Lợi thế nhờ biết nhiều thứ tiếng
Xu hướng học đa ngoại ngữ ngày càng phổ biến. Không chỉ học sinh - sinh viên mà người đã đi làm vẫn sẵn sàng đầu tư thời gian, công sức chinh phục thêm ngôn ngữ mới
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, biết đa ngoại ngữ là lợi thế có thể phát huy ở nhiều hoàn cảnh: phục vụ con đường học thuật, công việc, du lịch...hay đơn thuần là để thỏa một đam mê.
Trọn vẹn sự yêu thích
Sau mỗi ngày làm việc, chị Như Mây (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) lại vội vã trở về nhà để tham gia lớp học tiếng Hàn. Cô gái 9X duy trì thói quen học tập nghiêm túc cả năm qua. Như Mây còn đăng ký hẳn lớp học online với thầy giáo ở Hàn Quốc. Dù công việc hiện tại không đòi hỏi sử dụng tiếng Hàn hay thậm chí là tiếng Anh nhiều song cô vẫn tràn đầy động lực học tập. Bởi lẽ, học ngoại ngữ không chỉ dừng ở việc nghe - nói - đọc - viết mà còn là tiếp cận những điều thú vị về văn hóa và con người của một đất nước. Là fangirl chính hiệu của các nhóm nhạc xứ kim chi, Mây hiện đã có thể am hiểu rõ ràng hơn ý nghĩa các tác phẩm của thần tượng. Cô tự tin trò chuyện với nghệ sĩ mình yêu thích thông qua một ứng dụng của Hàn Quốc mà không cần dùng công cụ dịch nữa. Trong các chuyến công tác, đi chơi ở Hàn Quốc thì trải nghiệm của Như Mây càng trở nên sâu sắc, trọn vẹn và đáng nhớ khi không còn rào cản giao tiếp.
Từ trái qua: Phương Nghi, Khánh Ly, Mỹ Phượng cùng quan điểm: Bạn trẻ tự tin và thích ứng tốt hơn khi làm chủ được nhiều thứ tiếng
Sự yêu thích cũng là lý do để Hoàng Phương Nghi (21 tuổi) hạ quyết tâm thông thạo nhiều ngoại ngữ. Phương Nghi bắt đầu học tiếng Anh từ khi còn là học sinh tiểu học. Quan tâm đến Thái Lan qua những bộ phim và lễ hội nổi tiếng nên việc khám phá thứ ngôn ngữ có đặc trưng giàu ngữ điệu, lên bổng xuống trầm ấy mang đến nhiều hứng thú cho Phương Nghi. Cô lựa chọn trở thành sinh viên khoa Đông phương học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) với chuyên ngành Thái Lan học.
Anh Nguyên Tôn - một fan của anime - thì miệt mài học thêm tiếng Nhật bất cứ khi nào rảnh. Các ứng dụng học ngoại ngữ trên thiết bị di động, từ miễn phí đến có thu phí từng cấp độ, càng giúp chuyện học ngoại ngữ của anh và bao nhiêu người thuận lợi hơn bao giờ hết.
Cơ hội rộng mở
Nhiều bạn trẻ sớm xác định: Việc sở hữu khả năng sử dụng đa ngôn ngữ mở ra cơ hội trong công việc và cuộc sống, giúp họ trở nên nổi bật trong thị trường lao động cũng như đến gần mơ ước "mang hộ chiếu xanh đi quanh thế giới".
Lý Mỹ Phượng (sinh viên năm 4 ngành quan hệ công chúng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM) không ngừng làm giàu vốn liếng tiếng Anh và tiếng Trung. "Điều tuyệt vời khi biết nhiều ngoại ngữ là chúng ta có thể tự tin trò chuyện, kết nối dễ dàng hơn với mọi người đồng thời thích nghi linh hoạt với nhiều tình huống, nhiều nền văn hóa" - Phượng nói. Với hành trang tiếng Anh và tiếng Trung vững chắc, Mỹ Phượng mạnh dạn vi vu khắp nơi để tăng cường vốn sống.
Nguyễn Hà Khánh Ly (21 tuổi, quê Hà Giang) đặt mục tiêu rõ ràng từ khi còn học phổ thông là sẽ đi du học trong tương lai. Cô đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để học tốt cả tiếng Anh và tiếng Hàn - đó là 2 nước cô dành nhiều thiện cảm và có ý định "săn" học bổng để đặt chân đến học tập. Biết thêm một thứ tiếng, Ly nhận thấy mình vun bồi thêm giá trị sống thiết thực. Cô còn tạo ra thu nhập sau mỗi giờ đến trường khi làm gia sư ngoại ngữ với khả năng truyền đạt tốt và tình yêu công việc giảng dạy. Vì không muốn giới hạn bản thân khi sức trẻ cùng năng lượng "chiến đấu" dồi dào, Ly đã tìm hiểu thêm một số ngoại ngữ khác, chẳng hạn như tiếng Pháp, để tiếp tục học thêm.
Với Phương Nghi, việc lựa chọn một ngoại ngữ không quá phổ biến toàn cầu như tiếng Thái giúp cô tăng ưu thế cạnh tranh trên con đường xây dựng sự nghiệp tương lai. Việc học ngoại ngữ thật sự mang lại rất nhiều lợi ích như giúp phát triển trí não, nâng cao nhận thức, kích thích sự sáng tạo và kỹ năng tư duy, góp phần định hình cơ sở phát triển vững chắc cho tương lai... Cô tâm tình: "Càng nhiều ngoại ngữ, bạn trẻ càng nắm chắc trong tay chiếc chìa khóa mở cánh cửa trở thành công dân toàn cầu". Phương Nghi đang ấp ủ kế hoạch học lên cao hơn, chuyên sâu về tiếng Thái. Cô cũng chưa muốn dừng hành trình chinh phục nhiều thứ tiếng và đang nuôi ý định đến với ngoại ngữ thứ 3 là tiếng Tây Ban Nha.
Nguồn: [Link nguồn]
TP - Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa được Bộ GD&ĐT công bố, ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc như hiện nay. Tuy nhiên, với tuyển sinh đại học, nhiều...