Môn học mới trong giáo dục phổ thông: Táo bạo nhưng... thiếu thực tế?
Những môn học mới trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông khá táo bạo và nghe qua thấy phù hợp với thực tế, song nếu đưa vào thực hiện từ năm 2018- 2019 thì khá cập rập bởi đội ngũ giáo viên phục vụ cho những môn này hiện tại không có…
Trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới ban hành có một số môn mới so với chương trình hiện tại như: Tiếng dân tộc thiểu số, môn bắt buộc Khoa học tự nhiên ở THCS, môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Thiết kế và Công nghệ ở THPT, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Theo các nhà sư phạm, những môn học mới này khá táo bạo và nghe qua thấy phù hợp với thực tế, song nếu đưa vào thực hiện từ năm 2018- 2019 thì khá cập rập bởi đội ngũ giáo viên phục vụ cho những môn này hiện tại không có…
Thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, quận Tân Phú, TPHCM cho rằng: “Dự thảo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới khá hoàn hảo và tiếp cận được với các nước tiên tiến, song nếu thực hiện trong năm 2018- 2019 là rất cập rập vì điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất trường, lớp của Việt Nam hiện nay chưa đạt trong khi chương trình có phần quá lý tưởng, ôm đồm khi đề ra quá nhiều năng lực, phẩm chất đối với chân dung người học sinh mới”.
Theo ông Hiếu, Bộ GD&ĐT chỉ mới công bố tên các môn học chứ chưa công bố chương trình chính nên giáo viên chưa hình dung được nó sẽ như thế nào. Ví dụ, môn Trải nghiệm sáng tạo sẽ do nhiều giáo viên ở các bộ môn thực hiện hay chỉ do một giáo viên đảm nhiệm, còn môn Khoa học tự nhiên bao gồm những gì…, tất cả vẫn chưa được làm rõ.
Cũng theo ông Hiếu, đến thời điểm hiện tại, chương trình chưa hoàn tất, sách giáo khoa chưa có, giáo viên chưa tập huấn, vì vậy để đào tạo giáo viên đáp ứng công cuộc đổi mới trên, đặc biệt là các môn học mới sẽ phải mất 3- 4 năm.
Còn tập huấn chương trình đổi mới đến hàng triệu giáo viên thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian, bởi phải qua nhiều khâu như: Bộ tập huấn Sở, Sở tập huấn xuống Phòng, Phòng tập huấn hiệu trưởng, hiệu phó rồi những người này mới về tập huấn lại cho giáo viên.
“Nên lùi lại ít nhất một năm để có thời gian chín muồi cho tất cả các yếu tố”- ông Hiếu đề xuất và cho rằng đội ngũ giáo viên vẫn quan trọng nhất. “Khi có đội ngũ giáo viên rồi thì còn phải quan tâm đến đời sống của họ, điều đó thể hiện qua thu nhập. Bởi ngoài phương pháp giỏi thì động cơ làm việc là rất quan trọng. Nếu thu nhập của giáo viên quá thấp thì họ sẽ phải làm thêm nhiều việc khác để kiếm sống, như vậy thì hiệu quả không thể nào cao được”, ông Hiếu nói.
“Thực tế, khi chúng ta thực hiện một chương trình giáo dục mang tầm quốc gia thì phải lấy ý kiến của giáo viên và học sinh. Bởi, đây là hai đối tượng bị tác động trực tiếp vì giáo viên là người thực thi, còn học sinh là người thụ hưởng. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục ở mỗi địa phương khác nhau nên tác động của thay đổi cũng khác nhau. Vì thế, nếu việc lấy ý kiến chỉ ở một số nơi thì sẽ không phù hợp khi áp dụng chung cho toàn quốc”, Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt nói.