Lớp học đặc biệt ở chùa Hương Lan

Nằm cách Quốc lộ 6A khoảng 1km, trong ngôi chùa Hương Lan ở thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, Chương Mỹ (Hà Nội) có một lớp học tình thương rất đặc biệt. Cứ vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, những con người mang số phận tật nguyền lại tụ tập về đây để các cô giáo "truyền" cho con chữ, dạy cho tinh thần lạc quan vượt lên số phận.

Một ngày cuối tuần giữa tháng Tư, khí trời se lạnh của cái rét Nàng Bân cùng những hạt mưa lất phất, mới 7 giờ sáng, trong khuôn viên chùa Hương Lan đã có khá đông học sinh đến lớp. Được biết, năm 2007, cô giáo Lê Thị Hòa, giáo viên Trường Tiểu học Đông Sơn, Chương Mỹ đã xin sư thầy Thích Đàm Tiền, trụ trì chùa Hương Lan, cho mượn địa điểm để mở lớp tình thương dạy cho trẻ khuyết tật với lý do thật đơn giản: Giúp cho những đứa trẻ thiệt thòi nuôi ước mơ đi học. Thời gian đầu phòng học chỉ rộng 15m2. Sau một thời gian, học sinh đến học đông thêm, nên nhà chùa cho xây dựng phòng học mới rộng 65m² khá khang trang, sạch đẹp với đầy đủ bàn ghế, bảng viết, tủ để sách vở.

Còn nhớ, ngày mới đi vào hoạt động lớp học chỉ có gần 20 học sinh, nhưng rồi “tiếng lành đồn xa” nhiều xã vùng lân cận đến xin cho con học và rồi lớp học cứ đông dần lên. Đến nay, sĩ số của lớp đã lên tới 59 học sinh, đến từ 9 xã thuộc huyện Chương Mỹ. Học sinh ít tuổi nhất mới lên 7, còn lớn tuổi nhất đã ngoài 30. Lớp học được chia thành 2 khối, một khối theo chương trình lớp 1, 2 và khối còn lại học chương trình lớp 3, 4, 5. Toàn bộ sách giáo khoa là sách cũ được các trường học trên địa bàn hỗ trợ. Còn vở, bút, cặp đều do nhà chùa Hương Lan ủng hộ. Thời gian đầu, chỉ một mình cô Hòa đứng lớp. Sau này, có thêm 8 cô giáo khác trong vùng tình nguyện đến dạy các cháu học chữ. Các cô giáo thực sự là những người mẹ, người chị uốn nắn từng con chữ, chỉ bảo tận tình về cách ứng xử trong cuộc sống, về tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau… họ làm việc thiện mà không nghĩ đến tiền bạc hay danh lợi. Tấm lòng bao dung của các cô đã được đền đáp, chỉ trong một thời gian ngắn, các em đều có bước tiến bộ mọi mặt, nhất là họ đã hòa đồng, không tự khép mình như trước.

Lớp học đặc biệt ở chùa Hương Lan - 1

Cô giáo Lê Thị Hòa hướng dẫn các em học sinh tật nguyền học bài

Ông Đỗ Văn Bìa ở xã Đông Phương Yên kéo chiếc xe lăn chở con gái Đỗ Thị Thư (22 tuổi) bị liệtnửa người đến lớp học tâm sự: “23 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, nước bạn Lào nên tôi bị ảnh hưởng chất độc da cam. Không chỉ một mình tôi gánh chịu cái chất độc quái ác này, mà con gái tôi cũng chung số phận. Bao nhiêu năm nay, vợ chồng tôi cứ để cháu quanh quẩn trong các góc nhà một mình. Khi nhà chùa cùng với các thầy giáo, cô giáo mở lớp học từ thiện, vợ chồng tôi đưa cháu đến đây theo học. Ba năm qua, con tôi tiến bộ nhiều lắm...”.

Gặp chúng tôi, học sinh Hoàng Thị Hà (23 tuổi) ở xã Trường Yên, chia sẻ: "Ngày trước, bố, mẹ em đều tham gia thanh niên xung phong. Ngày trở về quê hương, sinh hạ được 4 người con, thì cả bốn đều bị di chứng chất độc da cam, riêng em thì bị liệt nửa người. Bố và mẹ em đều đã có tuổi và thường xuyên ốm đau, không được hưởng chính sách gì (vì giấy tờ chứng nhận tham gia thanh niên xung phong đã thất lạc từ lâu), cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, nên cuộc sống hết sức bấp bênh. Chính vì vậy, ước mơ đi học của chúng em rất xa vời. Thật may, khi lớp học tình thương tại chùa Hương Lan đi vào hoạt động đã giúp chúng em có cơ hội học chữ. Em đang cố gắng học giỏi để sau này kiếm được việc làm phụ giúp bố mẹ...".

Cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Hòa xúc động cho biết: “Hiện tại, trong lớp học có 6 em bị nhiễm chất độc da cam, 6 em bị tự kỷ, các em khác thì có những khuyết tật với mức độ nặng nhẹ khác nhau, nhưng các em rất chăm chỉ học hành và tiến bộ trông thấy. Ví dụ, học sinh Lê Tuấn Xuân (15 tuổi) bị bệnh tự kỷ từ nhỏ, suốt ngày ngồi lầm lì không nói năng gì, nhưng chỉ sau 2 năm theo học tại đây, cháu đã biết gọi tên người thân và có thể làm được toán lớp hai…

Rồi cô Hòa cho biết thêm: Tâm nguyện của chúng tôi là các em được học tiếp ở các cấp và được làm việc tại các cơ sở của người khuyết tật. Dang tay giúp những mảnh đời bất hạnh chính là phát huy giá trị truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Chính vì vậy, chúng tôi kêu gọi mọi người hãy chung tay làm việc thiện, cứu giúp những mảnh đời bất hạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Chí Hòa (Quân đội nhân dân)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN