Lý do thí sinh chọn vào ngành sư phạm tăng vọt

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Điểm sàn cao, số lượng nguyện vọng xét tuyển tăng mạnh khiến điểm chuẩn nhiều ngành sư phạm được dự báo sẽ biến động theo hướng tăng.

Trong mùa tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2024, khối ngành sư phạm (đào tạo giáo viên) thu hút sự quan tâm của xã hội khi có những kết quả xét tuyển ban đầu nhiều khả quan.

Bởi đây là khối ngành duy nhất mà theo quy định phải do Bộ GD&ĐT xác định chỉ tiêu cho từng trường trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu tuyển dụng giáo viên của từng địa phương và cả nước.

Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh nhất

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH và xét tuyển CĐ ngành Giáo dục mầm non (tương đương 68,5% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024).

Theo Bộ GD&ĐT, đây cũng là năm có số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH cao nhất trong ba năm qua.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ gần đây, so với năm trước, lựa chọn nghề nghiệp của người học có thay đổi theo hướng bám sát thị trường lao động hơn.

Thống kê cho thấy ở 24 lĩnh vực với 400 ngành đào tạo, số thí sinh đăng ký nhiều nhất vào sáu khối ngành, lần lượt là kỹ thuật công nghệ, máy tính, công nghệ thông tin, sư phạm, nhân văn, sức khỏe.

Trong đó, so với năm 2023, có ba lĩnh vực có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất. Đứng đầu là khối ngành khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85% (tương đương tăng khoảng 200.000 nguyện vọng) nên dự kiến điểm chuẩn ngành này sẽ tăng.

Theo Bộ GD&ĐT, một trong những nguyên nhân cho thấy sự quan tâm của các em trong ngành sư phạm nhiều hơn nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí.

Cụ thể, theo Điều 4, Nghị định 116/2020 của Chính phủ, sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Đồng thời, sinh viên được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học với điều kiện ra trường phải công tác trong ngành giáo dục.

Ngoài ra, theo một số trường đào tạo sư phạm, sức hút thí sinh vào ngành sư phạm năm nay còn do những chính sách điều chỉnh lương căn bản, phụ cấp đối với nhà giáo.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh và ngành học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: NT

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh và ngành học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: NT

Học sinh thật giỏi mới trúng tuyển

Thực tế ghi nhận tại các cơ sở đào tạo khối ngành sư phạm cho thấy số nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm nay tăng đáng kể. Cộng với chỉ tiêu các ngành sư phạm hạn chế nên các trường cũng chủ động đưa mức điểm sàn khá cao và dự kiến điểm chuẩn cũng sẽ biến động theo hướng tăng.

Về vấn đề này, TS Lê Văn Nhương, Phó Trưởng Khoa sư phạm của Trường ĐH Cần Thơ cho biết Khoa Sư phạm của trường đang đào tạo 13 ngành. Năm nay tăng thêm 03 ngành nhưng mới tuyển sinh hai ngành là sư phạm Khoa học tự nhiên và Giáo dục mầm non, còn ngành sư phạm Lịch sử - Địa lý sang năm mới tuyển sinh.

Theo TS Nhương, khoảng hai năm trở lại đây, chỉ tiêu bị “bóp” lại dẫn đến tình trạng điểm tuyển sinh ngành sư phạm cực cao, có ngành tuyển 26-27 điểm/3 môn, tức là ngành nào lấy 27 điểm thì các em thi phải đạt 9 điểm/môn mới vào được sư phạm. Tính cạnh tranh ngành sư phạm rất cao, trường phải tính tới 0,1 điểm để có thể tuyển đúng chỉ tiêu Bộ GD&ĐT giao, nếu tăng 0,1 điểm thôi thì có thể tăng tới vài chục em.

Năm học 2023-2024, tỉ lệ chọi ngành sư phạm thấp nhất khoảng 1/15, cao nhất khoảng 1/50.

Cụ thể như năm vừa rồi, chỉ tiêu sư phạm hầu hết các ngành (trừ Giáo dục tiểu học, Giáo dục thể chất, sư phạm Toán, tiếng Anh và Ngữ văn) đều chỉ 20 chỉ tiêu.

“Việc này có thuận lợi là trường tuyển được các em rất giỏi, đầu vào điểm rất cao, không có ngành nào dưới 20 điểm, trung bình khoảng 25 điểm nên ngành sư phạm tuyển được các em có chất lượng” - TS Nhương chia sẻ.

Riêng năm nay, theo TS Nhương, ngành mới là Giáo dục mầm non được giao chỉ tiêu có 20 em nhưng đã có 230 em đăng ký thi năng khiếu để xét tuyển nên khả năng phải là những em rất xuất sắc mới trúng tuyển.

Còn với các ngành khác, theo dự đoán của TS Nhương, số lượng nguyện vọng vào ngành sư phạm của Trường ĐH Cần Thơ năm nay không giảm so với năm rồi, điểm trúng tuyển dự kiến sẽ tăng. Lý do là khi tư vấn tuyển sinh, số lượng các em hỏi vào ngành sư phạm rất đông, một số em có năng lực thật sự. Cạnh đó, một số học sinh giỏi các nơi thuộc diện tuyển thẳng đã nộp hồ sơ trong khi chỉ tiêu lại hạn chế.

Riêng tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, theo TS Huỳnh Trung Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và phụ trách truyền thông trường, năm nay trường có mức tăng mạnh về số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường lên đến 120% so với năm trước, với hơn 51.000 nguyện vọng của hơn 31.000 thí sinh.

Cạnh đó, số lượng thí sinh trúng tuyển thẳng đã nhập học vào trường đạt 46/107 em, chiếm 43%.

TS Phong cho rằng với số liệu này thì nguyện vọng xét tuyển vào trường bằng bất kỳ phương thức nào cũng đều tăng. Số lượng chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT của các ngành dao động từ 10-60% theo đúng đề án tuyển sinh.

Tuy nhiên, theo TS Phong, với tình hình hiện nay thì điểm chuẩn hầu hết các ngành chỉ có thể từ giữ nguyên cho đến tăng vì điểm chuẩn cần cân nhắc trên nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là số lượng nguyện vọng nộp vào từng ngành.

Chỉ tiêu sư phạm giảm mạnh ở nhiều trường

Theo quy định hiện nay, nhóm ngành sư phạm phải do Bộ GD&ĐT xác định chỉ tiêu cho từng trường trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu tuyển dụng giáo viên của từng địa phương và cả nước. Do đó, mặc dù các trường sư phạm đưa ra chỉ tiêu dự kiến khá cao theo năng lực đào tạo nhưng hàng năm, khi Bộ GD&ĐT xét duyệt lại thì chỉ tiêu ở nhiều trường đều phải giảm.

Như năm 2024 này, theo quyết định của Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM giảm khoảng 300 so với đăng ký trước đó.

Trường ĐH Sài Gòn giảm khoảng hơn 200 chỉ tiêu. Trong đó, nhiều ngành giảm mạnh như sư phạm tiếng Anh, sư phạm Toán học, sư phạm Ngữ văn, sư phạm Vật lý…

Trường ĐH Cần Thơ giảm gần 500 chỉ tiêu, xuống còn 624 chỉ tiêu.

Nguồn: [Link nguồn]

Hôm qua, kết thúc thời gian nộp lệ phí xét tuyển đại học (ĐH) đợt 1 năm 2024. Thí sinh đợi đến ngày 17/8, khi kết thúc lọc ảo, các trường công bố điểm chuẩn rồi thực hiện việc xác nhận nhập học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PHẠM ANH - NHẪN NAM ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN