Lý, tình trong vụ cấm học vì phôtô giáo trình
Về lý, sinh viên phôtô giáo trình là sai nhưng căn cứ cấm học chưa ổn; về tình, buộc một sinh viên nghèo dừng học chỉ vì sinh viên này phôtô giáo trình là bất nhẫn.
Chiều 14-2, Trường Đại học (ĐH) Luật TP.HCM phát đi thông cáo báo chí về vụ đình chỉ học tập một năm đối với sinh viên (SV) phôtô tám cuốn giáo trình. Trong thông cáo, trường này khẳng định vẫn kiên quyết đình chỉ học tập cô SV phôtô giáo trình.
“Phôtô 8 cuốn nghĩa là vi phạm 8 lần”
Trong thông cáo, ĐH Luật khẳng định: “Nhà trường kiên quyết xử lý để ngăn chặn nhằm cảnh báo, tăng tính hiệu quả giáo dục, giúp SV nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là đối với SV ngành luật - những người trong tương lai có thể trở thành những người bảo vệ, thực thi công lý”.
“Có ý kiến cho rằng đây là một hình thức kỷ luật quá nghiêm khắc. Chúng tôi cho rằng đối với SV này, nếu việc vi phạm chỉ mang tính hiện tượng, vi phạm lần đầu và duy nhất thì đây có thể xem là một hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Tuy nhiên, SV NTNA đã nhiều lần phôtô nhiều giáo trình của nhà trường, không những chỉ để sử dụng cho cá nhân mà còn chuyển giao để người khác tiếp tục sử dụng” - thông cáo nêu.
Thông cáo nhấn mạnh: “Nữ SV này đang học năm thứ hai và đã phôtô tám cuốn sách của tám đầu giáo trình khác nhau, nghĩa là SV này không chỉ vi phạm một lần mà là tám lần trong tám môn học khác nhau. Không những thế, SV này còn lôi kéo các SV khác vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, chuyển giao lại các tác phẩm vi phạm bản quyền cho SV năm thứ nhất. Dù bạn SV năm thứ nhất đã từ chối nhận vì biết là vi phạm nội quy của nhà trường, nữ SV này vẫn khuyến khích và thuyết phục để bạn SV năm thứ nhất nhận giáo trình phôtô”.
Thông cáo cho rằng hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH có quyền căn cứ nội dung của quy chế này xây dựng quy chế, quy định cụ thể về công tác SV phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn công tác tổ chức giáo dục và đào tạo của nhà trường.
Sinh viên tham khảo tài liệu trong thư viện. Ảnh: TL
Phôtô để học là sai nhưng kỷ luật quá nặng
Luật sư (LS) Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng LS Phạm và Liên danh (nơi có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ), khẳng định việc phôtô sách, giáo trình để học tập là vi phạm bản quyền.
Nhiều người cho rằng giáo trình không phải là tác phẩm sáng tác “cao siêu” gì để mà bảo hộ bản quyền. Hiểu vậy là sai! LS Khánh Toàn phân tích: Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình... Điều 28 luật này cũng quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm “sao chép tác phẩm mà không được phép”, “phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép”...
“Tuy nhiên, không phải việc sao chép nào cũng sai. Luật có cho phép một số trường hợp được sao chép, trong đó “tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân” thì không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao (Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ). Sao chép một bản là trọn bản, 100% các trang đều được chấp nhận. Do luật không cho sao chép nhằm mục đích “học tập” nên việc SV sao chép để học là vi phạm bản quyền.
LS Châu Huy Quang (Công ty RAJAH & TANN LCT, chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ) phân tích: Đúng là nữ SV này có vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nặng lắm thì cô cũng chỉ bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả. Hoặc cô phải bồi thường dân sự nếu tác giả, chủ sở hữu chứng minh được thiệt hại và rằng việc sao chép tác phẩm của nữ sinh này làm ảnh hưởng đến quyền khai thác thương mại của họ. “Việc ĐH Luật TP.HCM căn cứ nội quy riêng để buộc ngưng học một năm là quá khắt khe. Chế tài này cũng không phù hợp để xử lý đối với hành vi vi phạm quyền tác giả” - LS Quang nhận định.
Căn cứ pháp lý của trường không vững
ThS Trần Tuấn Duy (Học viện Cán bộ TP.HCM) phân tích: Hành vi phôtô của em SV này rõ ràng đã vi phạm khoản 2 Điều 8 nội quy nhà trường. Tuy nhiên, xét theo quy chế SV (ban hành kèm Thông tư 10/2016 của Bộ GD&ĐT) thì hành vi của em này có thể chỉ bị khiển trách hoặc tối đa là cảnh cáo vì em mới vi phạm lần đầu.
Thông tư 10 không liệt kê cụ thể vi phạm bản quyền nhưng có ghi “vi phạm khác”. Theo khoản 3 Điều 9 thì hình thức đình chỉ học tập chỉ áp dụng ba trường hợp: Một là đang bị cảnh cáo mà vẫn vi phạm; hai là vi phạm nghiêm trọng các hành vi SV không được làm; ba là vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Trường hợp SV NTNA là vi phạm lần đầu. Trước đó SV này chưa từng bị nhắc nhở, chưa từng bị kỷ luật khiển trách, cũng chưa từng bị cảnh cáo. SV này cũng không bị phạt tù vì xâm phạm bản quyền (trường hợp ba). Lập luận của nhà trường “phôtô tám lần nghĩa là vi phạm tám lần” là hoàn toàn không chính xác.
“Liệu việc phôtô tám cuốn giáo trình khác nhau để học và mang tặng người khác có bị xem là trường hợp thứ hai “vi phạm nghiêm trọng các hành vi SV không được làm” theo nội quy của Trường ĐH Luật TP.HCM? Dựa trên tiêu chí nào mà trường đánh giá việc phôtô tám cuốn giáo trình là vi phạm nghiêm trọng? Nếu trường không có quy định rõ ràng từ trước thì việc xử lý nặng như vậy là không phù hợp” - ThS Trần Tuấn Duy nói.
Cũng cần lưu ý thêm rằng Thông tư 10/2016 ban hành năm 2016, còn nội quy của ĐH Luật lại có từ năm 2012. Đúng ra, sau khi có Thông tư 10/2016 thì nhà trường cần ban hành nội quy mới để cụ thể hóa thông tư này và làm căn cứ để xử lý vi phạm của SV.
“Một quyết định kỷ luật nếu chưa đạt về tình cũng phải ổn về lý; đằng này cả lý và tình đều chưa ổn thì quyết định ấy cần phải được Bộ GD&ĐT xem lại” - một chuyên gia luật chia sẻ.
Góc nhìn khác về bản quyền giáo trình đại học Vấn đề nhiều người hay thắc mắc là làm sao phân biệt “học tập” với “nghiên cứu khoa học”. Trong giới chuyên môn đã có khá nhiều tọa đàm, hội thảo bàn luận về việc phôtô sách để học tập. Có thể phân tích để hiểu thế này: Giáo trình là để cho ai? Giáo trình của một trường chủ yếu là phục vụ việc học của sinh viên (SV) trường đó. Thậm chí cùng một môn nhưng trường A dùng giáo trình của trường A, trường B dùng giáo trình trường B, không dùng giáo trình của nhau. SV, học sinh là đối tượng chính mà giáo trình phục vụ, nhắm đến. Vậy nếu SV được pháp luật cho phép phôtô một bản giáo trình cho tất cả giáo trình, cho toàn bộ năm học thì giáo trình bản quyền gốc sẽ bán cho ai? Vấn đề không phải việc kinh doanh giáo trình mà là tác quyền phải trả cho những người tham gia viết giáo trình đó, in giáo trình đó và sự tôn trọng bản quyền... Nếu SV được quyền phôtô thì nhà trường lại không thể soạn giáo trình nữa vì không bán được, không có tiền để trả tác giả viết sách. Nó là một vòng luẩn quẩn, không thúc đẩy được sáng tạo, nâng cao sáng tạo, giá trị sáng tạo. Như vậy, về tình, về lý thì phôtô giáo trình để học là vi phạm bản quyền. Vậy vấn đề ở đây tại sao lại cho phôtô để “giảng dạy”? Hiểu nôm na là SV thì không được phôtô, còn giảng viên lại được. Giảng viên sử dụng giáo trình để tham khảo, để làm tài liệu, phục vụ một phần cho bài giảng của mình. Thậm chí giảng viên phải giảng theo giáo trình, sách giáo khoa, không được lệch đi nhiều. Giảng viên không hoàn toàn lệ thuộc, không chỉ dựa vào một quyển giáo trình, không lấy toàn bộ giáo trình để giảng dạy. Vì vậy cho phép giảng viên sao chép một bản để phục vụ mục đích giảng dạy là có lý. Tuy nhiên, pháp luật cũng đã rào trước đón sau. Cũng ở Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ có thòng thêm khoản 2, tuy cho phép nhưng có điều kiện là “không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”. Như vậy, nếu thấy việc sao chép của giảng viên mà gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu thì tác giả, chủ sở hữu có quyền ngăn cản. Tuy nhiên, việc ngăn cản nhằm bảo vệ quyền lợi của mình cũng phải tuân thủ pháp luật. Không thể vì muốn ngăn chặn triệt để, muốn răn đe nhiều SV khác mà kỷ luật cô nữ SV nặng nề, chưa thấu lý đạt tình như cách mà ĐH Luật TP.HCM đã làm. Quỳnh Như Bộ Giáo dục yêu cầu ĐH Luật báo cáo Chiều 14-2, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đang đề nghị Trường ĐH Luật TP.HCM báo cáo cụ thể, chi tiết việc đình chỉ học một năm đối với SV NTNA do phôtô giáo trình. Trước đó, sáng 14-2, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã gửi câu hỏi tới Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về quan điểm của Bộ xung quanh sự việc này. Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đã giao việc xử lý thông tin cho Vụ Công tác học sinh SV. Trả lời PV, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh SV, cho biết hiện vụ này đang chờ nghe báo cáo từ phía ĐH Luật TP.HCM và sẽ thông tin chi tiết tới báo sau. H.Giang Tin giờ chót: Có thể được giảm mức kỷ luật Tối 14-2, thông tin từ các đồng nghiệp Truyền hình Quốc hội thì trong cuộc trao đổi với phóng viên Truyền hình Quốc hội tại TP.HCM, vào phút cuối của cuộc trao đổi, trước câu hỏi liệu mức kỷ luật đấy có quá nặng không và liệu trường có thay đổi án kỷ luật với nữ sinh phôtô giáo trình không, sau một chút cân nhắc, bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đã trả lời: “Căn cứ vào sự thành khẩn của SV, xem xét dư luận, cân nhắc giữa lý và tình, tôi đã chỉ đạo hội đồng kỷ luật xem xét lại vụ này. Và nếu nữ sinh phạm khuyết điểm có đơn xin được giảm mức kỷ luật thì hội đồng sẽ nghiên cứu và rất có thể mức kỷ luật sẽ thay đổi”. Đức Hiển |