ có thể… chín chắn hơn không?

Đó là câu nói của nữ sinh 16 tuổi ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh với mẹ mình. Người mẹ kể: “Năm ngoái con lọt vào top 10 trong hơn ngàn thí sinh thi vào lớp 10 của thành phố Uông Bí. Con còn đoạt giải nhất cấp tỉnh, môn lịch sử, được vinh danh học sinh xuất sắc tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh. Tôi rất vui sướng, muốn khoe lắm chứ, khoe trên mạng xã hội chẳng hạn. Nhưng đành “tự sướng” vì con không cho đăng. Kể cả khoe với người nhà, con cũng không thích. Con nói: Con đã là cái gì đâu mà mẹ cứ khoe khoang? Mẹ sống sâu sắc và suy nghĩ chín chắn hơn đi”. Nhà không có đàn ông, chỉ một mẹ, một con. Thành công của con là phần thưởng lớn nhất cho những hi sinh của mẹ. Song người mẹ đơn thân ở Quảng Ninh cũng đành trì hoãn niềm vui sướng trước phản ứng của con, đợi đến dịp sắp tết mới khoe vài dòng: “Đến dịp cuối năm, tôi tranh thủ viết vài lời tổng kết trên Zalo. May mắn, con cho qua, không trách gì”. Nhân một lần trò chuyện cùng con, chị hỏi con: “Vì sao không cho mẹ khoe thành tích học tập của con trên mạng xã hội?”. Người mẹ đơn thân bị “choáng” khi nhận được câu trả lời của con: “Khi xã hội quá nhiều giấy khen thì giấy khen của con cũng là… không giá trị. Giờ giấy khen phát cho toàn dân chứ riêng gì học sinh đâu?”.

Một phụ huynh ở Cao Bằng cũng thừa nhận, khi các con ở tuổi “dở ương”, chưa thành người lớn mà cũng không còn là trẻ con, thì việc đăng hình ảnh hay kể về con trên mạng xã hội, dễ bị con phản đối: “Tôi từng hỏi con, vì sao đến chụp ảnh mà con cũng không cho mẹ chụp? Con trai tôi bảo, chính nó cũng không lý giải được, chỉ biết là không thích. Ở cơ quan của chồng tôi năm nào cũng tổ chức tuyên dương, khen thưởng con em cán bộ có thành tích trong học tập nhưng từ lúc con lên cấp 2 thì con không đến nhận, nên phụ huynh toàn phải nhận thay và mang về đưa cho con. Năm nay, con đoạt giải nhì môn Hoá cấp tỉnh nhưng tôi cũng im lặng không dám khoe ngay cả trong họ hàng, để con tập trung tinh thần thi vào Trường THPT Chuyên của tỉnh”, chị cho biết.

Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có thành tích trong học tập, trong rèn luyện… để các bậc phụ huynh được khoe trên trang cá nhân. Chị Hà, ở chung cư Ecohome 3, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, có quan điểm không bắt con chạy đua điểm số, cứ để con được phát triển tự nhiên, bởi “không kỳ vọng thì không thất vọng”. Nhưng những ngày này khi mạng xã hội tưng bừng giấy khen chị cũng thoáng buồn: “Nhìn các “mom” (mẹ) khoe giấy khen tôi cũng hơi chạnh lòng”, chị Hà thú nhận. Có những phụ huynh sau phút chạnh lòng khi trông thấy thành tích của những đứa trẻ khác bỗng nhiên sinh ra cáu giận con mình. Chị Hoà (Hà Nội) cho con học ở một trường quốc tế, chấp nhận chi phí cao, để con bớt áp lực như ở trường công, song khi nhìn thấy một người bạn khoe thành tích của con trong một kỳ thi học sinh giỏi, chị bỗng thấy buồn: “Tôi ngưỡng mộ con của bạn. Nhìn sang con mình lại tủi thân nên cằn nhằn với nó mấy câu. Con nói lại: Mẹ cứ thấy bạn của mẹ khoe thành tích con cái lại gây áp lực lên con. Tôi thấy con nói đúng quá nên đành chọn cách giải toả khác, rủ mấy mẹ cùng hoàn cảnh con cái không thành tích, không có gì để khoe, ra ngoài ăn uống giải sầu”.

Các con không được khen cũng buồn

Một nhà thơ chia sẻ: Cứ nhắc đến chuyện giấy khen anh lại nhớ đến một tấm ảnh chụp học sinh trong một lớp tiểu học. Trong khi những bạn khác hớn hở cầm tấm giấy khen thì chỉ một cậu bé mặt buồn thiu vì trên tay không có gì.

Một câu chuyện có thật được cộng đồng mạng chia sẻ, kèm hình ảnh: Một em bé tâm sự rằng, trong lớp có bạn được giấy khen còn con lại không được gì. Ông nội cô bé an ủi: Được rồi tối nay con sẽ có giấy khen. Cơm nước xong xuôi, ông mang ra một tấm bằng khen do chính ông tỉ mẩn vẽ tặng cháu. Cộng đồng mạng đánh giá: Tấm bằng khen của ông nội giá trị hơn những tấm giấy khen ở trường.

Cuộc chạy đua ngầm của các phụ huynh?

Vì sao các bậc phụ huynh thích khoe thành tích của con trên mạng xã hội? Góc nhìn của một giáo viên dạy văn: “Theo tôi, mạng xã hội đã và đang trở thành “nhà mặt phố” của mọi nhà. Bất kể thứ gì người ta cũng đưa lên mạng xã hội, không chỉ thành tích của con. Hôm nay ăn gì, mặc gì, thậm chí bị con gì đốt vào tay… cho tới tang gia bối rối đều đưa lên mạng. Ngoài ra, tôi nghĩ, tâm lý con người bao giờ chẳng thích được khoe và được ca tụng. Khoe thành tích của con bao người vào chúc mừng, không chỉ khen con giỏi, họ còn khen cha mẹ khéo nuôi dạy con. Lại còn tâm lý đua chen. Thấy trên mạng người ta khoe con thì mình cũng phải khoe, cho bằng bạn bằng bè. Khoe giấy khen của con có khi đang trở thành cuộc chạy đua của các phụ huynh cũng nên!”. Trên Facebook, một phụ huynh viết: “Lên Face, em thấy các bác up ảnh giấy khen nhiều quá. Mà em thì đang nghĩ không biết lấy đâu giấy khen để chụp. May quá chiều con đi học về mang đúng cái giấy em cần về. Cũng có tí an ủi cho đỡ chạnh lòng”. Đi kèm mấy lời này là tấm hình chụp giấy khen của con gái. Một bà mẹ khác hài hước viết trên Facebook nhắc chồng kiếm tiền xây nhà để treo giấy khen của con gái. Vì con họ được rất nhiều giấy khen.

Bằng khen có một không hai

Bằng khen có một không hai

Khoe thành tích của con hay không khoe thành tích của con là lựa chọn của mỗi phụ huynh. Nhưng một vị giáo sư nổi tiếng của một trường đại học cho rằng: Khi bố mẹ tự hào về con, cũng vô tình tạo cho con một áp lực. Mà áp lực ấy có khi gây chết người. Có một khái niệm chỉ người trẻ trong xã hội hiện nay: Thế hệ “bông tuyết”, trong trắng, tinh khôi nhưng cực kỳ nhạy cảm. Cuối năm 2021, một bé trai ở chung cư quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đã nhảy từ tầng 22 xuống đất. Bé trai học lớp 6 bị áp lực với việc học hành, làm bài thi không tốt. Ở Trung Quốc, một cô bé 14 tuổi từng được mệnh danh “thần đồng” đã tự tử và để lại lá thư tuyệt mệnh, có đoạn: “Con còn nhớ, hồi con học lớp 7, đã có một bạn cùng khối tự sát. Lúc đó đã có người hỏi con có dám tự sát hay không, con chỉ mỉm cười rồi nói điều đó không thể nào. Thế nhưng giờ đây con đã mệt rồi. Vì con là đứa con duy nhất nên bố mẹ đã quá kỳ vọng. Con xin lỗi vì đã làm bố mẹ thất vọng”.

Cô bé thần đồng ở Trung Quốc ra đi ở tuổi thiếu niên

Cô bé thần đồng ở Trung Quốc ra đi ở tuổi thiếu niên

Tác giả của những tập thơ thiếu nhi cũng là một giảng viên đang giảng dạy ở Trung Quốc, chị Mai Quyên, cho biết: Ở Trung Quốc nhiều phụ huynh cũng hay khoe con như ở ta. Không chỉ khoe thành tích trong học tập mà họ còn khoe các khả năng khác của con, như khả năng chơi đàn chẳng hạn”.

Nguồn: [Link nguồn]

Cha mẹ ”khoe” thành tích của con lên mạng xã hội, chuyên gia giáo dục nói gì?

Chuyên gia giáo dục cho rằng, đối với những đứa trẻ, cha mẹ cần luôn ý thức được nguy cơ và phải chắc chắn mình quản lý được những nguy cơ đó trước khi đăng khoe thành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nông Hồng Diệu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN