Lương giáo viên chưa bằng người giúp việc, thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm?

Sự kiện: Giáo dục

“Tôi biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu so sánh đồng lương của một giáo viên với lương của một người giúp việc nhà thì đúng là buồn”, Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – Giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (TP.HCM) cho hay.

Lương giáo viên vẫn là một trăn trở lớn với các thầy, cô đang đứng lớp. Nhiều người cho rằng, một trong những vấn đề khiến thí sinh giỏi không còn mặn mà với ngành sư phạm là do lương quá thấp.

Liên quan đến vấn đề này, PV Báo điện tử Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – Giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Lương giáo viên chưa bằng người giúp việc, thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm? - 1

 Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn – Giáo viên trường Tiểu học Bình Hòa

* Thưa thầy, có thể thấy mùa tuyển sinh trong những năm gần đây, điểm đầu vào các ngành quân đội, công an, y dược rất cao nhưng đầu vào ngành sư phạm lại tụt dốc “thảm khốc”, có những trường chỉ lấy đầu vào 9 điểm/3 môn. Thầy nghĩ thế nào về việc này?

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn: Hiện nay, lương của giáo viên đang được cào bằng, chưa có sự phân hóa rõ rệt giữa quá trình đào tạo 3 – 4 năm và hệ đào tạo  24 tháng. Dẫn đến sự bất hợp lí trong quá trình tuyển dụng và xếp bậc lương

Thực tế, giáo viên được tuyển dụng dù tốt nghiệp sau đại học, ĐH, CĐ, Trung cấp đều được hưởng hệ số lương 1,86. Lí do được đưa ra là sinh viên mới ra trường không đạt các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo từng mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 năm 2015 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Bộ Nội vụ.

Đến tháng, giáo viên cũng không nhận đủ 100% lương mà chỉ nhận 85% lương. Liệu có đủ trang trải trong cuộc sống với số tiền hơn 2 triệu đồng một chút?

Đây cũng là một trong số những lí do sinh viên không “còn mặn mà” đối với ngành sư phạm dẫn đến tình trạng 3 điểm/môn vẫn đỗ vào các trường sư phạm như hiện nay.

* Thưa thầy, nhiều người cho rằng muốn thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm thì đầu tiên phải cải thiện mức lương cho giáo viên. Thầy suy nghĩ sao về điều này?

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn: Theo thông tư số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV giữa Bộ Nội vụ và Bộ GD$ĐT có hiệu lực từ ngày 03/11/2015, thì mức lương và cách tính lương giáo viên tiểu học được quy định rất chi tiết và rõ ràng.

Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học trong các trường tiểu học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.07

Giáo viên tiểu học hạng III - Mã số: V.07.03.08

Giáo viên tiểu học hạng IV - Mã số: V.07.03.09

Với những giáo viên tiểu học có thâm niên trong nghề thì ngoài mức lương được nhận sẽ nhận được phụ cấp thâm niên và 35% phụ cấp đứng lớp.

Ngoài giờ dạy trên lớp, giáo viên phải tham gia các hoạt động của nhà trường như tập văn nghệ, tham gia các hội thi do công đoàn trường, công đoàn ngành tổ chức, tập dợt cho học sinh tham gia các hội thi do Đội TNTP tổ chức, …

Mỗi năm một giáo viên phải dự giờ đồng nghiệp đủ 18 tiết, dự thao giảng trường, thao giảng khối, viết sáng kiến kinh nghiệm cho bản thân. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải làm hàng loạt sổ sách như sổ hội họp, sổ chủ nhiệm, sổ mượn đồ dùng dạy học, vào điểm trên cổng thông tin điện tử, nhận xét để gửi tin nhắn về cho phụ huynh vào mỗi cuối tuần,…

Không dừng lại ở đó, những cuộc họp đối với các giáo viên mới là “ám ảnh”, kéo dài suốt năm như họp tổ, họp hội đồng, họp chấm thi, họp kiểm tra giữa kỳ, liên tục coi thi, chấm thi... Có thể thấy, giáo viên làm thì nhiều mà lương chẳng được bao nhiêu thì lấy đâu ra động lực để thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục?

* Hiện nay lương giáo viên so với các ngành nghề khác đang ở mức thế nào thưa thầy?

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn: Mấy năm gần đây, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng để từng bước triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Từ “nói không với tiêu cực trong thi cử” và “nói không với việc chạy theo thành tích” mà ngành giáo dục thường gọi “hai không”. Tiếp sau đó là: Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo, nói không với ngồi nhầm lớp, nói không với đào tạo không theo nhu cầu xã hội...

Một vấn đề quan trọng nữa gắn liền với chất lượng giáo dục cũng đã được nhắc nhiều lần nhưng chưa có lời giải, đó là bài toán lương cho giáo viên.

Đầu năm học vừa qua có 5 cán bộ và giáo viên của trường Tiểu học Lê Ngọc Hân làm đơn xin được chuyển công tác. Trong số này có 2 phó hiệu trưởng và 3 khối trưởng các khối.

Điều đáng nói là những nhà giáo đang công tác tại Trường tiểu học Lê Ngọc Hân đều có khả năng, trình độ chuyên môn cao thì việc giáo viên và ban giám hiệu xin chuyển sang trường tư, trong thời điểm đầu năm học là một điều đáng báo động cho thu nhập nhà giáo, chính sách giữ giáo viên giỏi của ngành sư phạm.

Với 18 năm công tác trong ngành giáo dục, trình độ thạc sĩ nhưng theo quy định của thông tư số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cũng chỉ hưởng mức lương trình độ đại học.

Lương hiện nay của tôi được tính như sau: Hệ số lương: 3,66 nhân với 1.300.000 đồng. Ngoài ra được thêm các khoản phụ cấp 35%, phụ cấp thâm niên nên cũng được 6,5 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản về BHYT, BHXH, BHTN, tiền công đoàn phí, tiền đóng góp các phong trào, … lương thực lãnh chỉ còn khoảng 5 triệu đồng.

Với mức lương này, để lo cho các con, bản thân tôi cũng đang cộng tác giảng dạy tại một trương tư thục để cải thiện các nhu cầu thiết yếu của đời sống.

Tôi biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng nếu so sánh đồng lương của một giáo viên với lương của một người giúp việc nhà thì đúng là buồn.

Nói như vậy không phải lâu nay bản thân tôi cũng như các thầy cô khác không làm tròn vai trò, trách nhiệm của một người giáo viên. Tuy lương thấp nhưng giáo viên vẫn bám trường, bám lớp. Hình ảnh các thầy cô vùng sâu, vùng xa miệt mài "gieo" chữ cho các em học sinh vẫn lay động bao trái tim cũng chỉ vì hai chữ “yêu nghề”.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

Tăng điểm sàn không cứu được sư phạm!

Có nâng điểm sàn lên cũng chẳng kéo được thật nhiều thí sinh điểm cao nộp hồ sơ vào sư phạm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN