Lùm xùm ở ĐH Hùng Vương làm "khổ" sinh viên

1.460 sinh viên ĐH Hùng Vương TP.HCM đến thời gian tốt nghiệp nhưng bị chậm vì lùm xùm ở trường này. Khi hiệu trưởng tạm quyền ký quyết định tổ chức thi tốt nghiệp thì nhiều SV của trường tỏ ý nghi ngờ.

Chiều 4/9, ông Nguyễn Đăng Dờn, hiệu trưởng tạm quyền Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đã ký quyết định tổ chức thi tốt nghiệp và bảo vệ luận văn cho 1.460 SV của trường.Theo đó, từ 4/9 đến ngày 7/9, Hiệu trưởng tạm quyền giao nhiệm vụ cho Phòng Đào tạo và các trưởng/phó khoa của trường khẩn trương thành lập Hội đồng thi, Hội đồng bảo vệ khóa luận và danh sách SV đủ điều kiện thi tốt nghiệp để hiệu trưởng tạm quyền ký quyết định.

Khâu chuẩn bị đã sẵn sàng nhưng…

Việc tổ chức thi tốt nghiệp này là từ chủ trương của phía HĐQT mới (họp bất thường ngày 26.6.2013, do ông Ngô Gia Lương làm chủ tịch -PV) nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng cho SV. Tuy nhiên, quyết định này gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía HĐQT cũ do ông Đặng Thành Tâm làm chủ tịch.

Lùm xùm ở ĐH Hùng Vương làm "khổ" sinh viên - 1

Ông Nguyễn Đăng Dờn, hiệu trưởng tạm quyền ĐH Hùng Vương TP.HCM

Ông Vũ Văn Nhỡ, Trưởng phòng Hành chính (do HĐQT cũ bầu ra), gay gắt: “Đồng ý là phải đảm bảo quyền lợi cho SV nhưng nếu do HĐQT và hiệu trưởng tạm quyền “lậu” tổ chức thì rõ ràng đây là một hành vi trái pháp luật”. Cụ thể, ông Nhỡ cho rằng chỉ có HĐQT và hiệu trưởng tạm quyền được Bộ GD-ĐT cũng như UBND TP.HCM công nhận thì mới là thực quyền, có quyền tổ chức thi.

Cũng theo ông Nhỡ: Hiệu trưởng tạm quyền có “thực quyền” hiện tại là bà Tạ Thị Kiều An. Chỉ có bà An mới có quyền tổ chức thi tốt nghiệp cho SV trong khi chờ đợi có quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng chính thức từ UBND TP.HCM cũng như Bộ GD-ĐT. Còn phía ông Dờn thì chỉ là hiệu trưởng “lậu” vì được bầu bởi HĐQT “lậu” nên hành vi này là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Trong khi đó, lý giải về việc ký quyết định thi tốt nghiệp cho 1.460 SV đủ điều kiện, ông Nguyễn Đăng Dờn, hiệu trưởng tạm quyền của phía HĐQT mới thì cho rằng: “Việc cấp bách của nhà trường lúc này là đảm bảo quyền lợi cho SV. Các em đã bị trễ hạn ra trường gần 2 tháng nay rồi nên chúng tôi quyết định sẽ tổ chức thi cho các em. Kế đến là giải quyết lương cho đội ngũ CB-GV đã chận trễ hơn 2 tháng nay. Tôi tin rằng UBND TP.HCM sẽ hiểu và chấp thuận”.

Tuy nhiên, trước thông tin sẽ được thi tốt nghiệp, nhiều SV của ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng tỏ ý nghi ngờ. Sinh viên Ng.T.T cho biết: “Dù được thi tốt nghiệp nhưng không biết là chữ ký trên văn bằng sẽ do ai ký vì thực tế ở trường có hai hiệu trưởng tạm quyền? Nếu như đã cấp bằng rồi mà không được công nhận thì sao? Có đóng dấu đỏ hay không?”, T lo lắng.

Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Mai Bình, trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp cho SV đã được chuẩn bị hoàn tất từ tháng 6, theo dự kiến lịch thi và bảo vệ khóa luận sẽ bắt đầu từ 20.6 đến 15.7. Tuy nhiên đến nay vẫn không tổ chức được. Chúng tôi chỉ muốn tổ chức sớm để bảo vệ quyền lợi sinh viên trước nhất vì các em đã rất buồn và lo lắng suốt thời gian qua”.

Lùm xùm ở ĐH Hùng Vương làm "khổ" sinh viên - 2

SV ĐH Hùng Vương TP.HCM trong giờ học

Chờ sự “cảm thông” của UBND TP.HCM?

Thực tế, việc tranh chấp con dấu tại ĐH Hùng Vương TP.HCM diễn ra thời gian qua xuất phát từ việc HĐQT cũ của nhà trường không “trung thực” trong định giá tài sản (Văn bản số 51/KL - TTTP- P3 của thanh tra TP.HCM đã nêu rõ). Thế nên, phía các cổ đông đại diện cho sở hữu tập thể của nhà trường đã quyết định tổ chức Đại hội cổ đông bất thường là hoàn toàn có cơ sở (dựa vào QĐ 58, QĐ 61, QĐ 63 và Luật Giáo dục Đại học năm 2013).

Chính vì vậy, HĐQT mới hiện chỉ còn 5 thành viên gồm: ông Lê Văn Lý, ông Nguyễn Huy Hùng, ông Ngô Gia Lương, bà Nguyễn Thị Liên Diệp và ông Đặng Thành Tâm. Tuy nhiên, HĐQT cũ lại cho rằng HĐQT mới không được Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM công nhận thì không hợp lệ.

Đáng nói, nếu như căn cứ vào khoản 6 điều 17 Luật Giáo dục ĐH năm 2013 đã ghi rõ: “…Việc công nhận, không công nhận HĐQT; Chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT được quy định trong điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường mà không cần cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận…”. Như vậy, xét trường hợp này thì UBND TP.HCM sẽ “chẳng có quyền gì” để can thiệp vào việc tổ chức công nhận hay không công nhận HĐQT của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM. Nếu UBND TP.HCM vẫn can thiệp vào việc công nhận hoặc không công nhận HĐQT thì rõ ràng đã vi phạm vào Luật Giáo dục Đại học năm 2013.

Ở một diễn biến khác, phía HĐQT mới của ĐH Hùng Vương TP.HCM (do ông Ngô Gia Lương làm chủ tịch), cho biết sẽ kiện Sở GD-ĐT TP.HCM vì thời gian qua đã can thiệp trái thẩm quyền (Sở GD-ĐT không có quyền can thiệp theo Luật Dân sự nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nghị định 115/2010/NĐ-CP) gây thiệt hại đến uy tín và quyền lợi của gần 1.500 SV chờ tốt nghiệp, tạo tâm lý hoang mang cho SV và phụ huynh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN