Mẹ già ngồi trên giường bệnh đau đớn nhìn cảnh 3 con gái cãi nhau việc chăm mình mà không ngại xỉa xói, miệt thị nhau vì không ai muốn ở lại

Sự kiện: Dạy con

Sau một hồi tranh cãi, ba chị em bắt đầu moi móc tật xấu của nhau, lôi cả mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu ra để mỉa mai nhau vì họ đều không được lòng mẹ chồng. Người mẹ bị bệnh ngồi bên cạnh can ngăn các con nhưng không ai nghe.

Theo trang 163, sự việc xảy ra tại Bệnh viện Nhân dân số 1 huyện Cẩm Cương, Thành Đô, Tứ Xuyên (Trung Quốc). Người nhà của một bệnh nhân đã ghi lại toàn bộ vụ tranh cãi giữa ba chị em về việc chăm mẹ ốm và đăng tải lên mạng xã hội, khiến nhiều người vô cùng bức xúc.

Từ đoạn video, có thể thấy người phụ nữ mặc áo hoa vàng đã chăm mẹ được 4 ngày và muốn hai người em còn lại thay ca. "Chị đã ở đây chăm sóc mẹ 4 ngày, giờ hai em cũng không chịu qua để thay phiên, có quá đáng lắm không?", người phụ nữ hỏi hai em.

Nghe vậy, hai người em lập tức phản bác lời chị gái. Cô em mặc áo xanh có họa tiết hình học nói: "Lần mẹ bị bệnh cách đây vài tháng, em đã đến chăm mẹ nhưng lúc đó chị đã ở đâu, không phải em đã gọi điện cho chị rồi sao?".

Ngay sau đó, cô em mặc áo đen cũng tỏ ý đồng tình: "Chẳng lẽ tôi chưa từng chăm mẹ sao? Chị chỉ nhớ lúc chị chăm mẹ thôi".

Ba cô con gái cãi nhau việc chăm mẹ khiến mẹ già bất lực.

Ba cô con gái cãi nhau việc chăm mẹ khiến mẹ già bất lực.

Sau một hồi tranh cãi, ba chị em bắt đầu moi móc tật xấu của nhau. Người phụ nữ áo hoa vàng chỉ trích hai em sống không biết điều nên khi bị ốm mới không có người đến thăm, không ai muốn kết giao cùng. Cô có 4 người bạn cùng lớp tới thăm khi bị ốm, còn hai em chỉ có người nhà.

"Chẳng lẽ chị ở bên cạnh tôi 24/24 để biết tôi có ai đến thăm hay sao? Lúc đồng nghiệp của tôi đến thăm chị đâu có ở đây", một trong hai cô em lập tức phản pháo. Tiếp đó, cả hai trách móc chị cả không đủ quan tâm đến mẹ già.

Cả ba sau đó lại lôi mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu ra để mỉa mai nhau vì họ đều không được lòng mẹ chồng.

Người mẹ bị bệnh ngồi bên cạnh, liên tục can ngăn các con nhưng không ai thèm nghe. Cuối cùng bà chỉ đành im lặng, nhìn ba cô con gái trách móc nhau, vạch trần những khuyết điểm của nhau.

Một y tá vào thay thuốc cho bệnh nhân, thấy ba người phụ nữ cãi nhau thì yêu cầu họ im lặng vì người già cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên, ba người phụ nữ hoàn toàn phớt lờ lời nói của y tá. Cuộc cãi vã chỉ kết thúc khi người phụ nữ mặc áo hoa vàng giận dữ bỏ đi.

Sự việc được đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người xót xa. Có người cho rằng, nguyên nhân dẫn tới việc ba con cãi nhau có thể là do cha mẹ đã thiếu công bằng khiến các con tị nạnh. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì cũng không nên cãi nhau trong viện.

"Mẹ già đang nằm điều trị, việc cãi nhau của các con sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi bệnh. Bên cạnh đó, những bệnh nhân khác cũng cần yên tĩnh để có thể nghỉ ngơi", một người bày tỏ ý kiến.

Một người khác lại xót xa: "Đúng là, một mẹ có thể nuôi được mười người con, nhưng mười con không thể nuôi nổi một mẹ. Thực tế quá đau buồn và phũ phàng".

Có 3 kiểu giáo dục gia đình thất bại khiến con cái ngày càng bất hiếu với cha mẹ

Mọi đứa trẻ sinh ra đều trong sáng và hoàn hảo. Khi một đứa trẻ ngày càng thiếu tôn trọng cha mẹ thì chính cha mẹ phải suy nghĩ lại về những sai lầm trong quá trình giáo dục của mình.

Khi con cái không kính trọng cha mẹ, thường là do 3 vấn đề này trong giáo dục gia đình:

1. Cha mẹ chiều con quá mức

Một cậu bé nổi giận, cắn vào tay, chân mẹ vì mẹ không chịu mua cho món đồ chơi yêu thích. Càng quát, cậu bé càng gào khóc ăn vạ, và cào, cắn mẹ nhiều hơn.

Vì sao con lại dám cắn cha mẹ? Chắc hẳn ai cũng hiểu chân lý này, đó là chính việc nuông chiều quá mức dẫn đến sự ương ngạnh, kiêu ngạo của con. Cha mẹ cần hiểu rằng, chiều chuộng quá mức là đang hại con. Cách nuôi dạy này nhìn bề ngoài thì là yêu thương nhưng thực chất rất bất lợi cho sự phát triển sau này của trẻ. Không hề nói quá khi cho rằng nó thậm chí sẽ phá hủy tương lai của trẻ.

Có một quan điểm nuôi dạy con từng được nhiều người đồng tình. Đó là khi con còn nhỏ, cha mẹ không được quá... coi trọng, không được để con có vị trí quá cao trong gia đình. Nếu không đến khi bạn về già, con sẽ không coi trọng bạn. Hiểu một cách đơn giản, cha mẹ đừng cho rằng con là nhất, mọi người, mọi việc trong nhà lúc nào cũng phải xoay quanh nhu cầu, sở thích của con.

Ảnh minh họa: shutterstock

Ảnh minh họa: shutterstock

2. Cha mẹ thường xuyên bất hòa, không tôn trọng nhau

Cha mẹ đối xử với nhau như thế nào, con cái đều nhìn thấy rõ và ghi nhớ trong lòng. Nói về điều này, một nhà giáo dục trẻ em nổi tiếng chia sẻ: "Đôi mắt của trẻ em là máy ảnh, và bộ não của chúng là máy ghi âm. Lời nói và việc làm của bạn sẽ khắc sâu vào trái tim chúng".

Những gì cha mẹ có thể cho con cái không chỉ là một gia đình hoàn chỉnh (có đầy đủ thành viên), mà còn phải là một gia đình trọn vẹn (nơi cha mẹ yêu thương, tôn trọng nhau và cùng góp ý để con cái phát triển lành mạnh).

3. Cha mẹ không tôn trọng con cái

Một cô gái từng trải qua chuyện rất đau lòng khi còn nhỏ. Trong một chuyến thăm họ hàng, khi trở về, bố cô gái vì mệt nên chở mẹ và các em về trước. Còn cô gái ở tạm nhà dì, chờ bố mẹ đón sau.

Tối đó, cô không may đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên và bị dây vết bẩn ra quần. Hôm sau, người dì đã kể lại với mẹ của cô gái. Thay vì được mẹ an ủi, cô lại bị mắng nhiều lời lẽ khó nghe. Cô không hiểu mình sai ở đâu, nhưng cũng không dám cãi vì cãi sẽ bị mẹ đánh. Sự tổn thương đến từ người thân thiết nhất khiến cô gái bị ám ảnh tâm lý.

Sau này trưởng thành, kết hôn, cô gặp được người chồng yêu thương mình hết mực. Nghĩ đến gia đình, cô lại chạnh lòng. Sự tồn tại của gia đình đối với cô không hề có cảm giác ấm áp, chỉ toàn là bạo lực và thờ ơ.

Thực tế, nhiều cha mẹ không hề tôn trọng con cái. Họ cho rằng, mình cho con cơm ăn, áo mặc, đi học tử tế thì đương nhiên con phải nghe lời. Còn những đứa trẻ, chúng thực sự rất đáng thương, không có nơi nào để trút nỗi đau và chỉ có thể giữ hết những cảm xúc tồi tệ trong lòng. Lâu dần, trẻ dần chán ghét gia đình, trái tim cũng khô cằn...

Nguồn: [Link nguồn]

10 kiểu nuôi dạy con cái phổ biến nhất hiện nay

Bạn hãy kiểm tra thử mình đang nuôi dạy con cái theo kiểu nào, có tích cực hay là tiêu cực?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bách Hợp ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN