Lớp học đẫm tình người của thầy giáo khuyết tật
Mang một kiếp nhỡ nhàng với đôi chân bại liệt, tấm lưng còng cong vồng xuống dưới, nhưng người đàn ông đặc biệt này chưa một lần tuyệt vọng.
Anh đến với những con người, với những đứa trẻ nhỡ nhàng khác để sẻ chia và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Những phận đời đến với nhau, nương vào nhau để mong tìm được hạnh phúc nhỏ nhoi trong cuộc sống vẫn còn nhiều khốn khó.
Bước ngoặt cuộc đời
Sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em, hồi nhỏ anh Nguyễn Trai (thôn Thanh Lam Trung, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, TT.Huế) là một đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng đến năm anh học lớp 9 thì bi kịch xảy ra. Anh vẫn còn nhớ rất rõ khi đó đang cuốc đất thì bỗng nhiên toàn thân rung lên lập cập, hai chân cứ khuỵu mãi vào nhau, gia đình vội đưa đến bệnh viện khám thì được chẩn đoán là viêm đa khớp. Mấy ngày đầu trong bệnh viện, anh còn vịn thành giường đi được nhưng đến ngày thứ ba thì toàn thân cứng đơ như khúc gỗ, hai chân liệt hoàn toàn. Bác sĩ khuyên gia đình nên đưa ra bệnh viện Bạch Mai ngoài Hà Nội để có điều kiện chữa trị tốt hơn. Thế nhưng với một gia đình nuôi đến tám miệng ăn, chạy từng bữa đã khó thì lấy tiền đâu mà đưa con đi chữa bệnh.
Năm đó anh mới bước qua tuổi 19, cái tuổi đẹp nhất của đời người ấy, còn chất chứa biết bao nhiêu ước mơ và dự định thì lại phải gắn chặt cuộc đời với chiếc giường, mọi sinh hoạt đều dựa vào người thân. Quá thất vọng và chán nản, một phần vì thương cha mẹ, đã nhiều lần chàng thanh niên ấy nghĩ tới cái chết. Dù muốn chết nhưng cũng chẳng biết làm cách nào vì toàn thân không thể nhích khỏi thành giường. Thương học trò, thầy cô cắt cử thay phiên nhau đến tận nhà anh Trai dạy học, cực khổ mưa gió mấy cũng không bỏ buổi nào. Bạn bè cũng thường xuyên đến thăm, tập cho anh ngồi dậy. Mới đầu là buộc 2 chân vào giường, dựng phần lưng ngồi thẳng trước, khi ngồi được rồi thì tập đi. Cực khổ sáu tháng thì anh đi được. Dù mới đi được những bước chập chững, nhưng niềm vui của anh thì không thể nào tả nổi.
Năm 1987, thấy thôn Thanh Lam Trung chỉ có mỗi mình anh Trai là nhiều chữ, cán bộ xã động viên anh mở lớp xoá mù chữ. Đêm trước ngày nhận lớp, người thanh niên ấy thao thức, sung sướng không ngủ được. Từ một người vô dụng, anh được vinh dự đứng trên bục giảng, được người ta gọi bằng thầy. Gieo ước mơ cho những em thơ, cho những nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, lòng anh lại thao thức vì rồi đây sẽ có người thay anh viết tiếp giấc mơ còn dang dở.
Lớp học được mở ngay trong chính ngôi nhà lá của anh. Ban ngày mọi người ra đồng, đêm đến mới thắp đèn í ới gọi nhau đi học. Già trẻ, trai gái có cả. Cuối tháng họ trả công cho anh khi rổ khoai, khi vài lon đậu. Dù cuộc sống kham khổ, hai chân thường đau nhức những khi trời trở gió, nhưng mỗi khi nghe các em học sinh, các chú các bác gọi mình bằng thầy với niềm tin yêu thì mọi thứ lại tan biến. Anh tâm sự, nếu ngày đó không có cơ hội được trở thành một thầy giáo thì có lẽ anh đã không có động lực để có thể sống tiếp được tới ngày nay.
Hạnh phúc sau những nhỡ nhàng
Chúng tôi đến nhà anh, ngôi nhà lá ngày xưa giờ đã lợp phi bô xi măng chắc chắn, nhưng vẫn nghèo như thuở nào. Anh cho biết, năm 2005, một nhà hảo tâm ở tận Nha Trang đã ủng hộ tiền xây nên lớp học này. Ngôi nhà rộng chừng 30 mét vuông được ngăn ra một phòng rộng khoảng 8 mét vuông làm nơi ở cho cả gia đình gồm 3 người sinh hoạt, phần còn lại dành cho lớp học. Anh cho biết, giờ đây lớp của anh chỉ còn 8 học sinh nên dẹp bớt bàn ghế để cho thoáng. Tất cả các em đến lớp học này đều thuộc diện nghèo khó, không đủ điều kiện đến trường, trong đó còn có một em mắc hội chứng Dow.
Anh Trai bên lớp học của mình. Ảnh T.G.
Bây giờ người dân quê anh Trai vẫn còn nghèo, khi người lớn bị dòng đời xô đẩy trong cuộc mưu sinh thì những đứa trẻ thất học vẫn không còn rất nhiều. Anh Trai vẫn âm thầm mở lớp để "góp phần sửa những khiếm khuyết của cuộc sống" như lời anh nói. Mấy trăm đứa trẻ đã ra đời từ lớp học kỳ lạ của anh Trai. Tôi hỏi anh: "Thế năm sau nếu như các em học sinh đến lớp của anh ít hơn cả bây giờ thì anh có dạy nữa không?" Anh khẳng định chắc nịch: "Em nào còn cần tôi, dù chỉ một em tôi cũng dạy!". Tôi hỏi bây giờ anh có mong ước điều gì không?. Anh bảo: "Chỉ mong sao không còn ai đến học lớp của anh nữa!". Nhưng chưa để tôi hết ngạc nhiên, anh mỉm cười nói: "Trước đây thấy lớp đông học sinh thì tôi cũng mừng, bây giờ lớp ngày càng ít học sinh thì tôi lại càng mừng hơn. Vì bà con đã có điều kiện để cho con mình đến trường, đến lớp đàng hoàng, được học hành tốt hơn!".
Nhắc đến gia đình, đôi mắt anh bỗng trở nên rạng rỡ. Một người phụ nữ, cũng nhỡ nhàng đã cho anh Trai một gia đình thực sự, nghèo nhưng đầm ấm. Trong số đám bạn ngày xưa hay đến động viên anh lúc anh còn nằm liệt giường, có chị Đặng Thị Ánh là có tình cảm đặc biệt với anh Trai. Nhiều lần chị đến động viên, chăm sóc, giặt giũ quần áo giúp anh. Nhưng vì mặc cảm đôi chân, nghĩ mình không thể mang lại hạnh phúc cho chị, anh Trai đã nhiều lần đuổi chị về. Thấy cha mẹ bất bình, anh bảo: "Con đuổi là không muốn vì mình mà người ta phải khổ cả đời!".
Ngoài giờ lên lớp, anh Trai lại tăng gia sản xuất. Ảnh T.G.
Chị Ánh vì thất vọng, đã bỏ đi làm ăn trong tận Đồng Nai. Năm 2005, chị Ánh quay trở về quê, trên tay là đứa con gái chưa đầy tháng tuổi. Sau bao nhiêu sóng gió hai người lại tìm đến với nhau như tìm một sự đồng cảm, để có thể dựa dẫm vào nhau. Đám cưới được tổ chức giản dị, chỉ vài ba chén rượu ra mắt bà con chòm xóm.
Trên con đường trở về, chúng tôi ghé qua nhà chị Nguyễn Thị Liên, là một học trò cũ của anh Trai. Hai đứa con của chị bây giờ cũng đang theo học lớp anh. Tôi chợt nhớ đến câu nói ngậm ngùi của anh Trai: "Mới ngày nào còn cầm tay nắn nót từng chữ cái cho cô bé mới vô mẫu giáo, chớp mắt một cái đã thấy chính cô bé đó dắt một cô bé tới xin được học lớp mình! Cũng thấy vui vui!". Hai mươi sáu năm cặm cụi đưa đò, ngày nào anh còn là một anh thanh niên thì giờ mái đầu đã điểm bạc. Cuộc đời anh nhỡ nhàng, nhưng đã có biết bao nhiêu thế hệ đã vững vàng bước vào đời từ lớp học nhỡ nhàng như vậy.