Một tỉnh có 90% giáo viên Ngoại ngữ chưa đạt chuẩn
Trình độ và năng lực giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học chưa đạt chuẩn là vấn đề cấp bách cần tháo gỡ khi thực hiện Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020.
Theo ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, năm 2014, cả nước có 31 trường đại học, cao đẳng địa phương được cấp ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia cho Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu, sinh viên chuyên ngữ năm học 2014 – 2015 hệ cao đẳng đạt trình độ bậc 4/B2, hệ đại học đạt trình độ bậc 5/C1 khi ra trường. Đối với sinh viên không chuyên ngữ, phải đạt trình độ tiếng Anh bậc 3/B1 sau khi tốt nghiệp.
Tại Hội nghị giao ban công tác triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 năm 2014 khối địa phương, đa phần ý kiến các đại biểu cho rằng, số lượng và chất lượng giáo viên dạy ngoại ngữ hiện nay chưa đạt chuẩn. Lý giải việc này, Phó trưởng ban thường trực đề án Vũ Thị Tú Anh nhận định, chế độ đãi ngộ với giáo viên thấp do tiếng Anh chưa phải môn học bắt buộc ở tiểu học. Nhiều trường tiểu học phải tuyển giáo viên dạy tiếng Anh cấp trung học cơ sở dẫn tới hiệu quả đào không cao.
Về trình độ giáo viên tiếng Anh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương chia sẻ: Việc nâng cao trình độ chất lượng giáo viên hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, tại Hải Dương, giáo viên tiểu học đạt chuẩn tiếng Anh chiếm 26%, trung học cơ sở 52%, trung học phổ thông 31%. Có người bồi dưỡng nhiều lần nhưng chưa đạt. “Những giáo viên lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn phải chịu sức ép lớn, có thể mất việc bất cứ lúc nào do không đảm bảo được công tác dạy và học”, vị này chia sẻ thêm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị sáng 15/4
Bàn về chất lượng dạy và học tiếng Anh từ cấp tiểu học, ông Đoàn Văn Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn nhận định: Dạy học ngoại ngữ theo chương trình 10 năm (bắt đầu từ năm lớp 3) rất khó khăn. Trong cùng một tỉnh, có thể xảy ra trường hợp, số lượng các trường tiểu học đạt chuẩn theo Đề án nhưng cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông lại không đạt do đội ngũ giáo viên thiếu và yếu. “Hơn 90% giáo viên dạy tiếng Anh tại Bắc Kạn không đáp ứng được yêu cầu. Sau các đợt tập huấn, trình độ tăng dần nhưng do xuất phát điểm thấp nên còn gặp nhiều khó khăn. Hiện có 15 giáo viên đạt chuẩn theo đúng quy định của Bộ đề ra.” ông Hương chia sẻ.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo: “Cần phải nghiêm túc, trung thực nhìn nhận yếu kém và tìm cách khắc phục. Kinh phí thiếu có thể huy động các nguồn thu trong và ngoài nước. Không nên để tình trạng mua thiết bị về đắp chiếu để hỏng hóc, gây lãng phí và bức xúc trong dư luận”.
Cũng tại hội nghị, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện đề án. Trong đó có những giải pháp nhận được nhiều sự đồng tình như đưa giáo viên đi bồi dưỡng tại nước ngoài, nâng số tiết dạy ngoại ngữ ở cấp tiểu học, trau dồi kĩ năng giao tiếp cho giáo viên qua các buổi hội thảo, sinh hoạt ngoại khóa.