Môn Tiếng Anh trong chương trình mới có gì đặc biệt?

Sự kiện: Giáo dục

Tiếng Anh là môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12, giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ… Tuy nhiên, chuyện thiếu giáo viên, giáo viên đạt “chuẩn” và cơ sở vật chất khiến nhiều người lo lắng về môn học quan trọng này sẽ đi theo “vết xe” của Đề án ngoại ngữ 2020.

Môn Tiếng Anh trong chương trình mới có gì đặc biệt? - 1

Thiếu giáo viên đạt “chuẩn” là mối lo trước khi áp dụng chương trình Tiếng Anh mới. Ảnh minh họa: Q.Anh

Phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh

Ban soạn thảo chương trình môn Ngoại ngữ vừa công bố, giới thiệu những nét chung nhất về môn tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, Tiếng Anh là môn học trong chương trình giáo dục phổ thông bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 (lớp 1, 2 là chương trình làm quen Tiếng Anh). Nội dung cốt lõi của môn học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp).

Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với học sinh phổ thông nhằm giúp các em khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp bậc 1; kết thúc THCS đạt được bậc 2; kết thúc THPT đạt bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh được thiết kế theo kết cấu đa thành phần, gồm: Hệ thống các chủ đề (khái quát), các chủ điểm (cụ thể) mang tính gợi ý; các năng lực giao tiếp phù hợp với chuẩn năng lực cần đạt; danh mục kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) gợi ý phù hợp với việc phát triển năng lực giao tiếp ở cấp độ đã được quy định trong chuẩn đầu ra. Nội dung văn hóa được dạy học lồng ghép, tích hợp trong hệ thống các chủ đề, chủ điểm. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào năng lực giao tiếp ở 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết.

Theo GS.Nguyễn Lộc, Tổng chủ biên môn Tiếng Anh chương trình mới cho biết: “Môn Ngoại ngữ sẽ kế thừa rất nhiều các điểm được của Đề án Ngoại ngữ 2020, về số tiết, 6 tiêu chuẩn của châu Âu… Kế thừa sử dụng nhiều là chương trình thí điểm, đánh giá về sách giáo khoa, hai đánh giá quan trọng này được đưa vào để xây dựng chương trình mới. Chương trình mới vẫn giữ số tiết/tuần theo quy định của Đề án cũ, cụ thể ở cấp Tiểu học, môn Tiếng Anh sẽ có 140 tiết (bình quân 4 tiết/tuần). Với cấp THCS và THPT sẽ học 105 tiết (3 tiết/tuần)”.

Có đi vào “vết xe” Đề án Ngoại ngữ 2020?

Trong thời gian qua, trong quá trình Ban soạn thảo môn tiếng Anh chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đã nhận được nhiều góp ý, trong đó bày tỏ những lo ngại quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, thậm chí đi vào “ngõ cụt” giống như Đề án “Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020” (gọi tắt là đề án Ngoại ngữ 2020) đang triển khai. Theo lãnh đạo một số trường phổ thông, với chương trình ngoại ngữ hiện hành, phần lớn các trường đều lúng túng vì chỉ có 1 biên chế giáo viên ngoại ngữ. Việc thiếu giáo viên biên chế, khó tuyển giáo viên hợp đồng để ổn định và nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trong trường là rào cản để chương trình mới được triển khai hiệu quả.

Trên thực tế, Đề án Ngoại ngữ 2020 trong thời gian qua đã đón nhận nhiều đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý cũng như giáo viên, đó là cần được rút kinh nghiệm triệt để, bởi nhiều nội dung của Đề án đã không đạt được mục tiêu như đã đặt ra, thậm chí không ít ý kiến cho rằng đây là một thất bại. Tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên không đạt chuẩn với môn tiếng Anh tại nhiều địa phương, trong đó có cả các tỉnh, thành phố lớn khiến nhiều người lo ngại chương trình ngoại ngữ mới chưa đủ điều kiện để triển khai hoặc có triển khai cũng sẽ không đạt như mục tiêu đặt ra.

Thực tế trên Ban soạn thảo chương trình Tiếng Anh mới cũng đã đặt ra những mục tiêu để khắc phục. Theo đó, để thực hiện chương trình cần đảm bảo đủ số lượng giáo viên để thực hiện đủ số tiết học theo kế hoạch dạy học ở trường phổ thông. Giáo viên phải đạt những yêu cầu theo quy định và có nghiệp vụ sư phạm phù hợp với các cấp học; đồng thời được tập huấn về kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong dạy học. Bên cạnh đó, đảm bảo điều kiện, môi trường học tập đa dạng, phong phú để học sinh có thể tham gia vào các hoạt động học tập, sử dụng tiếng Anh có ý nghĩa.

“Cùng với sự kế thừa, rút kinh nghiệm từ Đề án Ngoại ngữ 2020, Ban soạn thảo luôn nhấn mạnh tới tính “mở” của môn học này để có thể tiếp nhận được nhiều bộ sách giáo khoa tiếng Anh. Những chủ đề, chủ điểm mà chúng tôi đưa vào môn học chỉ mang tính chất gợi ý, dựa vào các gợi ý này các tác giả viết sách giáo khoa tương lai sẽ lựa chọn và quyết định những nội dung, cách thức phù hợp nhất với môn học này. Sẽ có sự cạnh tranh, đối sánh giữa các trương trình để chọn ra những nội dung phù hợp, hiệu quả nhất”, GS Nguyễn Lộc chia sẻ thêm.

Ban soạn thảo chương trình tiếng Anh mới (Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể) thông tin, môn Tiếng Anh giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các hình thức nghe, nói, đọc, viết. Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh có thể sử dụng tiếng Anh trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.

Thử kiểm tra vốn tiếng Anh của bạn ở mức độ nào?

Bạn hãy thử tài tinh mắt và vốn tiếng Anh của mình để tìm những từ ẩn giấu trong các bức tranh dưới đây. Nhiệm vụ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh (Gia Đình & Xã Hội)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN