Lớp học "kích não" tại Hà Nội đã dừng hoạt động

Sự kiện: Tin Hà Nội Tin nóng

Chiều 1/12, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành chưa thể tiếp cận với chủ lớp học kích hoạt não vì cơ sở này đã tạm dừng hoạt động từ đầu tuần.

Lớp học "kích não" tại Hà Nội đã dừng hoạt động - 1

Phương pháp kích não bộ được quảng cáo là có thể giúp trẻ làm được những điều phi thường. Ảnh: Phụ Nữ TP.HCM.

Ông Kiều Văn Minh cho biết, khi đoàn kiểm tra đến trung tâm dạy "kích hoạt não" ở Thái Hà (Hà Nội) thì được thông báo giám đốc trung tâm đi công tác không có ở Hà Nội và chỉ có nhân viên bảo vệ ở đây.

“Đoàn kiểm tra đang liên hệ lên lịch làm việc trong một hai ngày tới để xác định những thông tin báo chí nêu trong vài ngày qua về lớp học "kích não" cho trẻ. Ngoài ra, sẽ kiểm tra tính pháp lý của cơ sở này”- ông Minh cho biết thêm.

Gần đây, thông tin về các lớp học "kích hoạt não" được dư luận đặc biệt quan tâm khi các khóa học này quảng cáo phương pháp giáo dục mới kích thích bán cầu não, giúp trẻ thông minh thậm chí trở thành thiên tài. Đặc biệt, phụ huynh có thể nhận thấy sự vượt trội về trí thông minh của các con chỉ sau 2 ngày tham gia khóa học.

Với những thông tin quảng cáo đầy ma lực này, đã có nhiều phụ huynh ở Hà Nội cũng như TP. HCM đã không tiếc tiền bỏ ra gần chục triệu đồng cho một khóa học cho con.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định, cho đến giờ phút này, Bộ không cấp phép cho bất kỳ một lớp học "kích hoạt não" nào, đồng thời đang yêu cầu các địa phương báo cáo để có hướng xử lý.

Cũng theo Thứ trưởng Ga, tất cả các phương pháp áp dụng trong giáo dục phải được nghiên cứu kỹ càng, phải được cơ quan quản lý giáo dục cấp phép nhằm tránh sự phát triển tai hại đối với trẻ em. Trên cơ sở rà soát của địa phương, báo cáo Bộ, từ đó sẽ có hướng xử lý và  thông tin cho nhân dân được biết.

TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, chưa có một công bố khoa học nào về tác dụng và tính an toàn của phương pháp này. Tuy nhiên, một số tác hại của phương pháp này có thể thấy rất rõ ràng.

TS Hương cho rằng, để thành công, con người cần phải có không chỉ là sự thông minh là đủ. “Một người thông minh nhưng lười biếng, ham chơi, chủ quan, làm việc thiếu kế hoạch…. thì cũng không bao giờ có thể đạt tới thành công”- TS Hương nhận định.

Bà Hương cho rằng, một em bé thần đồng có thể sẽ khiến người khác ngạc nhiên ngay tức thì khi so sánh với em nhỏ khác nhưng lại rất dễ gây ra hiện tượng ảo tưởng về bản thân. Tâm lý mình sắp trở thành siêu nhân rất dễ khiến trẻ trở nên thiếu khiêm tốn, phá phách, không muốn nghe lời khuyên của người khác.

Ngoài ra, chính bố mẹ các em cũng ảo tưởng và sẽ không thể nhìn nhận đúng đắn về con của mình. Nếu như sau đó, các em không phát triển dạng thần đồng giống như mong ước của các cha mẹ, chắc chắn các cha mẹ sẽ vô cùng thất vọng và sẽ có những hành vi hoặc lời nói làm tổn thương con.

“Đến lúc đó, đứa trẻ sẽ suy sụp, thiếu tự tin và nghĩ là bản thân mình vô dụng. Thực tế đã có nhiều trường hợp các em lúc nhỏ học giỏi nhưng sau lớn lên kém dần đã khiến cha mẹ bực bội mắng mỏ và các em đã có nhiều biểu hiện của trầm cảm”- bà Hương nói..

Ngoài ra, một con người trưởng thành cần cả kiến thức, kĩ năng và đạo đức sống. Tác động vào não chỉ có thể giúp ích đứa trẻ nhanh nhạy tiếp thu kiến thức mà đôi khi cũng chỉ ở nột lĩnh vực nào đó.

“Vì thế, việc tác động não này thực chất không có nhiều giá trị với việc thành công của trẻ”- Bà Hương khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Tin Hà Nội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN