Một huyện thừa hơn 500 giáo viên, 20 phó hiệu trưởng
Mặc dù không có chỉ tiêu biên chế nhưng huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) vẫn ký hợp đồng giảng dạy với hơn 600 giáo viên từ nhiều năm qua; hiện vẫn chưa có giải pháp giải quyết nguồn giáo viên dư thừa.
Ngày 1-3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp báo định kỳ và cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến việc huyện Krông Pắk thừa hơn 600 giáo viên (GV). Tại buổi họp báo, bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết hiện toàn huyện có 605 GV hợp đồng. Sắp tới, huyện sẽ tiến hành thi tuyển và lấy 84 chỉ tiêu, dự kiến chỉ thi tuyển trong số GV đang hợp đồng.
Như vậy, toàn huyện sẽ thừa 521 GV ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS. Ngoài ra, huyện cũng thừa 20 phó hiệu trưởng ở các cấp chưa sắp xếp bố trí được. Hiện nay, huyện đang trình phương án giải quyết số GV này trình cơ quan chức năng xin ý kiến chỉ đạo.
Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, thông tin tại buổi họp báo.
Trách nhiệm chính trong việc ký hợp đồng tràn lan thuộc về ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011-2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021). Do đó, UBND huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề nghị kiểm điểm nhiều cá nhân, tổ chức.
Liên quan đến vấn đề dư luận cho rằng ông Y Suôn Byă có vợ là bà H’Yer Knul đang là Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện. Trong khi đó, Phòng GD-ĐT và Phòng Nội vụ huyện Krông Pắk có trách nhiệm khi tham mưu UBND huyện hợp đồng GV, bổ nhiệm thừa cán bộ lãnh đạo trường học, bà Trinh lý giải: Việc ký hợp đồng lao động là do các trường đề xuất lên Phòng GD-ĐT và Phòng Nội vụ. Từ đó, 2 phòng này mới tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện ký (!?)
Việc dư thừa GV đã dẫn đến việc phải cắt hợp đồng đối với một số GV khiến cuộc sống của họ trở nên điêu đứng. Chị H.T.N (một trong những GV vừa bị chấm dứt hợp đồng) tâm sự: “Năm 2008, tôi được ký hợp đồng làm GV môn âm nhạc. Từ đó đến cuối năm 2015, tôi được nhận đầy đủ các chế độ như một GV bình thường với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Nghĩ rằng mình đã có nhiều năm công tác nên công việc sẽ ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, đến năm 2016, tôi bị cắt hết các khoản, chỉ còn tiền đứng lớp khoảng 2 triệu đồng/tháng. Dù mức lương thấp nhưng cũng tạm để tôi trang trải cho con cái, trả tiền phòng trọ. Bất ngờ, đầu năm 2017, tôi nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng. Sau gần 10 năm gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục giờ bị chấm đứt hợp đồng khiến tôi rất hoang mang”.
Theo chị N, đã lớn tuổi nên chị không thể học thêm một ngành nào khác và chị đã làm đơn gửi cơ quan chức năng xin được tiếp tục giảng dạy vì vừa yêu nghề vừa để kiếm sống nhưng chưa nhận được hồi âm.