Mô hình trường học mới: Thiếu tự tin thí điểm

Nhiều trường hiện vẫn còn mơ hồ với mô hình trường học mới nên chỉ dừng lại ở việc lên một vài tiết mẫu để rút kinh nghiệm. Nhiều địa phương vẫn chưa biết được hướng đi lâu dài của mô hình này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản yêu cầu các trường đánh giá thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại 1.447 trường tiểu học trong cả nước. Theo đó, các trường phải nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, giải pháp, kết quả đạt được và tồn tại của mô hình này để rút ra bài học kinh nghiệm. Theo ghi nhận, nhiều trường chưa tự tin thí điểm mô hình này.

Thực tế không như lý thuyết

Sáng 27/11, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP HCM) triển khai tiết học đầu tiên theo mô hình VNEN. Chúng tôi có mặt và ghi nhận lớp gồm 40 học sinh (HS) chia thành 6 nhóm. Mỗi nhóm có 1 đội trưởng và 1 đội phó, phụ trách hướng dẫn thảo luận và kiểm tra luân phiên giữa các nhóm khác nhau.

Mô hình trường học mới: Thiếu tự tin thí điểm - 1

Một tiết học thí điểm theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh

Trong bài tập luyện từ ra câu, sau khi kể câu chuyện heo con hỏi heo mẹ thế nào là hạnh phúc, giáo viên để cho các nhóm tự định nghĩa thế nào là hạnh phúc dựa trên một số đáp án có sẵn. Các nhóm thảo luận để tìm ra đáp án chính xác. Sau khi các nhóm thảo luận xong, giáo viên để nhóm trưởng báo cáo và đưa ra kết luận, hướng dẫn cuối cùng.

Dù lớp chỉ 40 HS nhưng khi xếp bàn ghế lại thành nhóm thì không còn chỗ trống để các em được tự do chạy nhảy như lý thuyết của VNEN. HS chỉ ngồi tại chỗ phát biểu. Hoạt động tương tác giữa các HS cũng ít, chỉ những em mạnh dạn mới hay giơ tay phát biểu, một số HS không tham gia thảo luận.

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Chúng tôi chỉ lên một tiết dạy mẫu để học tập, đánh giá hiệu quả. Tuy nhiên, tiết học mẫu thực hiện ở lớp 5, khi mà các em khá dạn dĩ và cũng sắp hết cấp nên rất khó đánh giá hiệu quả”.

Theo bà Hà, Phòng GD-ĐT quận 4 vẫn chưa quyết định chọn trường nào để thí điểm chính thức. Hiện trường vẫn băn khoăn rằng nếu thí điểm thì sẽ áp dụng từ lớp mấy, sử dụng bộ sách giáo khoa nào? Triển khai mô hình này phải có lộ trình cụ thể để giải thích cho phụ huynh hiểu, cũng như có thời gian cho HS làm quen, tiếp nhận.

Giáo viên thiếu kinh nghiệm

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sau Trường Tiểu học Tả Thanh Oai, sở đã cho phép các trường có điều kiện về cơ sở vật chất, sĩ số lớp không quá đông tham gia thực hiện thí điểm mô hình VNEN. Năm học này, Hà Nội có 50 trường tiểu học đăng ký tham gia.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các trường tại Hà Nội, có nhiều thách thức khi triển khai mô hình. Theo quy chuẩn, để có thể sắp xếp lớp theo ý tưởng của mô hình trường học mới, cần phòng học rộng 100 m2 nhưng hiện hầu hết các lớp chỉ rộng khoảng 50 m2. Bàn ghế sẵn có được thiết kế liền nhau phục vụ việc học bán trú nên không thích hợp sắp xếp từng nhóm. Sĩ số thích hợp để áp dụng được mô hình này chỉ khoảng 25-35 HS/lớp, trong khi ở Hà Nội, hầu hết mỗi lớp đều có 50-60 HS.

Bà Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Thanh Oai, một trong những trường đầu tiên thí điểm mô hình VNEN tại Hà Nội - cho biết: “Trình độ giáo viên hiện nay tuy 100% đạt chuẩn và trên chuẩn song lớp quá đông, họ sẽ không chuyển tải được kiến thức, ý tưởng như mô hình”.

Một giáo viên Trường Tiểu học Tả Thanh Oai cho rằng thầy cô ít nhiều cũng lo lắng khi chuyển sang dạy phương pháp này, một phần vì chưa có kinh nghiệm, phần khác vì sách vở, đồ dùng chưa có nên giáo viên phải tự làm đồ dùng học tập cho HS.

Phải đặt quyền lợi học sinh lên hàng đầu

Theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT tại TP HCM, hiện các trường vẫn còn rất mơ hồ về mô hình VNEN nên hầu hết chỉ mới lên một tiết mẫu để học tập, rút kinh nghiệm. Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 1 cho hay phải qua học kỳ II mới có thể tổ chức chọn trường, chọn lớp để thí điểm.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1 cho biết khi tham gia thí điểm, nhà trường chỉ được tài trợ sách giáo khoa, còn những chi phí như trang trí lớp học, góc học tập… thì nhà trường phải tự lo. Ngoài ra, bộ sách theo mô hình VNEN bộc lộ nhiều hạn chế nên rất ít trường đủ tự tin tham giá thí điểm.

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, năm nay, sở tổ chức thí điểm mỗi quận - huyện một trường áp dụng tinh thần VNEN. Năm học 2014-2015 sẽ nhân rộng mô hình này (dạy 2 buổi/ngày) đến các trường ở 5 huyện ngoại thành; năm 2015-2016 nhân rộng mô hình đến một số trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày ở các quận/huyện còn lại. Trường nào áp dụng phải đăng ký từ học kỳ I, thông báo để phụ huynh nắm rõ.

Ông Chương cho rằng dù là mô hình trường học nào cũng phải đặt quyền lợi của HS lên hàng đầu, chú trọng việc phát triển năng khiếu và phẩm chất của từng em. Chỉ khi làm được như thế, mô hình trường học, dù mới hay cũ, mới phát huy hết tác dụng.

Các trường phải tự lo kinh phí

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận sĩ số lớp đông gây khó khăn khi áp dụng mô hình VNEN vào thực tế. Ông Hiển cho rằng những lớp học quá đông (50-60 HS/lớp) thì nên có cơ chế tuyển thêm giáo viên hỗ trợ để bảo đảm việc dạy và học tốt nhất. Trước mắt, Bộ GD-ĐT khuyến khích việc này, còn cơ chế tuyển dụng thêm giáo viên thì có thể tính sau.

Ông Nguyễn Vinh Hiển cho biết kinh phí dự án chỉ bảo đảm hỗ trợ cho 1.447 trường tiểu học tham gia thí điểm. Trường nào muốn làm thêm thì phải tự lo kinh phí, dự án chỉ hỗ trợ trong công tác tập huấn giáo viên. Nếu trường nào không đủ điều kiện thực hiện ngay thì có thể thực hiện từng phần, như tổ chức lớp học hoặc sử dụng bộ sách của dự án.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh - Lan Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN