Luyện thi ở... đình làng
Những ngày này, thay vì ùn ùn đến trung tâm luyện thi, nhiều học sinh lớp 9 và lớp 12 ở làng Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) ra đình làng để... luyện thi.
Lớp học miễn phí
Lớp luyện thi miễn phí ở đình làng Lại Đà gồm hơn 20 giáo viên, chủ yếu là sinh viên các Trường ĐH Bách khoa, ĐH Hà Nội. Đó là những người có tâm huyết, trình độ và phương pháp giảng dạy rất khoa học. Đội ngũ “giáo viên” được chia làm 2 phân ban: Ban Tự nhiên do chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Phương phụ trách; ban Xã hội do thầy Nguyễn Đình Phương (24 tuổi) - giáo viên Trường THCS Đông Hội đảm trách.
Lớp học bắt đầu hoạt động vào năm 2011. Năm đầu do còn bỡ ngỡ và chưa nhận được sự tin tưởng của mọi người nên số lượng học sinh còn ít (lớp 9 là 28 em và lớp 12 là 18 em). Tới năm 2012, số lượng học sinh lớp 9 đã lên tới 40 em, lớp 12 là 30 em. Nguyễn Tiến Phương cho biết, năm 2013 này, tới đầu tháng 4 nhóm của anh mới mở lớp nhưng đã nhận được hàng trăm đơn xin học của con em trong xã và cả các xã bạn. Nhóm ưu tiên nhận các em có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện học tập.
“Đối với lớp 9, chúng tôi dạy 2 môn là toán và văn; còn lớp 12 thì luyện thi 5 môn là toán, lý, hóa, văn, Anh”. Nguyễn Văn Chinh - cựu sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân tham gia luyện thi cho biết: Lịch học được thông báo trên loa truyền thanh của xã, và địa điểm ở nhà văn hóa, đình làng. Nhờ vậy, phụ huynh cũng biết để đốc thúc con em đi học.
Nguyễn Tiến Phương chuẩn bị các bài giảng để mở lớp vào đầu tháng 4 này
Kết quả năm đầu tiên đạt được rất khá, số học sinh lớp 9 thi đỗ vào lớp 10 chiếm hơn 90%, các em lớp 12 đỗ vào ĐH-CĐ đạt hơn 50%. Năm thứ 2, số đỗ vào lớp 10 là 100%, đỗ vào ĐH-CĐ là hơn 70%.
Người đi mở đường
Nguyễn Tiến Phương vốn là con em làng Lại Đà, vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp. Phương cho biết: “Làng tôi nổi tiếng là làng hiếu học của huyện Đông Anh, nơi thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Thế nhưng, những năm gần đây, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ ngày càng giảm sút, tôi muốn vực dậy phong trào hiếu học nên đề nghị với lãnh đạo và đoàn thanh niên ở thôn, làng về việc mở lớp. May mắn là lãnh đạo thôn rất ủng hộ”.
Những ngày đầu thực hiện ý tưởng, Phương gặp rất nhiều khó khăn. Anh tâm sự: Ai cũng bảo ý tưởng tốt nhưng không có thực tế, ai lại đi dạy miễn phí bao giờ. Phụ huynh thì cho rằng: Dạy mất tiền còn chẳng ăn ai nữa là dạy miễn phí. Ngoài ra, vấn đề rất khó khăn là cần phải có cơ sở vật chất và có giáo viên.
Để vượt qua khó khăn, Phương phải “năn nỉ” các cụ cho mượn đình làng và nhà văn hóa để làm nơi dạy học, rồi đi từng nhà vận động các phụ huynh có con em ở độ tuổi đang ôn thi vào cấp 3 và vào ĐH cho con em họ ra đình làng ôn thi. Không những thế, anh còn vận động các giáo viên trẻ, những sinh viên tốt nghiệp ĐH giúp đỡ con em trong thôn. Phạm Thị Cúc (25 tuổi, giáo viên dạy môn tiếng Anh) cho biết: “Thấy Phương làm việc chân thành, thiện chí nên tôi ủng hộ giảng dạy lớp luyện thi ĐH miễn phí này”.
Phương bảo, chúng tôi thầm ước, nếu mô hình này được triển khai rộng rãi ở các làng quê thì những em học sinh nghèo có chỗ để “dùi mài kinh sử”, không còn phải bon chen vào các lò luyện thi vừa tốn kém, vừa không hiệu quả.
Chúng tôi đã dạy các em theo cấu trúc đề thi, bám sát sách giáo khoa, phân vùng kiến thức… Mới vào lớp, chúng tôi đã cho làm bài kiểm tra chất lượng và đưa ra những ý kiến góp ý cho từng em là nên bổ trợ phần nào rồi giúp các em ôn luyện lại những kiến thức còn hổng…
Nguyễn Văn Kiên - sinh viên Trường Đại học Bách khoa, phụ trách môn hóa.
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm của nhóm cháu Phương. Thôn cũng giúp những việc như cung cấp cơ sở vật chất gồm bàn ghế, đèn, quạt, bảng và phấn… Hội khuyến học 2 năm nay đã có thêm phần thưởng khuyến khích các thầy cô tại lớp học này.
Ông Nguyễn Phú Hoành - Bí thư Chi bộ thôn Lại Đà