Môn giáo dục công dân, không chỉ học để thi

Sự kiện: Thời sự Giáo dục

Lần đầu tiên, môn giáo dục công dân (GDCD) trở thành môn thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia.

Quyết định này không chỉ phía nhà giáo vui mà phía phụ huynh cũng mừng. Vậy là sau rất nhiều năm gần như bị lãng quên, môn học này đã được trả về đúng vị trí của nó.

Chương trình giáo dục hiện hành gọi môn học này ở bậc tiểu học là đạo đức (ĐĐ), ở bậc THPT là GDCD. Đó là môn học trang bị cho học sinh (HS) những chuẩn mực đạo đức nhằm rèn luyện, xây dựng phẩm chất, nhân cách, kỹ năng sống; trang bị những hiểu biết về pháp luật để làm một công dân tốt trong xã hội.

Xem lại lịch sử giáo dục thế giới, người ta thấy khởi nguồn các môn học là môn luân lý, dạy làm người trước đã, sau mới phát triển dần các môn học khác như triết học, toán pháp…

Nghiên cứu hành vi HS cho thấy có hai môi trường lớn chi phối. Thứ nhất, trong gia đình hành vi HS được điều chỉnh chủ yếu bởi các chuẩn mực đạo đức nói chung. Chẳng hạn, con cái lễ phép với cha mẹ, đi thưa về trình... Thứ hai, ngoài xã hội hành vi HS được điều chỉnh chủ yếu bởi các quy định của pháp luật. Chẳng hạn, đi xe máy phải đội nón bảo hiểm, không chụp ảnh nơi có biển cấm… Chính môn ĐĐ-GDCD đã trang bị cho HS những phẩm chất, những kiến thức về đạo đức, pháp luật cơ bản đó.

Một thời gian rất dài môn ĐĐ-GDCD ít được quan tâm, được coi là môn phụ trong nhà trường. HS chỉ học qua loa để có điểm, giáo viên cũng dạy cầm chừng, thiếu đào sâu. Thậm chí phía nhà quản lý trong trường học cũng chưa thấy hết tầm quan trọng của môn học này nên ít tập trung chỉ đạo. Không ít giáo viên GDCD chưa được đào tạo bài bản, dạy chéo môn hay do giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm.

Một khi những kiến thức học làm người bị bỏ quên thì bạo lực học đường gia tăng là điều khó tránh khỏi. Người lớn thường than phiền tại sao thấy bạn đánh nhau mà các cháu không can ngăn, sao HS vô cảm đến thế. Nhiều phụ huynh cũng than phiền con cái nói năng với cha mẹ như người ngang hàng. Thậm chí cha mẹ nói nặng một tiếng thì phản ứng vô lễ thái quá và đã có trường hợp thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cha mẹ ruột của mình. Trước vành móng ngựa, nhiều em trả lời hồn nhiên rằng không biết hành động mà em làm là vi phạm pháp luật.

Đưa môn ĐĐ-GDCD thành môn thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia, chúng ta không mong sẽ chấm dứt được ngay tình trạng HS vô lễ, phạm pháp mà trước hết tác động đến cách dạy, cách học. Chắc chắn thái độ học tập của học trò sẽ nghiêm túc hơn, giáo viên cũng không thể tiếp tục dạy qua loa. Phía nhà quản lý cũng có cái nhìn khác, quan tâm hơn cho môn học này.

Nhưng như thế cũng chưa đủ. Hỏi một số giáo viên trực tiếp dạy môn GDCD, họ nói cần xem lại chương trình môn học này. Theo giáo viên, chương trình thiếu những nội dung về các phép ứng xử trong gia đình nhưng thừa nhiều nội dung xa rời thực tế, giáo điều khô khan… Và một điều quan trọng nữa, phương pháp giảng dạy cũng cần phải thay đổi theo hướng môn học rèn kỹ năng sống.

Chắc chắn các nhà thiết kế kỳ thi THPT nhằm đến một mục tiêu xa hơn, đó là HS không phải học môn ĐĐ-GDCD để thi, mà học để làm người như một nhu cầu tự thân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Từ Nguyên Thạch (Pháp luật TPHCM)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN