Lớp xóa mù chữ cho trẻ nghèo của cô giáo tay ngang

Sự kiện: Giáo dục

Lớp xóa mù chữ luôn đứng trước nguy cơ tan rã vì không có giáo viên đứng lớp, kinh phí hạn hẹp...

Chị Lê Thạch Thảo (38 tuổi, ngụ phường 4, quận 8, TP.HCM) vốn là nhân viên kế toán của một công ty ở quận 8. Chị không có nghiệp vụ sư phạm nhưng vì tình thương các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, không được đến trường nên đã vận động bạn bè mở lớp dạy chữ cho các em.

“Ở đây chỉ cho cái chữ chứ không có tiền”

Lớp học nằm trong con hẻm trên đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8, TP.HCM). Chiều xuống, không khí rộn ràng lại vang lên khắp con hẻm. Từ cửa bước vào, giày dép xếp gọn gàng sang một góc, bàn ghế cũng được kê ngay ngắn theo từng nhóm, mỗi nhóm 4-5 em và có nhóm trưởng quản lý.

Hầu hết các em đều có hoàn cảnh khó khăn và không được đến trường. Buổi tối đi học ở lớp cô Thảo, ban ngày các em phải đi phụ quán, bán vé số, nhặt ve chai kiếm sống.

Hiện tại việc duy trì lớp học rất khó khăn khi độ tuổi học sinh không đồng đều, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn còn thiếu thốn. Nhiều lần lớp học đứng trước nguy cơ tạm ngưng vì thiếu giáo viên, tình nguyện viên giảng dạy.

Hơn nữa, học sinh ở đây chủ yếu thuộc hộ nghèo, thiếu ăn thiếu mặc nên nhiều gia đình không muốn cho con mình đến lớp. Ở khóa đầu, nhiều phụ huynh với tâm lý cho tiền thì mới cho con đi học nên cấm con đến lớp học của chị Thảo: “Giờ nhà tui khổ lắm, cấp tiền thì tui mới cho đi học”. Nhưng chị Thảo kiên quyết: “Ở đây chỉ cho cái chữ chứ không có tiền”, rồi từ từ họ cũng hiểu và cho con đến lớp.

Bên cạnh việc dạy chữ, chị Thảo còn cố gắng tạo việc làm cho các em qua công việc làm đèn. Chị liên hệ với một số doanh nghiệp mang hàng gia công về cho các em làm thêm vào ban ngày “để tụi nhỏ có thêm thu nhập thay vì nhặt ve chai ngoài nắng ngoài mưa” - chị Thảo nói.

Lớp xóa mù chữ cho trẻ nghèo của cô giáo tay ngang - 1

Nhiều lần lớp học đứng trước nguy cơ tan rã vì không có giáo viên.

Những đứa trẻ không giấy tờ

Cả lớp có khoảng 30 em, trong đó hơn nửa lớp các em đã đến tuổi đi học nhưng không được đến trường vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Một số khác do mất giấy tờ nên không thể đi học như trường hợp của hai anh em Bùi Phú Quý (Bi) và Liêu Phú Thịnh (Beo).

“Quý năm nay đã chín tuổi nhưng mẹ em không có giấy tờ tùy thân, gia đình cũng không có hộ khẩu nên tới giờ em vẫn không có giấy khai sinh để đi học” - chị Thảo chia sẻ.

Quý và Thịnh sống với bà ngoại từ nhỏ. Ngoài việc học ban đêm, ban ngày hai anh em phụ bà đi lượm ve chai, “mỗi ngày kiếm được năm, sáu chục. Hôm nào có tiền thì đi chợ, không có thì ăn cơm với mắm, với rau”. Bà Hồng kể thêm: “Hai đứa đi học về, ngồi đọc tiếng Anh với nhau, lâu lâu nó lại hỏi “Bà ngoại ơi, con này là con gì, bà ngoại có biết không?”. Nét chữ viết cũng được lắm, lại ngoan hơn trước nên nhà tui biết ơn cô Thảo dữ lắm”.

Còn trường hợp em Mã Diễm Hằng, đến lớp học của chị Thảo không chỉ để học chữ mà còn nung nấu ước mơ trở thành công an bắt cướp. Là con thứ sáu trong gia đình bảy người con, kiếm ăn còn không đủ nên cha mẹ cũng không cho em đi học. Cha của Hằng bị tai biến, nằm ở quê đã mấy năm nay, còn Hằng sống với mẹ và các anh chị ở quận 8. Hằng ngày mẹ của Hằng đi làm phụ hồ, buôn bán kiếm sống, còn Hằng ở nhà trông em, phụ gia đình…

Vượt qua tất cả khó khăn, chị Thảo vẫn từng ngày cố gắng mang con chữ đến lớp học với mong muốn sẽ góp phần nuôi dưỡng ước mơ cho những đứa trẻ nghèo sống trong khu vực này.

Lớp xóa mù chữ đầu tiên được thành lập từ tháng 6-2012. Chị Thảo tự giảng dạy tại nhà nhưng vì không có kỹ năng sư phạm nên phải nhờ một người bạn đứng lớp.

Do nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, không đi học đều nên lớp học không duy trì được sĩ số. Cơ sở vật chất lại thiếu thốn và không có giáo viên nên lớp học hoạt động được ba năm thì tan rã.

Đến tháng 9-2017, được sự giúp đỡ của một sư thầy và bạn bè, chị Thảo mở lại lớp. Lớp học hiện tại là một phòng trọ thuê với giá 3,5 triệu đồng/tháng, trong đó sư thầy hỗ trợ 3 triệu đồng, các chi phí còn lại chị Thảo tự xoay xở.

Để duy trì lớp học này, hằng ngày anh Tùng (bạn chị Thảo) phải chạy xe máy đến từng nhà để đón từng em. Ngoài việc đi làm phụ hồ và chạy xe ôm công nghệ, anh Tùng tranh thủ thời gian buổi chiều để đưa rước các em đến lớp.

“Mình không đón là các em nó không đi học, lúc đầu có phần khó khăn nhưng đưa đón tụi nhỏ vui lắm, hôm nào lớp không học là thấy thiếu thiếu” - anh Tùng tâm sự.

Nỗi lòng của những người thầy đặc biệt âm thầm xóa mù chữ nơi thâm sơn cùng cốc

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi gặp mặt cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tiêu biểu được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Sâm ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN