Mẹ cậu bé tự kỷ và câu nói ai nghe cũng chảy nước mắt

Sự kiện: Giáo dục

“Tôi chỉ cần Bo được đến trường, được cảm nhận về một trường học thực sự, có sân trường rộng, có thầy cô, bạn bè. Tôi cũng từng nói, nếu sợ nhận Bo mà ảnh hưởng đến thành tích của trường, của lớp thì có thể không để tên Bo trong danh sách cũng được…” - Đó là lời tâm sự của chị Hiền có con mắc chứng tự kỷ.

Mẹ cậu bé tự kỷ và câu nói ai nghe cũng chảy nước mắt - 1

Lần duy nhất từ khi sinh ra đến nay Bo được đến trường, vui chơi, học tập thực thụ. Ảnh: M.Trà

“Cuộc chiến” tìm nơi học cho con

Đó là những dòng chia sẻ tận đáy lòng của chị Đỗ Minh Hiền (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) có con trai là bé Ngô Huy Đức Anh (SN 2011, tên thường gọi ở nhà là Bo) về mong muốn con được đến trường, được cảm nhận về một trường học thực thụ. Ở đó có sự yêu thương của thầy cô giáo, của các anh chị, bạn bè cùng trang lứa và hơn hết là sự trải nghiệm mới mẻ của Bo. Từ đó, chị Hiền mong muốn cậu bé Bo có thể từng bước hòa nhập, lớn lên và trưởng thành như những đứa trẻ bình thường.

Dành những điều tuyệt vời nhất cho con là điều thường thấy ở các bậc cha mẹ nhưng với những người mẹ có con mắc chứng tự kỷ không chỉ dừng lại ở sự yêu thương, chăm sóc vô bờ mà còn là sự cảm thông, thấu hiểu là người bạn, người thầy, người dẫn đường chỉ lối để con mình có thể hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.

Chị Hiền chia sẻ: “Khi Bo được 18 tháng tuổi, gia đình nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên về chứng tự kỷ, nhưng có lẽ lỗi do bản thân bởi cứ nghĩ rằng khi con lớn lên sẽ như những đứa trẻ bình thường”. Bo cứ thế lớn lên nhưng trái tim non nớt vẫn chưa chịu lớn theo, chị Hiền cũng như gia đình bắt đầu tìm hiểu về phương pháp cũng như cách thức để chăm sóc và giúp Bo có thể trưởng thành hơn.

Con đến tuổi đi học cũng là lúc chị Hiền chính thức bước vào cuộc chiến chọn trường, chọn lớp. Chị Hiền chia sẻ: “Lẽ ra, Bo đã đi học lớp 1 từ năm 2017 nhưng tôi quyết định lùi thời gian lại một năm. Mục tiêu lớn nhất tôi dành cho Bo là tìm kiếm cơ hội để được hòa nhập. Thế nhưng, tất cả các trường tư tôi tiếp cận đều từ chối dù họ còn chưa gặp Bo, không biết tình trạng của Bo, còn chưa biết cả mong muốn của mình là gì. Tôi chỉ cần Bo được đến trường, được cảm nhận về một trường học thực sự, có sân trường rộng, có thầy cô, bạn bè... Tôi cũng từng nói, nếu sợ nhận Bo mà ảnh hưởng đến thành tích của trường, của lớp thì có thể không để tên Bo trong danh sách cũng được. Tóm lại, không cần gì ngoài cơ hội cho Bo”.

Chị Hiền cho biết: “Từ trường dân lập đến trường quốc tế đều từ chối Bo. Họ nói con cần môi trường phù hợp! Không cho một đứa trẻ có cơ hội hoà nhập thì gọi là phù hợp sao? Bo mới bước sang tuổi thứ 7. Bo còn cả tương lai phía trước. Mà tương lai ấy, chắc chắn không phải lúc nào cũng có mẹ bên cạnh để lo cho Bo. Tìm cơ hội cho con cũng là tìm sự thanh thản cho chính mình khi sau này hai mẹ con không thể ở bên nhau nữa. Cũng là tìm cơ hội cho chị gái nhỏ của Bo bớt áp lực chăm lo cho em. Những trường tôi tìm đến có thể từ chối Bo và tôi sẽ chấp nhận điều này nếu trước đó họ đã cho Bo một cơ hội”, chị Hiền nói.

Cuối cùng chị Hiền cũng tìm được cho con một môi trường dạy trẻ tự kỷ phù hợp, nhưng trong trái tim của người mẹ vẫn mong muốn con được học ở môi trường thực thụ. Ở ngôi trường đó, con có bạn, được vui chơi, chạy nhảy, tham gia các hoạt động thể thao…

Một ngày đến trường của Bo

Mẹ cậu bé tự kỷ và câu nói ai nghe cũng chảy nước mắt - 2

Chị Hiền hi vọng cậu bé Bo sẽ khởi xướng cho dự án dành cho trẻ nhỏ khác mắc chứng tự kỷ.

“A school day Bo – Một ngày đến trường của Bo” là tên dự án được chị Hiền cùng nhóm học sinh Vinschool The Harmony thực hiện. Chia sẻ về dự án này, chị Hiền cho biết: “Cách đây hơn một năm, một học sinh của trường biết thông tin và những tâm tư nguyện vọng của tôi nên đã đề cập về việc thực hiện dự án với mong muốn giúp những đứa trẻ như Bo được trải nghiệm một ngày đến trường thực thụ. Mình mong muốn thực hiện chiến dịch truyền thông về tự kỷ, không phải để phủ nhận hiệu quả của các hoạt động hiện tại, mà mình muốn thử cách tiếp cận mới với góc độ mới. Mục tiêu cuối cùng hướng tới là cơ hội cho trẻ tự kỷ, cả trong học tập và cơ hội tự chăm lo cho bản thân”.

Chị Hiền chia sẻ: “Sau khi nhận được đề xuất của dự án của nhóm học sinh, bản thân tôi rất vui mừng cũng như hạnh phúc. Chúng tôi đã bàn bạc và gặp gỡ nhau rất nhiều lần. Nhóm học sinh thuộc dự án cũng đã nhiều lần tiếp xúc, chơi cùng Bo tại một trường mà nơi con đang theo học. Tôi mong muốn thực hiện chiến dịch truyền thông về tự kỷ, không phải để phủ nhận hiệu quả của các hoạt động hiện tại, mà mình muốn thử cách tiếp cận mới với góc độ mới. Mục tiêu cuối cùng hướng tới là cơ hội cho trẻ tự kỷ, cả trong học tập và cơ hội tự chăm lo cho bản thân. Tôi làm vì Bo và những người bạn như con. Mình làm vì mình và những người cha mẹ cùng hoàn cảnh…”.

Chiều 8/3, chị Hiền đưa Bo đến trường. Đây cũng là ngày đến trường làm Bo hứng thú nhất từ khi sinh ra đến nay. Bo được hòa mình vào một môi trường thực thụ, được vui chơi, được quan tâm, được yêu thương… Bo được các anh chị trong dự án cũng như trong trường cho tham gia các hoạt động ngoại khóa, trò chơi vận động, trò chơi thể thao. Thoạt nhiên, nếu nhìn những cử chỉ, động tác và niềm vui, niềm thích thú của cậu bé Bo ít ai nghĩ rằng Bo mắc chứng tự kỷ. Bởi, ở môi trường mới mẻ này, Bo được quan tâm, được vui đùa, được giao tiếp và hơn hết đó là sự cảm thông, thấu hiểu của những anh chị lớn hơn.

Chứng kiến cảnh con trai mình được vui chơi với nhiều hoạt động, chị Hiền không giấu được xúc động: “Tôi nghĩ mình làm được và chắc chắn những bậc cha mẹ có con mắc chứng tự kỷ làm được. Đó là “một ngày đến trường của Bo” và cũng là rất nhiều ngày đến trường của các trẻ em khác đang mắc chứng tự kỷ”.

Người mẹ 10 năm theo con tự kỷ đến lớp

Một thanh niên ở Tứ Xuyên, Trung Quốc tên là Bao Han vừa trở thành sinh viên tự kỷ đầu tiên vào đại học. Để đạt được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mộc Trà ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN