Lựa chọn, sắp xếp nguyện vọng phù hợp và tránh “bẫy” điểm sàn
Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học trên toàn quốc đã công bố điểm "sàn" nhận hồ sơ xét tuyển cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Các chuyên gia tuyển sinh lưu ý thí sinh cần tính toán kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng. Bên cạnh tham khảo, so sánh kết quả thi của mình với điểm chuẩn những năm gần đây và có phương án “chống trượt” thì việc chọn nguyện vọng đăng ký cũng phải dựa trên nguyên tắc ưu tiên chọn ngành mà bản thân yêu thích. Ngoài ra, thí sinh cũng cần hết sức tỉnh táo để tránh “bẫy” điểm sàn.
Cán bộ tuyển sinh tư vấn cho thí sinh về xét tuyển đại học năm 2024. Ảnh minh họa
Theo phổ điểm các khối thi truyền thống dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), điểm trung bình năm nay là 20,9 trong khi năm 2023 là 20,77. Tổ hợp A01 (Toán, Ngoại ngữ, Vật lý), điểm trung bình là 20,47 và năm 2023 là 20,27 điểm. Tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh), điểm trung bình là 20,53 và năm 2023 là 20,06 điểm. Tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) điểm trung bình là 20,95 trong khi đó, năm 2023 là 18,97 điểm. Tổ hợp D01 (Toán, Ngoại ngữ, Văn), điểm trung bình là 19,49 và năm 2023 là 18,89 điểm.
Nhìn vào phổ điểm các tổ hợp xét tuyển, một số chuyên gia nhận định, điểm chuẩn xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ tăng so với năm 2023. Trong đó, dự báo các ngành xét tuyển tổ hợp môn Khoa học tự nhiên có thể tăng nhẹ, còn ngành tuyển các môn Khoa học xã hội sẽ tăng nhiều hơn. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, điểm chuẩn nhiều ngành năm nay sẽ tăng, trong đó một số ngành xét tuyển khối C00 dự kiến sẽ tăng mạnh so với năm 2023 từ 1-2 điểm tùy ngành, tùy trường.
Còn theo chia sẻ của PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Y Hà Nội, điểm chuẩn vào nhiều ngành của trường năm nay dự kiến sẽ tăng so với năm 2023. Trong đó, điểm chuẩn ngành Y khoa và Răng-Hàm Mặt, hai ngành hot nhất của trường dự kiến sẽ tăng cao và tiệm cận với mức điểm chuẩn của năm 2021 là 28,85 và 28,45 điểm.
Lý do là ngoài phổ điểm các môn thi tăng thì năm nay Trường Đại học Y Hà Nội còn tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế lên 40% nên chỉ còn khoảng 60%, giảm 20% so với năm 2023. Riêng với nhóm ngành Tâm lý học, ngành được tuyển sinh năm đầu tiên với tổ hợp C00, ông Tùng nhận định điểm chuẩn có thể ở mức 27-28 điểm do ngành này đã có 20 thí sinh được tuyển thẳng, trong khi chỉ tiêu là 60 em.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định của Bộ GD&ĐT, thời gian đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học kéo dài đến hết ngày 30/7. Do đó, vẫn còn khá nhiều thời gian để thí sinh cân nhắc kỹ, lựa chọn và sắp xếp các nguyện vọng. Để giúp thí sinh trúng tuyển được ngành yêu thích nhất, phù hợp nhất với năng lực của mình, hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT cho phép các em đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, không giới hạn số lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Khi đăng ký nguyện vọng, bà Thủy lưu ý thí sinh chỉ cần đăng ký vào ngành/chương trình đào tạo của trường mong muốn xét tuyển, không cần đăng ký phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên đặt quá nhiều nguyện vọng không cần thiết, gây tốn kém, lãng phí. Thay vào đó, các em nên cân nhắc, phân bổ số nguyện vọng phù hợp, bao gồm cả các ngành mình yêu thích (ưu tiên lên đầu) và các ngành có cơ hội đậu cao để hạn chế rủi ro trượt tất cả các nguyện vọng.
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cũng lưu ý, khi đặt nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần nghiên cứu kỹ điểm chuẩn trúng tuyển những năm gần đây của các cơ sở đào tạo mà mình dự kiến đăng ký xét tuyển. Sau đó, sắp xếp, phân chia nguyện vọng thành 3 nhóm: Nhóm 1, điểm chuẩn cao hơn điểm mình đạt được; nhóm 2, điểm thi ngang bằng với điểm chuẩn và nhóm 3 có điểm chuẩn thấp hơn điểm thi của mình, để đảm bảo an toàn.
“Các em cần mạnh dạn đặt ngành/trường mà mình yêu thích nhất là nguyện vọng 1, nếu đó là nguyện vọng trúng tuyển sớm thì các em chắc chắn trúng tuyển. Còn trong trường hợp giả sử, thí sinh đã trúng tuyển sớm và đặt nguyện vọng này ở vị trí thứ 10, khi 9 nguyện vọng đầu đều trượt, chắc chắn thí sinh vẫn trúng tuyển nguyện vọng 10. Đó là ưu việt của hệ thống xét tuyển chung và cũng là quy định nhân văn của Bộ GD&ĐT nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh”, ông Khánh cho hay.
Tránh nhầm lẫn giữa điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển Theo thông báo về điểm sàn xét tuyển năm 2024 theo phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, năm nay nhiều trường đại học vẫn tiếp tục duy trì mức điểm sàn dưới 20 điểm và trên 20 điểm nhưng cũng có trường lên tới 24 điểm. Theo các chuyên gia tuyển sinh, thí sinh cần phân biệt rõ khái niệm điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển. Thực tế cho thấy, điểm sàn là điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để các trường đại học lấy làm cơ sở để nhận hồ sơ xét tuyển. Điểm chuẩn là mức điểm thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển. Chính vì tính chất khác nhau như vậy nên điểm chuẩn trúng tuyển vào nhiều trường đại học những năm qua luôn vượt xa điểm sàn. Thậm chí, trong những năm gần đây, có những trường khoảng cách giữa điểm sàn với điểm chuẩn có thể dao động trong quãng từ 5-10 điểm đã khiến không ít thí sinh "vỡ mộng" khi trường công bố điểm trúng tuyển. Để tránh mắc “bẫy” điểm sàn, thí sinh cần tham khảo sự chênh lệch giữa điểm sàn và điểm chuẩn của năm 2023 tại các trường và tìm hiểu chỉ tiêu năm nay của ngành học trước khi đăng ký nguyện vọng. |
Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, Trường ĐH Hùng Vương TPHCM và Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa thông báo điểm sàn xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.
Nguồn: [Link nguồn]