Một thủ khoa nguy cơ bỏ học vì nghèo

Đỗ thủ khoa Trường Đại học Công nghệ GTVT trong kỳ thi tuyển sinh 2014, nhưng Nguyễn Văn Sơn và gia đình lo nhiều hơn vui, bởi chưa biết em có thể theo đuổi ước mơ học đại học hay không khi hoàn cảnh gia đình đang gặp quá nhiều khó khăn.

 Nửa tấn thóc chưa đủ nhập trường

Con đường làng lầy lội, quanh co với đầy ổ gà và nước mưa còn đọng lại dẫn chúng tôi đến nhà của Nguyễn Văn Sơn ở thôn Dương Khê, xã Phương Tú (Ứng Hòa, Hà Nội) - người vừa đỗ Thủ khoa Trường Đại học Công nghệ GTVT với 24 điểm.

Một thủ khoa nguy cơ bỏ học vì nghèo - 1

Gia đình thủ khoa nghèo Nguyễn Văn Sơn

Đón chúng tôi sau cánh cổng sắt cũ kỹ, xộc xệch là người phụ nữ với thân hình gầy gò, ốm yếu. Cô là Nguyễn Thị Công (41 tuổi), mẹ của Sơn. Trong căn nhà tuềnh toàng, ẩm thấp, tường vữa đã bong tróc khắp nơi, ngoài chiếc tivi cũ kỹ không có lấy một vật dụng đáng giá, cô Công mở đầu câu chuyện: “Từ hôm biết tin Sơn đỗ Thủ khoa, vợ chồng tôi mừng lắm, nhưng cứ nghĩ đến các khoản tiền chu cấp cho con ăn học nơi thành phố là chúng tôi lại lo lắng, chẳng đêm nào ngủ được”. 

Kinh tế gia đình bao năm qua đã khó khăn, nay càng tăng thêm gấp bội kể từ ngày Sơn bước chân vào giảng đường. Nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào 6 sào ruộng, những lúc nông nhàn, vợ chồng cô đi làm mướn để có thêm chút tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Khi thì làm phụ hồ, lúc lại bốc vác hàng hóa cho các chủ hàng ở chợ Vân Đình,... Công việc nặng nhọc, vất vả là thế nhưng làm quần quật cả tháng trời hai vợ chồng cô cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng tiền công.   

"Những ngày đầu ở thành phố chẳng đêm nào em ngủ được vì hình ảnh mẹ cõng những bao xi măng nặng gần gấp đôi trọng lượng cơ thể để lấy tiền cho em ăn học cứ hiển hiện trong đầu. Em luôn tự nhủ, phải học tập thật tốt để sau này có được một công việc ổn định báo đáp những tháng ngày bố mẹ đã vất vả nuôi em”.

Thủ khoa Đại học Công nghệ GTVT Nguyễn Văn Sơn

Khó khăn, vất vả chưa chịu buông tha cho gia đình cô, khi vài tháng trước, trong một lần đi phụ hồ, cô Công bị viên gạch từ tầng ba rơi trúng ngón trỏ của bàn tay phải, khiến ngón tay này bị gẫy rời. Mặc dù đã điều trị nhiều nơi nhưng đến nay vẫn không thể lành lại. “Đây là ngón tay “cấy” của cả gia đình, vụ mùa sắp tới không biết có thể làm được nữa hay không”, cô Công trăn trở.

Cách đây một tuần, để lo học phí và các khoản tiền khác cho cậu con trai Thủ khoa nhập học, gia đình phải bán đi hơn 5 tạ thóc, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. Kể đến đây, giọng cô Công như nghẹn lại.

Lau vội giọt nước mắt đang lăn xuống gò má đen sạm, cô chỉ tay về phía cót thóc đã trống trơn: “Bán hết cả cót thóc mới được ba triệu rưỡi nhưng vẫn không đủ tiền đóng học phí và thuê nhà trọ cho con. Tôi phải đi mượn thêm của anh em họ hàng, rồi vay “nóng” hàng xóm để đưa con đi nhập trường”. 

Khi được hỏi về kinh phí nuôi con suốt 5 năm đại học, chú Nguyễn Văn Hà, bố của Sơn chia sẻ, nghèo cũng phải quyết cho con đi học, “chạy” được đến đâu hay đến đó. “Lâu nay, gia đình vẫn giấu không nói cho cháu biết về chuyện kinh tế để cháu yên tâm học hành, chứ thực ra gia đình khó khăn lắm, không biết vợ chồng tôi có nuôi nổi cháu qua 5 năm đại học không. Nhiều lần tôi muốn đi xa làm ăn để có thu nhập cao hơn nhưng ở nhà còn mẹ già hơn 80 tuổi thường xuyên đau yếu nên tôi không yên tâm đi làm”, chú Hà tâm sự.    

Một thủ khoa nguy cơ bỏ học vì nghèo - 2

Chàng thủ khoa nghèo với ước mơ được tham gia xây dựng các công trình giao thông

Ước mơ trở thành kỹ sư giao thông

Hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ nên trong suốt những năm học cấp ba, sau giờ học, Sơn không quản ngại làm từ việc đồng áng đến những việc nhà. Những ngày không phải đến trường, em dậy từ ba giờ sáng đạp xe lên chợ Vân Đình bốc hàng thuê cho người dì ruột buôn bán hoa quả trên chợ. Mỗi ngày như thế, Sơn cũng kiếm được đôi ba chục nghìn phụ giúp thêm bố mẹ.

Chia sẻ về bí quyết học của mình, chàng tân Thủ khoa thật thà: “Quan trọng là phải nắm vững được những kiến thức cơ bản và tham khảo nhiều đề thi từ các năm trước”.

Bật mí về lý do chọn thi vào khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ GTVT, Sơn chia sẻ đây chính ngành học mong ước bấy lâu nay của mình. “Em muốn được góp phần tham gia vào xây dựng các công trình giao thông cho đất nước. Từ nhỏ em đã quen với môi trường làm việc phải chịu nắng, mưa nên em càng yêu thích nghề này hơn”, Sơn chia sẻ. 

Tâm sự với chúng tôi về trải nghiệm cuộc sống tuần đầu tiên ở thành phố, Sơn cho biết: “Mới nhập học được một tuần em vừa lo lắng lại vừa nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Cuộc sống ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ, phải mất đủ thứ tiền anh à, đến bữa ăn cũng vậy, ở nhà hết rau thì sang hàng xóm xin được, chứ ở trên đây có tiền người ta mới bán. Sắp tới khi công việc học tập đã ổn định em muốn đi tìm việc làm thêm để đỡ đần thêm cho bố mẹ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Quang (Giao thông Vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN