Mê hồn trận “cẩm nang” tuyển sinh ĐH, CĐ

Đầu tháng 3 tới, thí sinh (TS) dự thi ĐH, CĐ 2013 bắt đầu làm hồ sơ đăng kí dự thi. Hiện trên thị trường đã xuất hiện nhiều “cẩm nang” tuyển sinh. Tuy nhiên, rất nhiều TS vẫn có tâm lý chờ đợi cuốn “cẩm nang” chính thống do NXB Giáo dục phát hành.

Nhà nhà xuất bản “cẩm nang”

Đến thời điểm này, tại địa bàn Hà Nội, cuốn “Tìm hiểu các trường ĐH qua số liệu tuyển sinh” (khu vực phía Bắc và phía Nam do NXB Thống kê phát hành) được bày bán nhiều nhất. Nhân viên nhà sách Trí Đức (904 đường Láng) cho biết, mặc dù mới phát hành và giá bìa lên tới 42.000đ/cuốn nhưng đến sáng 21/2, cuốn sách này đã rất nhiều người mua. Ngọc Phương (đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) cho biết, em mua cuốn này để xem các số liệu tuyển sinh qua các năm. Đặc biệt, sách có cho TS biết có thể làm ngành gì nếu học trương ĐH đó.

Mê hồn trận “cẩm nang” tuyển sinh ĐH, CĐ - 1

Những cuốn "cẩm nang" hiện đang được bày bán rất nhiều ở các nhà sách tại Hà Nội. Ảnh: Hạnh Nguyên

Tại nhà sách Tiến Thọ (828 đường Láng), ngoài cuốn “Tìm hiểu các trường ĐH qua số liệu tuyển sinh”, còn có cuốn “Tìm hiểu hệ CĐ trong các trường ĐH và CĐ” (NXB Thống kê). Cuốn sách cung cấp một số lưu ý về tỉ lệ chọi; điểm trúng tuyển cùng một số lưu ý khi đăng kí dự thi, xét tuyển bổ sung; thông tin so sánh giữa các trường và cơ hội việc làm sau khi ra trường…

Một sinh viên Ngân hàng cũng cho ra mắt cuốn “Giá như tôi biết những điều này trước khi thi ĐH” với giá “khủng”, 72.000đ/cuốn. Cuốn sách viết về những sai lầm của TS khi chọn ngành thi ĐH và trường ĐH có phải là con đường duy nhất để thành công trong cuộc sống…

Ngoài ra, các báo cũng phát hành “cẩm nang”. Ngoài hai cuốn “Cẩm nang tuyển sinh ÐH, CÐ 2013” của Báo Tuổi Trẻ và Báo Thanh Niên, Báo Pháp luật TPHCM cũng tung ra cuốn “Đại học trong tầm tay”... Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi trong ngày 21/2, các cuốn “cẩm nang” do một số báo phát hành không bày bán ở các nhà sách tại Hà Nội.

Một số trường ĐH, CĐ cũng tự xây dựng “cẩm nang” cho riêng mình. ĐH Nguyễn Tất Thành cho ra mắt cuốn cẩm nang tuyển sinh 2013 của trường. Sách nêu đầy đủ thông tin về trường, các ngành nghề đào tạo, điều kiện học tập, sinh hoạt của sinh viên. Các trường không in ấn thành sách thì theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, phải công bố công khai các thông tin về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 trên trang thông tin điện tử của trường cùng mức học phí và đào tạo liên kết, liên doanh nếu có.

Nên chờ “những điều cần biết”

Như năm ngoái, năm nay, Bộ GD&ĐT cũng cho đăng tải bản “Những điều cần biết” điện tử trên kênh thông tin tuyển sinh ở trang web của Bộ theo địa chỉ www.moet.gov.vn.

Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục CNTT (Bộ GD&ĐT), việc tra cứu thông tin trên trang web này được hỗ trợ bởi cấu trúc thiết kế phù hợp với nhu cầu tìm kiếm thông tin của thí sinh. Tại đây, cung cấp những thông tin chính thức về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Thí sinh có thể tra tìm danh bạ các trường theo mã trường hoặc tìm kết hợp nhiều điều kiện: tên, loại trường, loại hình, địa phương… Đặc biệt, phiên bản điện tử còn hỗ trợ tìm ngành nghề phù hợp khả năng, đối tượng, khu vực chỉ trong nháy mắt.

Hiện cuốn “cẩm nang” được nhiều TS tin dùng và xem là chính thống trong mỗi kì tuyển sinh là “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013” vẫn chưa được phát hành. Năm 2012, Bộ GD&ĐT giao NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn tài liệu này trên cơ sở thông tin tuyển sinh của từng trường cung cấp. Đây là ấn phẩm được hầu hết các thí sinh chờ đợi, lựa chọn vì ngoài thông tin về khối thi, ngành thi, cuốn ‘cẩm nang” còn có lịch tuyển sinh, bảng kí hiệu đối tượng ưu tiên, bảng phân chia khu vực tuyển sinh của 63 tỉnh, thành phố, mã tuyển sinh tỉnh, thành phố, huyện, mã đăng kí dự thi…

Một nhân viên nhà sách Trí Đức (đường Láng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khoảng đầu tháng 3, cuốn “Những điều cần biết” của NXB Giáo dục mới được bày bán. Phụ huynh có thể tham khảo thêm những cuốn khác nhưng khi điền hồ sơ, nên chờ tài liệu chính thống này vì trong đó có nhiều điểm mà những cuốn “cẩm nang” khác không có. Em H. Anh (học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà  Nội) cho biết, em cũng mua một cuốn sách tham khảo khác nhưng chỉ đọc để so sánh số liệu qua từng năm, xác định xem mức chọi thế nào. Hiện em đang chờ cuốn “cẩm nang” của NXB Giáo dục để điền mã ngành, mã trường vào hồ sơ cho yên tâm, kẻo ảnh hưởng đến quá trình đăng kí.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Nguyên (Gia đình & Xã hội)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN