Môn Lý: Không nên “ngộ nhận” câu hỏi dễ
“Để tránh bị mất điểm một cách đáng tiếc, thí sinh không nên “ngộ nhận” câu hỏi dễ và cơ bản. Những câu này, thí sinh nghĩ mình có thể làm tốt nên để lại cuối cùng và dành thời gian cho câu hỏi khó. Đến khi gần đến cuối giờ, còn ít thời gian thí sinh mới quay trở lại làm câu hỏi dễ sẽ khiến tâm lý bị loạn, dễ tính toán sai”.
Thạc sĩ Dương Văn Cẩn, giảng viên môn Lý trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia tư vấn cho thí sinh về cách làm bài môn Vật Lý trong kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới.
Xu hướng đề thi năm gần đây
Thầy Cẩn cho biết, đề thi đại học từ năm 2010 trở lại đây có khó hơn những năm trước. Nhưng mức độ đó hoàn toàn hợp lý bởi sau kỳ thi nhà trường cần phân loại học sinh đạt điểm cao và học sinh đạt điểm trung bình để tuyển chọn.
Kiến thức cơ bản trong các đề thi nhiều dàn trải, do đó, học sinh chọn trường vừa sức thì việc làm bài thi không quá khó khăn. Câu hỏi trong đề thi môn Lý nằm trong tất cả các chương trong sách giáo khoa và mỗi chương đều có câu hỏi ở phần nội dung trọng tâm.
Đề thi thường ra câu hỏi lý thuyết và bài tập 50/50 nhưng thông thường ở các để thi năm trước, trong 50% câu hỏi lý thuyết, người ra đề thường cho các câu hỏi lý thuyết chiếm khoảng 35% còn lại lý thuyết vận dụng chiếm khoảng 15%. Đề thi chỉ có dưới 5 câu hỏi khó phân loại học sinh.
Thạc sĩ Dương Văn Cẩn, giảng viên môn Lý trường THPT Việt Đức
Thí sinh cần vững tâm lý
Theo thầy Cẩn, đến giờ phút này chỉ còn ít ngày nữa thí sinh sẽ bước vào kỳ thi đại học, cao đẳng. Thí sinh cần vững tâm lý, ngồi học bình thường không quá lo lắng để giữ gìn sức khỏe vì sức khỏe là vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn này. Nếu học sinh quá lo lắng sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ, đến thi cử.
- Thí sinh nên ngồi hệ thống lại các kiến thức, sắp xếp lại kiến thức một cách trình tự, ôn tập nhẹ nhàng không quá căng thẳng.
- Các em cũng không nhất thiết phải đi vào làm bài tập khó nên chọn bài dễ để làm.
- Thí sinh cũng không quá kỳ vọng những trường “hot” bởi vì cái đó cũng không định hướng tương lai cuả một con người mà tương lai của các em chính là phải tìm được công việc mình yêu thích.
Thí sinh không “ngộ nhận” câu dễ
- Khi vào làm bài thí sinh cần bĩnh tĩnh, tạo cho bản thân tâm lý thoải mái. Đọc kỹ đề bài một lượt, câu nào dễ làm trước, câu khó đòi hỏi việc tính toán phức tạp để lại làm sau cùng.
- Thí sinh không “ngộ nhận” với câu hỏi dễ và cơ bản. Những câu này thí sinh nghĩ mình có thể làm được nên để lại dành thời gian cho câu hỏi khó. Khi gần đến cuối giờ, còn ít thời gian thí sinh mới quay trở lại câu hỏi dễ làm sẽ khiến tâm lý bị loạn, dễ tính toán sai.
- Câu hỏi lí thuyết: Thí sinh hiểu và nắm vững bản chất vấn đề, hiện tượng một cách sâu sắc chứ không phải thuộc lòng hoàn toàn. Bởi thuộc lòng hoàn toàn đôi khi chưa chắc học sinh đã làm đúng.
Ngoài ra, việc nắm vững được bản chất của vấn đề, hiện tượng sẽ giúp học sinh phân biệt được cái đúng sai. Bởi phần đáp án câu hỏi lý thuyết thường có một cái khó là khi học sinh đọc thường thấy 4 đáp án đều đúng cả. Thế nên học sinh cần phải chọn đến một đáp án chính xác nhất, còn những đáp án khác chỉ là nhiễu, đôi khi học sinh cảm giác đúng nhưng nó lại không đúng.
- Câu hỏi bài tập: Thí sinh thuộc các công thức có sẵn để áp dụng vào bài làm là một điều cần thiết. Tuy nhiên đó không phải là tất cả, học sinh cần phải nắm vững thêm được bản chất vấn đề để biến đổi xử lý tình huống trong đề thi. Bởi vì đề thi hiện nay người ra đề rất sáng tạo, họ không cho học sinh thuộc sẵn công thức để áp đặt vào bài làm mà học sinh phải biết vận dụng kiến thức linh hoạt cho những câu hỏi nâng cao.
Ví dụ, khi thí sinh làm bài bài tập sự biến thiên và cực trị trong dòng điện xoay chiều thông thường khi gặp dạng này có thể áp dụng ngay công thức để làm. Nhưng ở đề thi đại học, có thể người ra đề sẽ cho cuộn dây có thêm điện trở thì lúc đó học sinh buộc phải xử lý trước, sau đó mới áp dụng công thức được.
- Khi gặp câu quá khó, thí sinh không nên hoang mang bởi tỷ lệ những câu như vậy trong đề thi ít và nó cũng không quyết định được việc thí sinh đỗ hay trượt.
- Nhiều học sinh nghĩ môn thi trắc nhiệm có “mẹo” nhưng cái “mẹo” đó không giải quyết được nhiều, nó chỉ chiểm khoảng 5 đến 10% trong đề thi. Quan trọng là học sinh phải có quá trình tích lũy kiến thức thực sự trong quá trình học ở nhà trường.
Những lỗi cơ bản học sinh gặp phải
- Thí sinh nhìn nhận sai bản chất vấn đề cho nên khi định hướng làm bài đã bị sai ngay từ bước đầu tiên.
- Thí sinh quá phụ thuộc vào máy tính cầm tay, bấm máy mà quên không hề viết kết quả ngay ra giấy nháp. Do vậy khi dùng máy tính các em nên viết kết quả cơ bản ra giấy nháp, chỉ dùng máy tính cầm tay như một công cụ hỗ trợ trong tính toán chứ không phải là phương tiện chủ đạo. Thí sinh hãy coi giấy nháp và bút là một phương tiện chủ đạo.
- Thí sinh lo lắng về thời gian nên quá vội vàng khi làm bài. Đặc biệt đối với đề thi trắc nghiệm sau khi làm xong, thí sinh thường có rất ít thời gian để kiểm tra lại bài.