Mở lớp “chống trượt” tốt nghiệp để không học sinh nào bị “bỏ lại” phía sau
Còn gần 3 tháng nữa là kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ chính thức diễn ra. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học, nhiều trường THPT đã lên kế hoạch ôn tập để học sinh có kết quả tốt nhất. Đặc biệt là mở các lớp “chống trượt” tốt nghiệp hay lớp “chọn ngược” miễn phí để không học sinh nào bị “bỏ lại” phía sau.
Chúng tôi có mặt tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An vào giữa tháng 3. Đây là ngôi trường đóng trên địa bàn thuộc vùng trũng của huyện, hộ nghèo chiếm tỷ lệ lớn, chất lượng đầu vào của học sinh tương đối thấp. Tuy nhiên, với sáng kiến mở các lớp phụ đạo ôn thi tốt nghiệp miễn phí cho học sinh yếu kém, tỷ lệ tốt nghiệp hằng năm của Trường THPT Nguyễn Trường Tộ những năm gần đây đã cao hơn mức trung bình của tỉnh.
Thầy Lê Đăng Việt, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Trường Tộ chia sẻ: Ngoài những lớp mũi nhọn đáp ứng tốt thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ thì có tới gần một nửa số học sinh của khối 12 nằm trong diện cần “chống trượt”. Căn cứ vào điểm thi thì Toán và Ngoại ngữ là 2 môn thường có tỷ lệ học sinh điểm liệt rất cao, nhà trường đã lập ra 3 lớp “chống trượt” miễn phí, mỗi lớp khoảng 30 em. Những lớp “chống trượt” tốt nghiệp này bắt đầu sau khi kết thúc học kỳ 1 của lớp 12. Các thầy cô sẽ đăng ký tự nguyện dạy miễn phí cho học sinh.
Đặc biệt, qua quá trình theo dõi đánh giá từ đầu mỗi năm và trong kiểm tra thường xuyên cùng định kỳ, nhà trường sẽ phân loại và tách lớp. “Nhà trường xác định với những lớp này, ví dụ môn Toán chỉ xác định tập trung để học sinh "kiếm" chắc 3-4 điểm để tốt nghiệp, không mơ mộng ở những phần 8-10 điểm. Các lớp học này diễn ra sau các tiết học thêm buổi chiều để thuận lợi cho học sinh” - thầy Việt cho biết.
Cũng giống như Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, việc tổ chức các lớp “chống trượt” tốt nghiệp miễn phí đã trở thành một trong những “bí quyết” giúp cho học sinh Trường THPT Nghi Lộc 5 luôn đạt tỷ lệ tốt nghiệp từ 99,5-99,7%. Thậm chí, năm học 2016-2017, Trường THPT Nghi Lộc 5 là 1 trong 15 trường của Nghệ An không có học sinh trượt tốt nghiệp.
Chia sẻ với PV Báo CAND, thầy Đặng Đình Kỳ, Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 5 cho biết: “Nếu cả trường có 5 - 7 em trượt tốt nghiệp có thể không sao nhưng nếu nghĩ sâu xa hơn, với một gia đình mà có con trượt tốt nghiệp sau 12 năm ăn học thì lại là vấn đề rất lớn, làm xáo trộn kế hoạch, dự định cho tương lai của các em. Do vậy, chúng tôi luôn tâm niệm trong suốt quá trình dạy học phải cố gắng để không học sinh nào bị “bỏ quên” lại phía sau nên có biện pháp dạy học với từng nhóm đối tượng học sinh để các em đạt kết quả cao nhất trong khả năng của mình”.
Học sinh Trường THPT Nghi Lộc (Nghệ An) lên kế hoạch ôn tập chuẩn bị thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh minh họa.
Cũng theo thầy Kỳ, năm nay, Trường THPT Nghi Lộc 5 lên kế hoạch cho học sinh thi thử 4 lần. Trường đã thi thử lần 1 vào ngày 24 và 25-1 và thực tế vẫn có những em bị trượt. “Chúng tôi đã xác định 6-7 em có nguy cơ trượt tốt nghiệp tức là thi thử có môn từ 2 điểm trở xuống, báo động nguy cơ dính điểm liệt là từ 1 trở xuống. Trên cơ sở thi thử, đó nhà trường biết được thực trạng để điều chỉnh việc dạy và học cho hiệu quả. Tất nhiên, yêu cầu đặt ra là những học sinh này không bị điểm liệt, sau đó nếu được có thể là giúp các em nâng cao lên mức 3-4 điểm để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp” – thầy Kỳ cho biết.
Không chỉ Nghệ An, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, nhiều trường THPT có chất lượng đầu vào không cao cũng tổ chức các lớp phụ đạo thêm nhằm giúp học sinh yếu kém có cơ hội vượt qua kỳ thi tốt nghiệp. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: Do chất lượng đầu vào của học sinh thấp nên ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch phụ đạo để “vực dậy” học sinh yếu kém, giúp các em không bị “dính” điểm liệt để có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp.
“Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa, trường đã cho giáo viên lấy đề thi đó trộn thành nhiều mã đề khác nhau và tổ chức thi thử nhiều lần để học sinh được tập dượt, làm đi làm lại dạng đề thi minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia. Trường cũng sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 đến sát ngày thi, đặc biệt là với các đối tượng học sinh có học lực yếu. Mục tiêu cuối cùng là giúp các em có thể có được tấm bằng tốt nghiệp sau 12 năm học” - thầy Lâm chia sẻ.
Tại một số trường công lập như THPT Trương Định, THPT Trần Hưng Đạo, việc ôn tập, phụ đạo cho học sinh yếu kém cũng được nhà trường thực hiện từ nhiều năm nay. Tại trường THPT Trần Hưng Đạo, ngay từ đầu tháng 3, nhà trường đã tổ chức lớp học riêng cho các học sinh yếu kém hay còn gọi là lớp “chọn ngược”. Lớp học có sĩ số khoảng 30 học sinh, là những học sinh có học lực yếu hoặc bị hổng kiến thức được “lọc” từ các lớp 12 của trường để bồi dưỡng, phụ đạo với mục tiêu giúp các em tránh được điểm “liệt” hoặc có thể đạt 3-5 điểm để đủ điều kiện vượt qua kỳ thi THPT quốc gia.
“Để đỗ được 100% ở các trường có chất lượng đầu vào thấp là rất khó nên các lớp “chọn ngược” này chính là giải pháp tốt nhất để hạn chế tối đa tỷ lệ trượt tốt nghiệp” - đại diện nhà trường cho biết.
Không được bỏ bài thi tổ hợp đã đăng ký; đăng ký dự thi trong bao nhiêu ngày?; làm thế nào để phản hồi sai sót hồ...