Lưu ý điều kiện sức khỏe khi thi vào trường quân đội

Trung tá Đỗ Thanh Tâm, đại diện Ban Tuyển sinh quân đội Bộ Quốc phòng, cho biết năm 2018, trừ Học viện Quân y, 17 trường còn lại của khối quân đội tuyển sinh và đào tạo bậc ĐH đều xét tuyển khối A1.

"Những trường nào trước đây chỉ tuyển khối A thì nay sẽ bổ sung khối A1 để nâng cao chất lượng ngoại ngữ của học viên. Chúng tôi không chia chỉ tiêu theo các khối mà dùng điểm chuẩn chung để chọn sinh viên" - ông Tâm nói.

Có 5 trường khối quân đội trong mùa tuyển sinh 2017 chưa tuyển khối A1 gồm: Sĩ quan Lục quân 2, Sĩ quan Pháo binh, Sĩ quan Không quân, Tăng thiết giáp và Sĩ quan Phòng hóa.

Trong 18 trường tuyển sinh, 2 trường xét tuyển theo khối C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý) là Trường Sĩ quan Chính trị (Bắc Ninh) và Học viện Biên phòng (Hà Nội), với các ngành xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước và ngành biên phòng.

Phương thức tuyển sinh năm 2018 của khối trường quân đội là xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Trước đó, các thí sinh phải vượt qua vòng sơ tuyển ở địa phương.

Năm 2018, có 3 học viện của khối quân đội tuyển học viên nữ là Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Khoa học quân sự. Cụ thể, Học viện Quân y tuyển sinh ngành bác sĩ quân y trình độ ĐH thời gian đào tạo 6,5 năm. Học viện Kỹ thuật quân sự tuyển các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điện tử y sinh. Học viện Khoa học quân sự tuyển sinh ngành quan hệ quốc tế; các ngành đào tạo về ngoại ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung.

Ông Đỗ Thanh Tâm cũng nhấn mạnh rằng chỉ tiêu tuyển nữ của 3 trường này rất ít. Học viện Quân y và Học viện Kỹ thuật quân sự chỉ tuyển tối đa 10% trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh. Chỉ tiêu này cũng được chia theo 2 miền Nam, Bắc.

Các trường quân đội chỉ tuyển chọn thí sinh đạt sức khỏe loại 1 và 2 ở các chỉ tiêu: Nội khoa, ngoại khoa, tâm thần kinh, da liễu, tai - mũi - họng, mắt, răng - hàm - mặt. Ngoài ra, các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần gồm các trường: Học viện Phòng không - Không quân, Học viện Hậu cần, Học viện Biên phòng, Học viện Hải quân và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Sĩ quan Pháo binh, Sĩ quan Chính trị, Sĩ quan Công binh, Sĩ quan Thông tin, Sĩ quan Tăng - Thiết giáp, Sĩ quan Phòng hóa, Sĩ quan Đặc công chỉ tuyển nam cao 1,65 m trở lên, cân nặng 50 kg trở lên, vòng ngực trung bình 81 cm trở lên. Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật gồm các trường: Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Khoa học quân sự, hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không - Không quân, Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật quân đội và Trường ĐH Trần Đại Nghĩa (Vin-Hem Pích) tuyển thí sinh nam cao 1,63 m trở lên, cân nặng 50 kg trở lên, vòng ngực trung bình 81 cm trở lên.

Thí sinh nữ đạt sức khỏe loại 1, thí sinh mắc tật khúc xạ, cận hoặc viễn thị không quá 3dp; kiểm tra thị lực qua kính đạt mắt phải 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10 trở lên. Những thí sinh có hộ khẩu thường trú ít nhất 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số được lấy đến sức khỏe loại 2 về thể lực, nhưng thí sinh nam phải đạt chiều cao 1,62 m trở lên; Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thi vào Trường Sĩ quan Chính trị được lấy chiều cao từ 1,6 m trở lên.

Đối tượng đào tạo sĩ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khỏe theo các tiêu chuẩn riêng vẫn phải bảo đảm tiêu chuẩn chung. Việc tuyển sinh phi công tại Trường Sĩ quan Không quân, chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không - Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện dự thi vào các trường quân đội và đào tạo phi công quân sự.

Thi THPT quốc gia 2018: Nên chọn mấy bài thi?

Năm 2017, số thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội cao hơn khá nhiều (49% tổng số thí sinh) so với chọn bài thi khoa học tự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người Lao Động)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN