Mách nước làm bài thi đánh giá năng lực

Các chuyên gia tư vấn cụ thể cho thí sinh về cách làm tốt bài thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục đại học trong mùa tuyển sinh năm nay.

Thí sinh có thể an tâm tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học. Ảnh: Diệp An

Thí sinh có thể an tâm tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của các trường đại học. Ảnh: Diệp An

Ðề thi nằm trong kiến thức phổ thông

Ngày 10/3, một số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) năm 2021 có buổi giao lưu trực tuyến, giải đáp nhiều thắc mắc của thí sinh. Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, các câu hỏi bài thi ĐGNL tập trung vào kiến thức cơ bản của chương trình THPT, không đánh đố, làm khó thí sinh. Phần lớn tập trung vào nhóm kiến thức chuyên môn thuộc lớp 12 và một lượng nhất định kiến thức lớp 10 và lớp 11.

Câu hỏi của phần Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội (KHTN - KHXH) thuộc kiến thức lớp 11 và 12. PGS.TS Trần Tiến Khoa, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM, cho hay, kỳ thi ĐGNL của trường được tổ chức hai ngày 29-30/5. Mỗi thí sinh dự thi 2 môn thi bắt buộc (Toán, Tư duy logic) và 1 môn tự chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Tiếng Anh). Kiến thức sử dụng để thi thuộc chương trình THPT, tập trung vào lớp 12. PGS. Khoa khuyên thí sinh tập trung ôn thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và 2 môn thi ĐGNL của trường ĐH Quốc tế.

TS. Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lương đào tạo, ĐH Quốc gia TPHCM, khẳng định, bài thi của ĐH Quốc gia TPHCM được xây dựng theo định hướng ĐGNL cơ bản của thí sinh (sử dụng ngôn ngữ, xử lý số liệu, tư duy logic, giải quyết vấn đề), không đánh giá khả năng nhớ kiến thức. Chính vì vậy, bài thi sẽ yêu cầu kiến thức ở phạm vi khá rộng, bao phủ gần như tất cả các môn học trong chương trình phổ thông. Đề thi không yêu cầu thí sinh thuộc kiến thức nên đa số câu hỏi đều cung cấp dữ liệu và yêu cầu thí sinh xử lý để trả lời.

TS. Chính nhắc thí sinh không nên học lệch, học tủ mà nên tiếp cận học tập theo hướng toàn diện, phương pháp học tập khoa học, có hệ thống, học đều các môn, lập luận, đánh giá, phản biện, không chỉ chấp nhận kiến thức. “Để có được kết quả tốt, thí sinh cần thời gian để học và ôn tập, không phải khi thi mới bắt đầu. Kỳ thi đã gần kề, thí sinh không nên nạp thêm kiến thức mà nên hệ thống hóa lại những kiến thức đã có”, TS. Chính nói.

Thêm cơ hội trúng tuyển

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, đề thi ĐGNL của trường gồm 3 phần: phần 1 là Toán (trắc nghiệm và tự luận), phần 2 là đọc hiểu (trắc nghiệm), phần 3 là tự chọn (trắc nghiệm). Tại phần 3, thí sinh có thể chọn 1 trong 3 nội dung Lý và Hóa, Hóa và Sinh, tiếng Anh. Thí sinh cần phân bổ thời gian và có chiến lược ôn tập phù hợp. Nếu thế mạnh là các môn tự nhiên thì cần đầu tư thêm thời gian ôn tập các môn xã hội để tham gia các bài thi ĐGNL nói chung đạt kết quả cao. Khác với năm 2020, năm nay, kết quả kỳ thi ĐGNL do trường tổ chức sẽ được dùng để xét tuyển sinh độc lập với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Do đó, thí sinh có thêm một cơ hội nữa để xét tuyển vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khẳng định, việc thi ĐGNL và tuyển sinh hoàn toàn tách biệt. Thí sinh có thể sử dụng kết quả tốt nhất để nộp đơn xét tuyển vào ngành đào tạo mong muốn. Các trường, các khoa thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ quan tâm đến điểm thi, không quan tâm đến số lần thí sinh dự thi. Đợt 1 kỳ thi ĐGNL được ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào tháng 5.

GS. Thảo lưu ý, thí sinh cần điền đầy đủ thông tin, chọn ngày thi phù hợp. ĐH Quốc gia Hà Nội có quy định về vật dụng được mang vào phòng thi như máy tính đơn giản (không có thẻ nhớ). Thí sinh ôn tập kỹ phần kiến thức cơ bản của lĩnh vực KHTN, KHXN, Toán, Văn là có thể hoàn thành tốt bài thi. Năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển như là một phương thức mới và tất cả các ngành đào tạo đều dành chỉ tiêu để xét tuyển.

GS. Thảo thông tin, ngân hàng đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội đủ lớn để thực hiện nhiều đợt thi trong năm. Việc cân bằng độ khó giữa các câu hỏi thi, đề thi phải thực hiện đối với bất kỳ bài thi ĐGNL nào. Bài thi ĐGNL gồm 3 phần. “Để đạt được điểm cao, thí sinh phải thực hiện tốt cả 3 phần, không ưu tiên phần nào. Kiến thức kiểm tra của 3 phần là những kiến thức cơ bản trong chương trình THPT. Để đạt điểm Toán cao hay bất kì môn nào, thí sinh phải ôn tập kĩ kiến thức, khi làm bài cần đọc kĩ đề để đưa ra đáp án phù hợp nhất”, GS. Thảo nhấn mạnh.

Lượng thí sinh đăng ký thi Đánh giá năng lực tăng cao kỷ lục

Kết thúc đợt 1, ĐH Quốc gia TP.HCM ghi nhận hơn 70.000 thí sinh đăng ký dự thi Đánh giá năng lực, cao nhất từ khi có kỳ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN