Lời chia sẻ của một người mẹ: “Nếu có kiếp sau, tôi nhất định sẽ không nuôi dạy con mình quá xuất sắc”
Những lời chia sẻ của người mẹ này sẽ là một góc nhìn mới đối với những bậc cha mẹ đang quá hi sinh cho con mình.
Có một bài viết được một blogger ở Trung Quốc chia sẻ gây xôn xao cư dân mạng.
Theo đó, trong một video, blogger này đã gặp một cụ bà trong viện dưỡng lão. Sau khi hỏi chuyện, hóa ra cụ bà là một kỹ sư cao cấp đã nghỉ hưu.
Con trai của bà cũng rất xuất sắc, học tiến sĩ ở Mỹ và hiện đã trở thành luật sư.
Tuy nhiên, khi nói về vấn đề giáo dục, cụ bà lại nói: "Nếu có kiếp sau, tôi nhất định sẽ không nuôi dạy con mình quá xuất sắc".
Tại sao vậy?
Lời chia sẻ của người mẹ này khiến nhiều người suy ngẫm.
Cụ bà đã lấy ví dụ từ những người xung quanh:
Một người bạn của bà có 3 người con đều rất thành đạt, đi làm ở nước ngoài, nhưng bây giờ bạn bà đã lớn tuổi, bạn đời cũng qua đời. Bạn bà trở thành người già neo đơn, mỗi ngày đều ăn cơm một mình, đi dạo một mình.
Một đồng nghiệp lớn tuổi hơn có con gái sau khi tốt nghiệp đại học đã ra nước ngoài, nhiều năm không quay về nước, ngay cả khi cha qua đời cũng không xuất hiện.
Bản thân cụ bà cũng vậy.
Mặc dù sống trong viện dưỡng lão cao cấp, mỗi tháng nhận lương hưu khoảng 1 vạn tệ (khoảng 35 triệu đồng), nhưng lại không có ai bên cạnh, cô đơn và bất lực.
Vì vậy, cụ bà rất ngưỡng mộ những đứa con không quá thành đạt, nhưng lại có thể thường xuyên ở bên cạnh cha mẹ.
Trước đây, trên mạng từng lan truyền một đoạn video về một cụ bà 80 tuổi sống một mình bày tỏ nỗi lòng, gây sốt trên toàn mạng.
Cụ bà nói trước ống kính rằng mình quá cô đơn, đã vất vả cả đời nuôi dạy con cái nhưng bây giờ không có ai bên cạnh. Cụ có 2 con gái, 2 con trai, 8 cháu nội, 7 cháu chắt.
Các con tuy hiếu thảo, nhưng vì cuộc sống, họ lần lượt làm việc ở Mỹ, Quảng Châu, Chu Châu. Thời gian các con của cụ trở về nhà rất hiếm hoi.
Con cái ưu tú đương nhiên là niềm tự hào của cha mẹ. Nhưng rất nhiều khi, con cái càng ưu tú, đồng nghĩa với việc càng cách xa cha mẹ.
Nhà văn Cửu Gia (Trung Quốc) từng kể một câu chuyện:
Có một cặp vợ chồng, cả hai đều là giáo viên, biết tầm quan trọng của giáo dục nên sẵn sàng bỏ tiền ra bồi dưỡng con trai.
Từ khi con còn rất nhỏ, hai vợ chồng đã bất kể mưa gió đưa đón con đi học các lớp bồi dưỡng, lớp toán Olympic.
Và cậu con trai cũng không phụ lòng mong đợi, thi đại học đạt thành tích xuất sắc, được tuyển thẳng vào trường đại học hàng đầu trong nước. Sau khi tốt nghiệp, cậu đi du học rồi làm việc ở nước ngoài, mức lương cao ngất ngưởng khiến ai cũng ngưỡng mộ.
Sau này, cậu con trai định cư ở Đức, hai ông bà đã bán căn nhà ở nội thành, hỗ trợ con trai mua nhà ở nước ngoài.
Ban đầu, hai ông bà mong đợi con trai sẽ đón mình sang Đức dưỡng lão.
Nhưng không ngờ, chớp mắt mười mấy năm trôi qua, con trai lại tuyệt nhiên không nhắc đến chuyện đón cha mẹ ra nước ngoài. Trong thời gian đó, cậu con trai cũng chỉ về nước hai lần, lần nào cũng đều vội vàng.
Hai ông bà tuy trong lòng không vui nhưng cũng chỉ có thể tự an ủi mình, con trai thành đạt là chuyện tốt, không thể cắt đứt đôi cánh của con mà không cho con bay.
Cho đến sau này, ông cụ bị chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối, không còn sống được bao lâu nữa. Con trai tuy có về nhưng liên tục bận rộn nghe điện thoại công việc, cuối cùng để lại người mẹ già và người cha bệnh nặng quay trở lại xử lý công việc.
May mắn thay, bà cụ có 2 người cháu giúp đăng ký khám bệnh, mua vé trên mạng, sau đó lại thay nhau thức đêm chăm sóc. Nhưng sau đó, cụ ông đã qua đời.
Trong thời khắc cần sự an ủi của người thân nhất, con trai lại ở nơi xa ngàn dặm, còn giao trách nhiệm chăm sóc mẹ mình cho 2 người em họ. Về việc này, bà cụ vô cùng thất vọng.
Vài năm sau, con trai đột nhiên về nước, bà cụ vốn tưởng là con trai đã hối hận, sau này mới biết, con trai thực ra là vì tiền đền bù giải tỏa.
Sau chuyện này, bà cụ hoàn toàn nhìn thấu con trai. Bà rất hối hận, mình lúc đầu chỉ lo chú trọng việc học hành của con mà không bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp cho con, vì thế mới rơi vào cảnh tuổi già thê lương.
Có một người từng nói: "Điều quyết định cả đời của một đứa trẻ không phải là thành tích học tập, mà là tu dưỡng nhân cách hoàn thiện".
Trong cuộc sống, rất nhiều cha mẹ muốn cho con học trường danh tiếng, lấy thành tích ưu tú làm mục tiêu duy nhất. Nhưng trên thực tế, nuôi dưỡng một đứa con lương thiện, hiếu thảo, cho dù thành tích của nó không được tốt lắm nhưng đó mới là phúc khí thực sự của cha mẹ.
Bởi vì đến tuổi già, cha mẹ sẽ phát hiện ra rằng, con cái dù có ưu tú, thành tích có rực rỡ đến đâu cũng chỉ là phù du. Một đứa con biết quan tâm cha mẹ, thấu hiểu cha mẹ, luôn đặt cha mẹ trong lòng, mới là chỗ dựa cả đời của mình.
Đôi khi, câu cửa miệng của cha mẹ lại vô tình trở thành bàn tay xát muối vào trái tim con và gây cho trẻ những thương tổn khó lành...
Nguồn: [Link nguồn]
-04/02/2025 18:15 PM (GMT+7)