Lương 3 triệu, nhiều tiến sĩ bỏ việc

Sự kiện: Sau đại học

Tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong năm qua không ít tiến sỹ (TS) đã chuyển ra ngoài làm việc cho các trường đại học và doanh nghiệp. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều viện nghiên cứu khác khi mức lương trả cho TS chỉ hơn 3 triệu đồng.

Lương 3 triệu, nhiều tiến sĩ bỏ việc - 1

Lương không đủ sống ở các viện nghiên cứu, nhiều tiến sĩ bỏ ra ngoài làm cho các trường đại học, doanh nghiệp... Ảnh: Hồng Vĩnh

“Chỉ mong bằng lương bộ đội”

Trước khi về nước, TS Phạm Đình Minh, nghiên cứu viên Phòng Hóa sinh, Viện Công nghệ sinh học từng có thời gian 5 năm học và gần 3 năm làm Postdoc (nghiên cứu sau tiến sỹ) tại Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan. Đầu năm 2016, TS Minh về nước, làm việc tại Phòng Hóa sinh của Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Do Phòng Hóa sinh chưa có chỉ tiêu biên chế nên TS Minh làm việc theo hình thức hợp đồng ngắn hạn với hệ số lương 3.0, khoảng 3 triệu đồng một tháng. Ngoài ra, không có thêm bất cứ nguồn thu nào khác. Trong khi đó, thời gian làm Postdoc ở Đài Loan, thu nhập của TS Minh là 2.500 USD/tháng.

Để duy trì cuộc sống sau khi về nước, ngoài công việc tại viện, TS Minh phải làm thêm ở bên ngoài. Anh tâm sự, sẽ cố gắng theo đuổi đam mê nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu không thể tồn tại được, anh sẽ nghĩ đến việc chuyển ra làm ở ngoài.

“Nhiều TS đang làm Postdoc ở nước ngoài với mức lương 3.000-4.000 USD một tháng, nay về nước mức lương 4 triệu đồng, thực sự không sống nổi, không đủ tiền thuê nhà”. 

PGS.TS Đồng Văn Quyền
Phó Viện trưởng Viện CN Sinh học

TS Bùi Văn Ngọc, Trưởng nhóm Công nghệ Gene 7, Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ gene cũng trong tình cảnh tương tự. Sau làm nghiên cứu sinh tại Đại học danh tiếng Heidelberg của Đức, TS Ngọc ở lại làm Postdoc với mức lương 1.800 euro/tháng. Năm 2010, TS Ngọc về nước làm tại Viện Công nghệ Sinh học với mức lương 3 triệu một tháng. Số tiền tích cóp được trong những năm vừa nghiên cứu vừa đi làm thêm ở nước ngoài phải mang ra chi dùng cho cuộc sống hằng ngày. “Năm đầu tiên sau khi về nước rất khó khăn, mình phải làm nhiều nghề như dạy thêm ngoại ngữ để sống. Nhiều lúc không muốn nhận là TS ở nước ngoài về vì mọi người sẽ nghĩ TS nước ngoài về sao mà nghèo thế”, TS Ngọc tâm sự.

Ở thời điểm hiện tại, TS Ngọc tham gia vào một đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, theo anh cơ chế mỗi người chỉ được tham gia một đề tài nghiên cứu đang là rào cản với các nhà khoa học vì khi đề tài kết thúc, nhà khoa học mất 1-2 năm để chờ đề tài mới. Đây sẽ là khoảng thời gian hẫng vì không có đề tài và thu nhập bấp bênh. TS Ngọc tâm sự, anh chỉ mong muốn lương của nhà khoa học được như ngành vũ trang, quân đội. “Lương cơ bản 5-7 triệu đồng là có thể yên tâm nghiên cứu rồi”, TS Ngọc nói.

Theo PGS.TS Đồng Văn Quyền, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, thời gian qua, nhiều cán bộ trẻ của Viện đã chuyển ra các đơn vị bên ngoài vì mức thu nhập không đủ sống. Viện Công nghệ Sinh học là nơi đào tạo nhiều cán bộ KHCN có trình độ cao, hầu hết học ở nước ngoài về nhưng việc giữ chân những người này rất khó khăn. Viện cố gắng tạo ra môi trường học thuật tốt nhất để thu hút và giữ chân cán bộ trẻ nhưng như thế chưa đủ. “Nhiều TS đang làm Postdoc ở nước ngoài với mức lương 3.000-4.000 USD một tháng, nay về nước mức lương 4 triệu đồng, thực sự không sống nổi, không đủ tiền thuê nhà”, PGS Quyền nói.

Trong khi đó, nhiều cơ sở bên ngoài sẵn sàng trả lương cho các nhà khoa học gấp cả chục lần mức lương ở trong Viện. Thế nên, chỉ hơn một năm, nhiều cán bộ trẻ của Viện Công nghệ Sinh học đã chuyển ra ngoài làm việc tại Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học quốc tế TPHCM hoặc trở lại nước ngoài làm Postdoc. “Ở đó, họ có thể sống được bằng lương, ở Viện thì thực sự rất khó khăn”, PGS Quyền chia sẻ.

Nhiều người giỏi không lựa chọn khoa học

Tình trạng chảy máu chất xám không chỉ diễn ra ở Viện Công nghệ Sinh học mà ở nhiều đơn vị nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Phó Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, viện này cũng đang chật vật giữ chân những người giỏi. Thời gian qua, 6 cán bộ của viện đã chuyển sang Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam làm việc. “Vừa rồi, một TS từ Pháp về làm việc tại Viện cũng có ý định đi vì lương chỉ có 3 triệu đồng trong khi cơ sở nước ngoài trả 22 triệu đồng một tháng. Chúng tôi đã thuyết phục thành công TS này ở lại nhưng rõ ràng với cơ chế hiện nay, rất khó để giữ chân người giỏi”, PGS Lam cho biết.

Theo GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cách đây 5 năm, xu thế cán bộ nghiên cứu chuyển dịch từ Viện ra các đơn vị bên ngoài rầm rộ hơn. Bây giờ vẫn tiếp tục dù không mạnh bằng nhưng điều đó không có nghĩa cơ chế đãi ngộ đã đủ để giữ chân người giỏi. Thực tế hiện nay, nhiều người giỏi, ngay từ đầu đã không chọn con đường nghiên cứu. “ Những người xuất sắc nhất đa phần đã không chọn làm khoa học ngay từ khi chọn trường, chọn ngành học. Chúng tôi vẫn nói với nhau, những người trẻ thực sự nổi bật như thế hệ trước bây giờ rất ít, hoặc nếu có phần lớn làm việc ở nước ngoài”, GS Hải nói.

Theo PGS Đồng Văn Quyền, nhiều cán bộ trẻ của Viện Công nghệ Sinh học đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài đã không trở về và không biết bao giờ mới trở về. “Phòng mình có 4 bạn ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh chưa về. Mình có thể thuyết phục được các bạn ấy về nhưng nếu về mà không được như mong muốn thì các bạn ấy lại đi thôi’, PGS Quyền nói.

Lương 3 triệu, nhiều tiến sĩ bỏ việc - 2

Cuộc sống kinh tế khó khăn, các tiến sỹ khó mà tập trung cho công việc.

Theo GS Dương Ngọc Hải, mỗi năm, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được Nhà nước cấp khoảng 800-1.000 tỷ đồng. Viện có 4.000 cán bộ, trung bình 250 triệu đồng một người, đã bao gồm cả tiền trang thiết bị, chi phí nghiên cứu, trả lương cho cán bộ. Với nguồn tiền trên, viện đã cố gắng có nhiều chính sách để trọng dụng, thu hút các nhà khoa học trẻ như tạo các đề tài cơ sở để các nhà khoa học trẻ nghiên cứu, thưởng tiền cho các công trình công bố quốc tế. Tuy nhiên, vẫn khó khăn trong thu hút người giỏi vào làm việc bởi nguồn kinh phí hạn chế, trung bình thạc sỹ lương trên dưới 3 triệu, tiến sỹ trên dưới 5 triệu đồng. Nhiều TS vẫn đi thuê nhà.    

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, tình trạng chảy máu chất xám và không thu hút được người giỏi làm cho thế hệ khoa học kế cận ít người giỏi, tạo ra một lỗ hổng cho ngành KHCN Việt Nam. Trong khi đó, PGS.TS Đồng Văn Quyền cho biết, với cơ chế hiện nay, ông lo lắng, viện nghiên cứu sẽ thiếu hụt người làm nghiên cứu trong tương lai.

Cơ chế mới không phù hợp với nghiên cứu cơ bản

Hiện nay, Chính phủ có chính sách khuyến khích các viện nghiên cứu chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vậy tại sao các viện không chuyển mình sang cơ chế này để tự trả lương? Theo PGS.TS Đồng Văn Quyền, cơ chế ấy không phù hợp với các cơ sở nghiên cứu cơ bản như Viện Công nghệ sinh học và nhiều viện khác. Thu nhập chính của các nhà khoa học vẫn dựa vào lương cơ bản và các đề tài nghiên cứu. Trong khi lương thấp, đề tài lúc có lúc không nên khó giữ chân người làm khoa học. Đó là chưa kể môi trường làm việc thiếu trang thiết bị, máy móc hiện đại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)
Sau đại học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN